Đảm bảo phương án tối ưu thoái vốn, PVN tính chuyện hợp nhất PVFCCo và PVCFC
PVN sẽ chỉ nắm giữ 36% vốn điều lệ tại PVFCCi cũng như PVCFC giai đoạn 2018 – 2020. Đây cũng là mức sở hữu tại PVD. Ngoài ra PVN sẽ thoái toàn bộ vốn tại Petrosetco, PVE và PV-DMC vào năm 2020.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã có văn bản tiếp thu và giải trình ý kiến của các Bộ, ngành và bổ sung hoàn thiện Đề án tái cơ cấu toàn diện PVN giai đoạn 2017 – 2025.
Về thoái vốn của Tập đoàn tại Tcty Phân bón và hoá chất dầu khí CTCP (PVFCCo) và CTCP Phân bón dầu khí Cà Mau (PVCFC), hồi tháng 5/2018, Bộ Tài chính đề nghị Tập đoàn báo cáo Thủ tướng điều chỉnh tỷ lệ thoái vốn tại 2 doanh nghiệp này đảm bảo đến năm 2020 chỉ nắm giữ 36% vốn điều lệ.
Thực hiện chỉ đạo này, PVN đã tiếp thu và hoàn thiện dự thảo Đề án, theo đó, PVN sẽ giảm tỷ lệ nắm giữ tại PVCFC (75,56% vốn điều lệ) và PVFCCo (61,38% vốn điều lệ) xuống còn 36% trong giai đoạn 2018 – 2020.
Theo PVN, để đảm bảo hiệu quả thoái vốn tại 2 doanh nghiệp này, Tập đoàn đang xây dựng các phương án tối ưu nhất, bao gồm cả việc hợp nhất 2 đơn vị này để trình cơ quan thẩm quyền xem xét.
Trước đó, Thủ tướng trong chỉ đạo hồi tháng 8/2017, yêu cầu Tập đoàn giảm tỷ lệ nắm giữ tại PVCFC từ 75,56% xuống còn 51% vốn điều lệ, và giảm ở PVCCo từ 61,38% xuống còn 51% vốn điều lệ giai đoạn 2017 – 2018.
Từ nay đến năm 2020, PVN cũng sẽ tập trung thoái vốn mạnh mẽ ở các đơn vị thuộc lĩnh vực dịch vụ dầu khí.
Tại TCty cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD), trước tình hình doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng (lỗ 310 tỷ đồng 6 tháng đầu năm 2018), Chủ tịch HĐQT PVD đã thay mặt người đại diện phần vốn của PVN kiến nghị giảm tỷ lệ nắm giữ của PVN tại PVD từ 50,4% xuống còn 25% để hút thêm các nguồn lực bên ngoài.
Tuy nhiên, PVN nhận định hoạt động của PVD có yếu tố an ninh quốc phòng nên tỷ lệ giảm này sẽ chỉ về mức 36% vốn điều lệ trong giai đoạn 2018 – 2020. Như vậy, PVN vẫn có thể tham gia vào quản lý điều hành doanh nghiệp.
PVN cũng giảm tỷ lệ sở hữu tại TCty Cổ phần Dịch vụ Tổng hợp dầu khí Petrosetco (nắm giữ 22,24%), TCty Cổ phần Tư vấn Thiết kế dầu khí (PVE) (nắm giữ 29%), TCty Cổ phần Dung dịch Khoan và Hoá phẩm dầu khí DMC (nắm giữ 36%) xuống còn 0% vào năm 2020.
Đối với yêu cầu thoái toàn bộ vốn PVN tại CTCP Đầu tư Tài chính Công đoàn Dầu khí PVFI và TCty Cổ phần Bảo dưỡng – Sửa chữa công trình dầu khí (PVMR) theo chỉ đạo Thủ tướng ngày 8/2017, PVN cho biết rất khó khả thi trong bối cảnh hiện tại. Đặc biệt, PVN cho biết PVFI có thể tính đến phương án phá sản.
PVN cũng đề nghị Thủ tướng, Bộ Công thương xem xét cho kéo dài thời gian hoàn thành thoái vốn tại TCty Cổ phần Xây lắp Dầu khí PVC sang giai đoạn sau năm 2020, trong khi yêu cầu thực tế là phải thoái toàn bộ vốn giai đoạn 2018 – 2019.
Nguyên nhân, PVN cho biết PVC đang là tổng thầu triển khai dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 và một số hạng mục dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1. Đây là những dự án năng lượng cấp bách của ngành công thương. Do đó, nếu thoái toàn bộ phần vốn góp của Tập đoàn tại PVC trong giai đoạn các dự án đang dở dang, chưa hoàn thành sẽ dẫn đến chậm tiến độ, vì PVN không còn là cổ đông và hoàn toàn phụ thuộc vào cổ đông khác.