MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đài truyền hình Mỹ ca ngợi loạt tiệm nail Việt Nam ủng hộ găng tay, khẩu trang cho các bệnh viện và mở xưởng may đồ bảo hộ cho nhân viên y tế

13-04-2020 - 20:34 PM | Sống

Một loạt các tiệm nail Việt Nam ở Mỹ đã có những hoạt động hỗ trợ cho các bệnh viện địa phương trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Khi Huy Nguyen đóng cửa tiệm làm móng Top Nails 2 ở thành phố Mobile, bang Alabama, hai tuần trước do Covid-19 bùng phát, ông đã quyên tặng toàn bộ vật tư y tế có trong kho gồm 8 hộp găng tay và hàng trăm khẩu trang y tế cho bệnh viện địa phương.

Ông Huy Nguyen không hành động đơn độc một mình. Theo lời kêu gọi trên mạng xã hội của một dược sĩ gốc Việt ở địa phương, hàng chục chủ tiệm làm móng gốc Việt tại Mobile đã huy động và quyên góp 134.000 găng tay và 23.000 khẩu trang cho một bệnh viện gần đó. Sau đấy, ông Huy đã kêu gọi những bạn bè khác của mình là chủ các tiệm làm móng ở nhiều thành phố khác tại Mỹ chung tay chống Covid-19.

"Chiến đấu với Covid-19 là trách nhiệm của mỗi người chúng ta. Chúng tôi không làm việc trong lĩnh vực y tế, không thể trực tiếp đương đầu với virus nhưng vẫn muốn chia sẻ trách nhiệm và chia sẻ những gì chúng tôi đang có với cộng đồng", ông Huy nói với đài NBC.

Đài truyền hình Mỹ ca ngợi loạt tiệm nail Việt Nam ủng hộ găng tay, khẩu trang cho các bệnh viện và mở xưởng may đồ bảo hộ cho nhân viên y tế - Ảnh 1.

Những thùng khẩu trang chờ giao đến bệnh viện.

Trước tình trạng các y bác sĩ Mỹ đang thiếu hụt nghiêm trọng dụng cụ bảo hộ, hàng loạt tiệm nail của người Việt - vốn chiếm ưu thế trong ngành công nghiệp hàng tỷ đô này - đã sẵn lòng quyên góp khẩu trang, găng tay và nhiều loại dụng cụ vệ sinh sát khuẩn cho các bệnh viện địa phương nơi họ đang sinh sống.

Cũng giống như ông Huy Nguyen, Lisa Nguyen và cha mẹ sở hữu tiệm làm móng Cowboys Nail Bar ở thành phố Plano, bang Texas, quyết định tặng 14 hộp khẩu trang chuyên dụng N95 trong kho cho các nhân viên y tế tại Trung tâm Y tế Đại học Texas Southwestern khi hay tin nguồn cung thiết bị bảo hộ đang thiếu hụt trầm trọng.

"Với tất cả những gì đóng góp được, chúng tôi hy vọng giúp đỡ được các thành viên trong gia đình và đồng nghiệp của họ đang làm việc tại bệnh viện", Lisa Nguyen nói.

Tại thành phố Brentwood, bang Tennessee, nhóm doanh nhân gốc Việt đồng sở hữu chuỗi làm móng Zen Nails không chỉ quyên góp vật tư y tế, mà họ còn biến tiệm làm móng thành cơ sở sản xuất khẩu trang và quần áo bảo hộ. Các máy móc chuyên dụng để làm nail đã được thay bằng máy may, nơi các tình nguyện viên miệt mài làm việc suốt 9 giờ mỗi ngày để kịp thời cung cấp đồ bảo hộ cho bệnh viện.

Đài truyền hình Mỹ ca ngợi loạt tiệm nail Việt Nam ủng hộ găng tay, khẩu trang cho các bệnh viện và mở xưởng may đồ bảo hộ cho nhân viên y tế - Ảnh 2.

Tiệm làm móng Zen Nails tại thành phố Brentwood, bang Tennessee, chuyển đổi thành không gian sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ ủng hộ nhân viên y tế địa phương.

Bà Trang Nguyen, đồng sở hữu Zen Nails, cho biết bà từng làm y tá vài năm trước và vẫn thân thiết với nhiều người trong giới.

"Khi tôi thấy nhiều người trong số họ lo lắng vì thiếu đồ bảo hộ, tôi rất muốn giúp đỡ. Y bác sĩ cần phải được bảo vệ trước tiên để có thể chăm sóc cho các bệnh nhân của mình. Sau đó, tôi nghĩ ra mình có thể may khẩu trang và quần áo bảo hộ, vì gia đình tôi vốn biết chút ít về may", bà Trang nói.

Trong tuần đầu tiên, tiệm sản xuất được hơn 3.000 khẩu trang và quần áo bảo hộ tặng cho ba bệnh viện địa phương là St. Thomas Medical Partners, Williamson Medical Center và HCA Health. Trang Nguyen cho biết các nguyên liệu ngày càng khan hiếm hơn nhưng bà hy vọng sẽ duy trì sản xuất.

"Chúng tôi muốn đền đáp cho nước Mỹ và cộng đồng", bà Trang Nguyen chia sẻ.

Nhìn nhận về hành động ý nghĩa của loạt tiệm nail Việt Nam, phó giáo sư Rosalind Chow từ ĐH Carnegie Mellon cho biết sự kết nối trong cộng đồng kinh doanh có thể giúp tăng cường hoạt động thiện nguyện.

"Con người luôn có sự gắn kết với những ai tương đồng với mình. Đó là lí do vì sao khi một tiệm nail chuẩn bị tổ chức hoạt động nào đó, các cửa tiệm khác sẽ nhanh chóng muốn được hỗ trợ. Các chủ doanh nghiệp và nhân viên đã thể hiện rõ niềm khao khát muốn được san sẻ với cộng đồng, bằng cách tình nguyện giúp đỡ, cho đi những nguồn lực của mình mà không cần báo đáp", phó giáo sư Chow khẳng định.

Nguồn: NBC News


Theo Diệp Lục

Báo dân sinh

Trở lên trên