MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đảm bảo ổn định hàng hóa dịp Tết

23-10-2020 - 16:48 PM | Thị trường

Theo ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), để không thiếu hàng, Bộ Công Thương đang lên kế hoạch cân đối cung - cầu hàng tiêu dùng phục vụ những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán.

Thông thường vào dịp cận tết, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao. Đây cũng là thời điểm giá cả hàng hóa có thể sẽ tăng, gây bất lợi cho người tiêu dùng.

Theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội, để bảo đảm nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp tết, Sở Công Thương Hà Nội đã xây dựng kế hoạch kích cầu tiêu dùng cuối năm trên cơ sở bám sát tình hình thị trường để tham mưu cho lãnh đạo thành phố. Bên cạnh đó, Hà Nội phối hợp với các địa phương đưa nguồn hàng các tỉnh, thành khác như: Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La vào Hà Nội để vừa hỗ trợ các địa phương tiêu thụ sản phẩm, lại đa dạng nguồn cung cho thị trường Thủ đô. Kế hoạch kích cầu tiêu dùng nội địa từ nay đến cuối năm là Hà Nội sẽ tổ chức một loạt các sự kiện kích cầu tiêu dùng như Tháng Khuyến mại tập trung, Hội chợ Kết nối cung cầu gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, tổ chức trên 30 chuyến bán hàng lưu động, 12 phiên chợ hàng Việt, Hội chợ đặc sản vùng miền…

Đảm bảo ổn định hàng hóa dịp Tết - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Năm 2020, triển khai thực hiện Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP. Hà Nội theo Kế hoạch thực hiện bình ổn thị trường 13 nhóm hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân với lượng hàng hóa trị giá gần 4.470 tỷ đồng/tháng, tương đương hơn 53.600 tỷ đồng/năm, Sở Công Thương Hà Nội đã tham mưu UBND TP. Hà Nội ban hành văn bản gửi các tỉnh, thành phố trong công tác phối hợp, giới thiệu doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường năm 2020. Đồng thời ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình và văn bản gửi các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng tham gia. Đến nay, đã có 16 đơn vị đăng ký tham gia Chương trình với 15 doanh nghiệp và 1 tổ chức tín dụng.Bà Trần Thị Phương Lan cho biết, về chương trình bán hàng Việt, kích cầu tiêu dùng trên địa bàn Thành phố, Sở Công Thương Hà Nội đã triển khai hàng loạt các Chương trình khuyến mại tập trung TP. Hà Nội được tổ chức vào tháng 6, 7 và 11 với chủ đề "60 ngày vàng - rộn ràng mua sắm" trên toàn địa bàn.

Đại diện Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, từ nay đến cuối năm sẽ đẩy mạnh hoạt động kết nối giữa ngân hàng và DN, giúp DN có cơ hội vay vốn với lãi suất thấp dự trữ nguồn hàng phục vụ nhu cầu tăng cao vào cuối năm. Đồng thời, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh liên tục tổ chức các hội chợ xúc tiến tiêu dùng, triển lãm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, từ đó giúp DN ký kết hợp đồng dự trữ hàng hóa và tiêu thụ sản phẩm.

Theo ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), để không thiếu hàng, Bộ Công Thương đang lên kế hoạch cân đối cung - cầu hàng tiêu dùng phục vụ những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán. Bộ Công Thương đã yêu cầu các sở, DN xây dựng các chương trình bình ổn thị trường, nhất là các giai đoạn sát Tết. Đồng thời tăng cường các điểm bán tại khu công nghiệp, vùng sâu vùng xa… đảm bảo người dân không thiếu hàng, sốt giá. Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Sở Công Thương, hiệp hội, ngành hàng, DN sản xuất, bán lẻ thường xuyên bám sát diễn biến cung - cầu, giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu qua đó kịp thời đưa ra các giải pháp điều hành. "Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tiếp tục xây dựng chương trình bình ổn thị trường, tập trung vào các mặt hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm", ông Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh.

Vào thời điểm các tháng cuối năm và Tết Nguyên đán, hoạt động buôn lậu có khả năng diễn biến phức tạp do nhu cầu tiêu dùng gia tăng cao. Hàng gian, hàng giả cũng lợi dụng tình hình để tuồn ra thị trường. Theo Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), 9 tháng qua, lực lượng QLTT cả nước đã phát hiện, xử lý gần 65.000 vụ buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại. Riêng tháng 9 lực lượng QLTT qua kiểm tra đã phát hiện, xử lý là 6.737 vụ buôn lậu, hàng giả. Ông Trần Hữu Linh- Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết, từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu, lực lượng QLTT tiếp tục triển khai các chương trình, kế hoạch chống hàng lậu của BCĐ 389 T.Ư và Bộ Công Thương. Cụ thể sẽ tập trung kiểm tra các mặt hàng nóng trọng điểm có nhu cầu cao trong dịp Tết Nguyên đán như rượu bia, nước giải khát, pháo nổ, quần áo, thuốc lá điếu, xì gà. Lực lượng QLTT sẽ tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng, hiệp hội ngành hàng, địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện ích về niêm yết giá, nhất là các mặt hàng nhu yếu phẩm.

Theo Diệu Linh

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên