MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại sứ Phạm Sanh Châu thi Tổng giám đốc UNESCO theo cơ chế nào?

01-05-2017 - 07:59 AM | Xã hội

Đại sứ Phạm Sanh Châu là một trong 9 ứng cử viên vào ghế Tổng giám đốc UNESCO nhiệm kỳ 2017-2021.

CLIP Đại sứ Phạm Sanh Châu thi vòng phỏng vấn tiếng Pháp (trích):

Phái đoàn Việt Nam đang tham dự khóa họp Hội đồng Chấp hành UNESCO lần thứ 201 diễn ra tại Paris, Pháp ( từ 19/4 đến 5/5), do ông Lê Hoài Trung, Trưởng đoàn Việt Nam - Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam dẫn đầu.

Theo phái đoàn, một trong những nội dung của khoá họp Hội đồng Chấp hành UNESCO lần này là phỏng vấn 9 ứng cử viên cho chức vụ Tổng giám đốc UNESCO nhiệm kỳ 2017-2021.

Trong hai ngày 26 và 27/4, các ứng cử viên đã lần lượt trải qua các cuộc phỏng vấn, mỗi cuộc kéo dài 90 phút, trong đó mỗi ứng cử viên có 10 phút đầu trình bày tầm nhìn, 75 phút trả lời câu hỏi và 5 phút kết luận.

Mục đích của cuộc phỏng vấn là để các ứng cử viên có cơ hội trình bày cương lĩnh, tầm nhìn, sự am hiểu về UNESCO, thể hiện năng lực lãnh đạo, quản lý và điều hành.

“Đây không phải là một cuộc thi xếp hạng mà là một cuộc phỏng vấn để các quốc gia hiểu rõ hơn về năng lực của các ứng cử viên, là một trong những yếu tố quan trọng để các nước quyết định bỏ phiếu lựa chọn tân Tổng giám đốc tại khóa họp Hội đồng Chấp hành vào tháng 10 và sau đó được Đại hội đồng UNESCO thông qua vào tháng 11 tới”, phái đoàn Việt Nam cho VietNamNet biết từ Paris.

Đại sứ Phạm Sanh Châu nói gì ở phỏng vấn?

Cụ thể, các ứng cử viên, được các quốc gia đề cử, qua phần phỏng vấn cơ bản đã thể hiện là những người có kiến thức, năng lực và kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực công.

Ứng cử viên được lựa chọn làm Tổng giám đốc phải là người có hiểu biết về UNESCO, có năng lực quản lý được Ban thư ký, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn của UNESCO, trong đó có việc huy động nguồn lực tài chính, đểđảm bảo tổ chức hoạt động hiệu quả, đáp ứng các nhiệm vụ mà Hội đồng Chấp hành và Đại hội đồng UNESCO đề ra.

Theo phái đoàn Việt Nam, ứng cử viên của Việt Nam, Đại sứ Phạm Sanh Châu, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao đã hoàn thành phần phỏng vấn, trả lời đầy đủ các câu hỏi theo đúng thời gian yêu cầu.

“Thông điệp xuyên suốt của ứng cử viên Việt Nam là: tăng cường vai trò của UNESCO nhằm góp phần vào việc đảm bảo sứ mệnh hòa bình; cải cách tổ chức để UNESCO hoạt động ngày càng hiệu quả hơn; đề cao và tăng cường hình ảnh, vai trò của UNESCO”, phái đoàn cho biết.

Phái đoàn Việt Nam cũng nhấn mạnh, việc Việt Nam lần đầu tiên cử đại diện tranh cử chức vụ cao nhất tại một tổ chức quốc tế thể hiện thông điệp Việt Nam tiếp tục sẵn sàng đóng góp vào các công việc chung của cộng đồng quốc tế, phù hợp với đường lối đối ngoại tích cực, chủ động hội nhập quốc tế.

Sẵn sàng đóng góp và chia sẻ những kinh nghiệm thành công trong công cuộc phát triển kinh tế xã hội, hợp tác nhiều mặt với Liên hợp quốc, trong đó có việc thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs) trước đây cũng như thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) hiện nay.

Đồng thời thể hiện Việt Nam có những cá nhân có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm để tham gia, điều hành các tổ chức quốc tế lớn.

Sinh năm 1961 tại Myanmar, Đại sứ Phạm Sanh Châu bắt đầu vào ngành ngoại giao từ năm 1983-1984.

Từ năm 1999-2003, ông được bổ nhiệm làm Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO - là người trẻ tuổi nhất được bổ nhiệm vị trí này.

Hết nhiệm kỳ tại UNESCO, ông trở về làm Phó viện trưởng Viện Quan hệ Quốc tế - Học viện Ngoại giao Việt Nam.

Từ 2005 đến 2007, ông đảm trách chức Phó vụ trưởng Ban Thư ký APEC.

Từ năm 2007 đến 2011, ông làm Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO.

Năm 2011-2014, ông là Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, Đại Công quốc Luxembourg và Trưởng đoàn Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu.

Từ năm 2014 đến nay, ông là Vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Đại sứ - Đặc phái viên của Thủ tướng về các vấn đề UNESCO.

Đại sứ Phạm Sanh Châu đã được Chủ tịch nước phong hàm Đại sứ suốt đời.

Theo Linh Thư - Trần Thường

Vietnamnet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên