Đại tá Tuấn: Khi báo cháy, đường ống nước dùng cho PCCC ở chung cư bục hết
Theo Đại tá Tuấn, trong các buổi tập huấn về PCCC cho người dân ở các tòa nhà chỉ được 20 – 30 người mà phần lớn là người giúp việc, các cháu, cụ già đi nghe.
- 26-03-2018An toàn cháy nổ chung cư: Phụ thuộc lớn vào chủ đầu tư
- 24-03-2018Cư dân Carina Plaza chưa bao giờ được hướng dẫn an toàn cháy nổ?
- 24-06-2017Cháy nổ lớn ở quận 4: Thiêu trụi nhà kho hơn 4.000m2
- 23-06-2017Cháy nổ lớn tại nhà kho sát trung tâm Sài Gòn
Nguy cơ mất an toàn PCCC ở hàng loạt công trình
Ngày 27/3, Ban Đô thị của HĐND thành phố Hà Nội giám sát việc chấp hành quy định của pháp luật trong vận hành, quản lý chung cư trên địa bàn quận Thanh Xuân.
Phát biểu tại đây, Đại tá Lê Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết, tình hình cháy nổ ở chung cư đang tăng lên, gần đây ở Hà Nội và TP HCM đều xảy ra, trong đó có vụ việc nghiêm trọng ở TP HCM.
"Ở Hà Nội cũng có 2 vụ cháy chung cư gần đây ở Hà Đông, nhưng rất may là kịp thời xử lý, không gây thiệt hại lớn về người và tài sản, nhưng gây lo lắng cho người dân, nhất là những người đang sống ở nhà cao tầng", Đại tá Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, các chung cư cao tầng ở Hà Nội đang có một số vấn đề bất cập. Trong đó, đối với những tòa nhà đưa vào sử dụng thời gian trước đây, hệ thống PCCC cũng có, nhưng hiện nay không hoạt động và nếu hoạt động cũng không hiệu quả vì các chủ đầu tư không chấp hành quy định khi thi công.
Cùng với đó, trong quá trình sử dụng qua nhiều năm công tác bảo hành, bảo trì, thay thế hệ thống PCCC không có.
Đặc biệt, theo Phó Giám đốc Sở CS PCCC Hà Nội, với những tòa nhà mới đưa vào sử dụng thời gian gần đây, do quy định của luật chặt chẽ, lúc nghiệm thu có thể chấp hành, nhưng sau khi đi vào hoạt động, việc bảo hành, bảo trì lại không có.
"Vừa rồi kiểm tra một loạt, ngay cả khu Trung Hòa - Nhân Chính, khi báo cháy thì đường ống nước dùng cho PCCC bục hết. Đường ống lâu không vận hành, gặp dòng nước áp lực lớn nên bục hết. Rất nhiều họng nước cũng không có nước", Đại tá Tuấn chỉ rõ.
Hình ảnh vụ cháy chung cư ở TP HCM.
Liên quan đến thông tin 79 công trình vi phạm PCCC trên địa bàn thành phố, ông Tuấn cho biết, đến nay, đã giải quyết được 41 tòa nhà, cấp giấy chứng nhận, nghiệm thu PCCC.
Một số tòa nhà vẫn đang tiếp tục khắc phục, riêng 26 tòa nhà rơi vào dạng "bất khả kháng", vì liên quan đến kiến trúc, kết cấu, theo quy chuẩn mới thì không thể đáp ứng được.
"Chúng tôi đã tham mưu cho UBND thành phố, Bộ Công an có văn bản gửi Bộ Xây dựng để có giải pháp xử lý chỉnh sửa ra sao chứ nếu đúng theo luật là không thể hoạt dộng được", ông Tuấn nói thêm.
Ông Tuấn cũng cho biết, hiện nay, rất nhiều tòa nhà không có lực lượng chữa cháy tại chỗ.
Ngay cả vụ cháy chung cư ở trong TP HCM, lực lượng bảo vệ cũng chỉ làm nhiệm vụ cứu người chứ chưa ai có động tác dùng bình chữa cháy hay dùng họng nước cứu hỏa của tòa nhà để chữa cháy.
"Nếu một số tòa nhà tập huấn cho lực lượng bảo vệ, quản lý tòa nhà công tác chữa cháy thì hiệu quả rất tốt", ông Tuấn nói thêm.
Cũng theo ông Tuấn, hiện nay, ở Hà Nội mới có 25 quận, huyện có đơn vị chữa cháy chuyên nghiệp, nếu không dựa vào lực lượng chữa cháy tại chỗ, có nơi sau 50 phút lực lượng chữa cháy mới đến và khi đó hậu quả rất lớn.
Tập huấn PCCC toàn cho các cháu, cụ già đi nghe
Đối với địa bàn quận Thanh Xuân, ông Tuấn nêu rõ, hiện còn 29 công trình không đảm bảo an toàn phòng cháy; 4 công trình cao tầng đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được thẩm duyệt PCCC.
Cụ thể, các công trình ở 83 Tô Vĩnh Diện, nhiều hộ gia đình ở 76 Cự Lộc, nhà văn phòng địa chỉ 27 Tô Vĩnh Diện, tòa nhà cao tầng 227 Nguyễn Ngọc Nại.
Ngoài ra, có 3 công trình cao tầng đã đưa vào sử dụng, đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu.
"Chúng tôi đã lập biên bản đã có kiến nghị báo cáo thành phố, Công an để phối hợp xử lý giải quyết", Đại tá Tuấn thông tin.
Phó Giám đốc Sở CS PCCC Hà Nội đề nghị, trong thời gian tới cần quan tâm đến việc quy hoạch xây dựng, tăng cường kiểm tra hệ thống chữa cháy ở các tòa nhà cao tầng, đặc biệt, nâng cao ý thức phòng cháy chữa cháy của người dân.
"Chúng tôi đi tập huấn nhưng các buổi họp đó chỉ được 20 – 30 người mà phần lớn là người giúp việc, các cháu 15 – 17, các cụ già ra nghe. Có tòa nhà làm mấy buổi, buổi đầu được mấy chục người, buổi sau chỉ được lèo tèo vài người", Phó Giám đốc Sở CS PCCC Hà Nội nêu.
Bên cạnh đó, một số tòa nhà chung cư sử dụng tầng hầm có nhiều vấn đề, đặc biệt cửa ngăn khói bị tháo hệ thống trợ lực, chèn gạch để thuận tiện đi lại gây nhiều nguy cơ khi xảy ra cháy tầng hầm. Việc cải tạo ao hồ cũng nên tạo đường lấy nước cho các xe chữa cháy...
Cháy chung cư Carina: Bố cứu con ngoạn mục bằng những cuộc điện thoại (nguồn: VTV1)
Trí Thức trẻ