MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại tiệc mua sắm Ngày độc thân: Giảm thật hay mánh khóe?

13-11-2018 - 07:44 AM | Thị trường

Lợi dụng chương trình giảm giá, nhiều gian hàng tại các trang thương mại điện tử bán hàng giả, nhái.

Hàng loạt sàn thương mại điện tử tại Việt Nam như Lazada, Shopee, Tiki… đã tung ra khuyến mãi khủng nhân Ngày độc thân (11-11) nhằm dụ khách hàng mua sắm.

Các sàn điện tử khẳng định đây là chương trình khuyến mãi lớn nhất năm nay với mức giảm giá có khi lên đến 70%. Ngày độc thân chỉ có một ngày nhưng nhiều trang thương mại điện tử tung chương trình khuyến mãi áp dụng từ đầu tháng và còn kéo dài trong những ngày tới.

Khách hàng than phiền

Ngay khi các chương trình khuyến mãi còn chưa chấm dứt đã có những than phiền từ phía khách hàng về tình trạng hàng giả, hàng nhái và giảm giá ảo.

Đơn cử khi truy cập vào danh mục các sản phẩm khuyến mãi trong ngày 11-11 trên Lazada, khách hàng thấy có nhiều sản phẩm làm nhái những thương hiệu nổi tiếng như JBL, Bose... Theo đó, người bán đã cố tình sử dụng hình ảnh loa JBL Charge 3, đăng tiêu đề lập lờ và rao bán với mức giá cực rẻ chỉ 219.000 đồng, trong khi thực tế giá của sản phẩm này trên dưới 2 triệu đồng tùy từng nơi bán.

Tương tự, trang thương mại điện tử Shopee cũng xuất hiện hàng giả, hàng nhái mang danh nghĩa hàng xách tay cao cấp loại 1 của Đài Loan. Ví dụ điện thoại Oppo F9 được rao bán với mức giá siêu rẻ chỉ 1,9 triệu đồng trong khi hàng chính hãng lên đến 7,6 triệu đồng. Tương tự, tai nghe Beats chỉ có 49.500 đồng, mức giá rẻ không tưởng cho thương hiệu tai nghe nổi tiếng.

Chị Kim Phượng (quận 3. TP.HCM) cho hay vì không có thời gian đi mua sắm nên chị thường canh các chương trình giảm giá để mua. Tuy nhiên, chất lượng lại không đảm bảo. “Mới đây, tôi mua tai nghe iPhone trên sàn Shopee thấy để hàng chính hãng giảm tới 50%, còn 75.000 đồng. Khi về sử dụng thì âm thanh rè rè, lúc được lúc không. Nói chung rất kém chất lượng”.

Không chỉ vậy, một số khách hàng còn gặp phải tình trạng hàng giảm giá nhưng thực tế giá lại… cao hơn hàng chưa giảm. Những ngày qua, cộng đồng mạng lan truyền hình ảnh hộp bánh Chocochip cookies bán trên Lazada dù tuyên bố khuyến mãi khủng vẫn có giá lên đến 94.990 đồng, cao hơn giá bán tại các cửa hàng tiện lợi ít nhất 22.000 đồng/hộp.

Anh Lê Quang (ngụ quận 12, TP.HCM) cho rằng không nên nhìn vào mức giảm đến 60%-70% mà quyết định mua ngay, vì đó có thể chỉ là cách tạo hiệu ứng khách hàng. Thực tế không hiếm trường hợp hàng trước khi đem khuyến mãi đã được tăng giá rồi mới giảm giá.

Anh Quang kể: “Tôi từng mua cặp loa cũng vào đợt khuyến mãi trên một sàn thương mại điện tử với giá khuyến mãi 40%. Có điều khi mua về tôi phát hiện ra giá giảm của chúng lại bằng với giá bán thực tại thị trường”.

Đại tiệc mua sắm Ngày độc thân: Giảm thật hay mánh khóe? - Ảnh 1.

Lazada khẳng định người tiêu dùng có toàn quyền đổi trả sản phẩm nếu phát hiện sản phẩm bị lỗi hoặc kém chất lượng. Trong ảnh: Khách hàng mua sản phẩm của Lazada . Ảnh: THU HÀ


Kinh doanh gian lận sẽ thất bại

Đại diện trang thương mại điện tử Shopee cho hay trên cơ sở các thông tin do Pháp Luật TP.HCM cung cấp, Shopee đã rà soát toàn bộ các sản phẩm có liên quan và tạm khóa các sản phẩm vi phạm cho đến khi vụ việc được làm rõ.

