Đắk Nông chuẩn bị sẵng sàng cho cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành
Chiều 17/4, tại phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) tại Kỳ họp thứ 7 tới.
Đây là dự án giao thông trọng điểm, sẽ giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, tạo không gian phát triển mới, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh khu vực vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Tại tỉnh Đắk Nông, chính quyền và người dân đang rất trông chờ dự án và tỉnh cũng đang sẵn sàng để triển khai dự án khi được phê duyệt.
Ông Nguyễn Quang Vinh (tổ 1, thôn 3, xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông) rất phấn khởi khi Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư tại kỳ hợp thứ 7, tháng 5 tới.
Ông Vinh rất kỳ vọng dự án giao thông này sẽ sớm được phê duyệt, triển khai, hoàn thành để giao thông, giao thương của người dân Đắk Nông nói riêng, Tây Nguyên nói chung được thuận lợi hơn. Những mặt hàng nông sản như cà phê, hồ tiêu, sầu riêng… mà nông dân như ông Vinh làm ra, sẽ được tiêu thụ thuận lợi hơn, giá cả tốt hơn, tạo điều kiện để kinh tế, đời sống phát triển.
“Tôi kỳ vọng Quốc hội sớm phê duỵệt dự án này. Khi có cao tốc đi thẳng qua thì dứt khoát sự vận chuyển nhanh hơn. Đường thông suốt thì kinh tế, đời sống phát triển mạnh nữa, công nghiệp, nông nghiệp, nói chung các mặt hàng thuận lợi hơn. Tuyến cao tốc này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân", ông Nguyễn Quang Vinh bày tỏ.
Ông Lê Văn Chiến, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh uỷ, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, Đắk Nông nói riêng, khu vực Tây Nguyên nói chung là vùng nguyên liệu nông sản rất lớn phục vụ xuất khẩu và sản xuất, chế biến. Đây cũng là vùng nguyên liệu rất quan trọng cho một số ngành công nghiệp, điển hình là ngành bô xít- alumin- nhôm.
Tuy nhiên, Tây Nguyên vẫn còn là vùng trũng về phát triển kinh tế. Nguyên nhân cơ bản là do hạ tầng giao thông còn hạn chế. Không có cảng biển, không có đường sắt, toàn khu vực muốn phát triển chỉ có trông chờ vào hệ thống đường bộ được quan tâm, đầu tư.
Ông Lê Văn Chiến khẳng định, cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) sẽ góp phần quan trọng giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông. Xuôi về phía Nam, tuyến cao tốc này sẽ đấu nối vào Cao tốc Chơn Thành- Thành phố Hồ Chí Minh. Ngược lên phía Bắc, đây sẽ điểm khởi đầu để hình thành cao tốc xuyên Tây Nguyên, từ Đắk Nông qua Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, kết nối với miền Trung và đấu nối vào Cao tốc Bắc – Nam.
Kết nối đồng bộ liên vùng sẽ tạo không gian phát triển mới, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cho Đắk Nông và vùng Tây Nguyên. Với tầm quan trọng như vậy, tỉnh Đắk Nông đã chuẩn bị kỹ càng, sẵn sàng các điều kiện để triển khai dự án.
“Tỉnh chúng tôi cũng triển khai các bước cần thiết để chuẩn bị thực hiện dự án. Chúng tôi đã làm các thủ tục pháp lý và chuẩn bị nguồn lực theo chỉ đạo của Chính phủ là tỉnh Đắk Nông đóng góp 1.000 tỷ đồng thì Đắk Nông đã sẵn sàng. Riêng nhiệm vụ cực kỳ quan trọng nữa là giải phóng mặt bằng thì địa phương cũng đã sẵn sàng", ông Lê Văn Chiến cho hay.
Theo quy hoạch, cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành có quy mô 6 làn xe. Giai đoạn phân kỳ đầu tư với chiều dài 128,8 km, quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, giải phóng mặt bằng một lần 6 làn xe. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 25.540 tỉ đồng, trong đó một nửa là vốn nhà nước, nửa còn lại do nhà đầu tư thu xếp.
Riêng tại tỉnh Đắk Nông, tuyến cao tốc đi qua có chiều dài 27,8km (chủ yếu đi qua huyện Đắk R’Lấp), tổng diện tích đất thu hồi khoảng 526ha, cần bố trí tái định cư cho 252 hộ.
Ông Phan Anh Tuấn, Bí thư Huyện uỷ Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông cho biết, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, cả hệ thống chính trị của huyện đã vào cuộc để chuẩn bị cho dự án. Trên cơ sở hướng tuyến dự án, huyện đã rà soát, quy hoạch 6 khu tái định cư, 10 mỏ vật liệu, 8 vị trí bãi thải.
Huyện cũng đã chỉ đạo các ngành, các xã phối hợp rà soát, thống kê sơ bộ hiện trạng đất đai, cây cối, hoa màu, tài sản trong phạm vi quy hoạch hướng tuyến, sẵn sàng cho việc giải phóng mặt bằng.
“Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, chúng tôi đã thành lập Ban vận động, tuyên truyền và cũng thành lập một số tổ. Tất cả các địa phương, các đảng bộ xã, phường, thị trấn, lực lượng an ninh, quân sự, rồi mặt trận, đoàn thể đều tham gia. Đây là một nhiệm vụ lớn, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt, làm sao tạo sự đồng thuận của người dân”, ông Phan Anh Tuấn chia sẻ.
Đắk Nông đã chủ động, tích cực chuẩn bị các điều kiện để khi dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành được phê duyệt sẽ nhanh chóng triển khai. Điều này cũng cho thấy khát vọng phát triển kinh tế xã hội mãnh liệt của địa phương.
VOV