“Việc kiểm tra, ngăn chặn và gỡ bỏ hàng giả, hàng nhái, các mặt hàng cấm kinh doanh hoặc hạn chế kinh doanh là một trong những nội dung mà Shopee thực hiện hằng ngày đối với các sản phẩm mới được đăng bán. Công ty sẽ tạm khóa sản phẩm, tài khoản người bán có nghi vấn và yêu cầu người bán cung cấp các tài liệu, chứng từ có liên quan. Tùy từng trường hợp, Shopee sẽ có các mức độ xử lý khác nhau đối với các vi phạm của nhà bán hàng, từ cảnh cáo cho đến khóa tài khoản vĩnh viễn” - đại diện Shopee cho hay.

Ông Zhang YiXing, Tổng Giám đốc Lazada Việt Nam, cho biết lễ hội bán hàng giả m giá lớn nhất năm của Lazada trên khắp Đông Nam Á diễn ra vào ngày 11-11, trong đó có Việt Nam. Cụ thể, Lazada có chương trình “Đại tiệc mua sắm” khi tung ra 110.000 phiếu mua hàng với hơn 1,1 triệu khuyến mãi dành cho khách hàng.

Đại diện Lazada nhìn nhận cũng như các loại hình khác, dù thương mại online hay offline đều có những trường hợp gian lận. Vì vậy, Lazada đã xây dựng cơ chế để người tiêu dùng phản ảnh về hàng hóa đã mua và khách hàng có thể đọc được các đánh giá của những người mua hàng trước đó. Nhờ vậy người dùng có thể chọn được ai là người bán hàng tốt, phục vụ chuyên nghiệp.

“Với cơ chế này, một mặt tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh chân chính, còn những ai làm ăn gian lận sẽ thất bại khi kinh doanh trên sàn. Bên cạnh đó, khi có những thông tin về hoạt động gian lận của các nhà bán hàng thì chúng tôi sẽ tìm cách xử lý ngay” - đại diện Lazada khẳng định.

Đại diện Lazada cũng cho biết đã buộc tất cả người bán hàng phải cam kết tuyệt đối không được có hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. “Lazada xây dựng một đội ngũ chuyên kiểm tra chất lượng hàng hóa để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng... Về phía khách hàng, người tiêu dùng có toàn quyền đổi trả sản phẩm theo quy định của Lazada nếu phát hiện bất kỳ sản phẩm bị lỗi hoặc kém chất lượng” - đại diện Lazada khẳng định.

Để an toàn khi mua hàng khuyến mãi

Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena, khuyến nghị: Để an toàn khi mua sắm trực tuyến, bên cạnh nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước, người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những trang web uy tín, được cấp phép hoạt động và có thông tin rõ ràng (địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế…). Tìm hiểu kỹ về các điều khoản liên quan đến bảo hành, trả hàng, hoàn tiền và giao nhận.

Đặc biệt, trước khi đặt mua, người tiêu dùng cũng nên tìm kiếm thông tin sản phẩm, dịch vụ trên Internet. Ví dụ như nguồn gốc, xuất xứ, tính năng, đánh giá sản phẩm để tránh mua nhầm phải hàng kém chất lượng. Cảnh giác với các sản phẩm có giá siêu rẻ, bởi đây có thể là hàng nhái mẫu mã, chức năng thật sự không có và rất dễ hư hỏng.

Nhiều người không tin hàng mua trên mạng

Theo thống kê của Sở Công Thương TP.HCM, hiện có 61.000 website thương mại điện tử hoạt động ổn định liên tục, chiếm hơn 40% tổng số lượng website thương mại điện tử cả nước. Tuy nhiên, kết quả điều tra cho thấy tỉ lệ hộ gia đình không mua hàng trực tuyến chiếm 55,3% trong tổng số hộ biết về giao dịch thương mại điện tử (chiếm 33,2% số hộ tham gia khảo sát).

Nguyên nhân chủ yếu: Khách hàng không tin tưởng vào chất lượng hàng hóa, dịch vụ chiếm 24,9%; hàng hóa dịch vụ không phong phú chiếm 8,6%; không tin tưởng độ an toàn của thanh toán trực tuyến chiếm 7,9%; không có nhiều cơ hội chọn lựa sản phẩm chiếm 6,4%.

Ông Hà Ngọc Sơn, đại diện Sở Công Thương TP.HCM, cho hay Nghị định 52/2013 về thương mại điện tử có đề cập đến trách nhiệm của người bán hàng khi bán trên môi trường điện tử phải cung cấp năm nhóm thông tin cơ bản đối với người mua và chịu trách nhiệm về vấn đề đó. Theo đó, khi có phát sinh tranh chấp, cơ quan quản lý có thể bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo THU HÀ - MINH HOÀNG - TÚ UYÊN

Pháp luật Tp Hồ Chí Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên