Đám cưới đậm chất miền Tây của cô dâu Trà Vinh, chi phí trang trí 12 triệu đồng
Đám cưới miền Tây có những nét truyền thống, mộc mạc và cái chất riêng mà không đâu có được!
- 24-11-2022Choáng ngợp với những đám cưới của hoàng gia ở Qatar
- 21-11-2022Đám cưới tại Nhà Trắng đầu tiên sau nhiều năm: Cháu gái Tổng thống Biden xinh đẹp trong hôn lễ riêng tư
- 15-11-2022Những lỗi 'chí mạng' trong đám cưới khiến tất cả bối rối
Trong thời đại bây giờ, nhiều người lại lựa chọn phong cách hoài cổ, truyền thống cho đám cưới của mình. Người ta có thể tổ chức đám cưới miền Tây , đám cưới lấy cảm hứng từ làng quê Bắc bộ, đám cưới với hoa sen... Bất cứ phong cách nào cũng có những điểm đặc sắc khác biệt.
Đám cưới truyền thống miền Tây do cô dâu tự chuẩn bị trang trí
Một cô dâu tên Phương Hằng đã chia sẻ về chuyện tự tay tổ chức lễ đăng khoa (đám cưới) cho bản thân mình.
Theo người Nam bộ xưa, vấn đề hôn sự gồm có 6 lễ gồm: Vấn danh, sơ vấn, đại đăng khoa, viếng sui và thăm dâu, sỉ lời và cuối cùng là tiểu đăng khoa.
Hiện tại theo thời đại các lễ bị lược bỏ đi nhưng đại đăng khoa (ăn hỏi) và tiểu đăng khoa (lễ cưới) thì vẫn được chuẩn bị chu toàn.
Bố mẹ cô dâu vốn là người yêu thích truyền thống nên muốn để đám cưới là lễ đăng khoa theo phong tục người xưa.
Cô dâu Phương Hằng và chú rể Thanh Phong đều 26 tuổi. Họ là họa sĩ vẽ tranh và tượng Phật giáo. Hằng đến từ Trà Vinh còn chồng cô là người Sài Gòn. Bởi vậy, hôn lễ tại quê nhà của Hằng mang đậm nét miền Tây truyền thống và do cô cùng gia đình tự tay chuẩn bị.
Phong cách cô dâu chú rể đậm chất đám cưới miền Tây.
Ý tưởng cho một đám cưới tự tay làm tất cả nhen nhóm trong lòng Hằng từ lâu. Trước đó, lễ đại đăng khoa (ăn hỏi) của cô cũng do bản thân làm tất cả mọi thứ.
"Lúc có thời gian, mình học hỏi và chắt lọc những kiểu trang trí có thể kết hợpvới nhau. Chuẩn bị vật liệu mình cũng lo trước gần cả năm trời. Vì có nhiều thứ phải đặt mua nên mình sắm sớm sợ gần đến ngày lại có trục trặc", Hằng chia sẻ.
Với đám cưới của Hằng, chỉ có khung rạp và bàn ghế là được thuê. Còn lại từ việc bảng tên trong nhà, bảng tên cổng, cắm hoa, khung cổng, hoa cầm tay, bánh kẹo, thùng quà mừng, quà cho khách hay đến backdrop chụp hình cũng do cô và bạn bè, người thân chuẩn bị.
Hằng mong muốn có một hôn lễ truyền thống nhất có thể. Điều đó được thể hiện ngay từ tên gọi đậm chất miền Nam bộ xưa của lễ cưới. Bởi vậy, cô chú trọng vào các chi tiết nho nhỏ như bảng cổng, màu sắc áo dài, đồ bưng quả...
Hằng chia sẻ: "Ví dụ bảng cổng, lễ cưới bên nhà gái sẽ để bảng là vu quy nhưng với bọn mình sẽ là lễ đăng khoa. Bọn mình cũng không thích mặc soire trong lễ cưới mà quyết may áo dài và vest. Đồ bưng quả các bạn nữ là áo bà ba, nam là quần tây mặc với sơ mi trắng. Mình tận dụng bình gốm ngày xưa của ông bà cho phần trang trí vì nó rất mộc mạc".
Đồ trang trí cũng tận dụng từ những nguyên liệu có sẵn.
Hôn lễ không có ảnh cưới chụp trước rất đặc biệt
Ngoài ra, cô cũng nghiên cứu rất kỹ sự kết hợp giữa vật liệu xưa cùng nhau. Hằng thấy mành tre rất phù hợp cho việc trang trí backdrop chụp hình. Đồng thời, ngày xưa vào lễ cưới miền Tây thường dùng đèn lồng nhựa đỏ chia ô quả trám nên nên đã tìm cách kết hợp cả mành tre và lồng đèn với nhau. Kết quả mang đến đơn giản nhưng cũng thật sự đặc sắc.
Cô lựa chọn tone màu đỏ ấm áp cho hôn lễ kết hợp thêm một chút màu xanh. Với màu đỏ, chỉ nhìn thôi là đã thấy không khí đám cưới tràn ngập nên Hằng rất ưng ý ới màu sắc của mình.
Hằng chia sẻ thêm: "Trong hôn lễ kiểu gì cũng phải có bình hoa. Mình suy nghĩ rất nhiều về việc lựa chọn bình cắm. Bình cắm hoa theo ý tưởng là phải nhỏ gọn và thấp nhưng lại không phải cắm vào đĩa. Mình lại muốn vừa có hoa vừa có đèn giống kiểu hoa đăng. Bởi vậy, mình đã sử dụng ống tre cắm hoa và do cha và anh mình cưa ra giúp".
Bình hoa làm bằng ống tre độc đáo.
Trong ngày cưới, Hằng cài trâm do chính tay cô tự làm. Đó là trâm cài tóc cô tự thực hiện và mất 2 tuần mới làm xong. Nó cũng mang màu sắc rực rỡ, phù hợp với tông màu đám cưới cũng như màu sắc áo dài mà cô lựa chọn mặc trong ngày về nhà chồng.
Phương Hằng cùng Thanh Phong cũng không chụp hình trước khi cưới. Bởi thế vào ngày diễn ra hôn lễ, họ sử dụng bức ảnh do một họa sĩ vẽ tặng ở backdrop chụp hình. Nó tạo nên cảm giác lạ nhưng cũng rất đặc biệt, đáng nhớ.
"Tổng chi phí cho trang trí lễ cưới của mình rơi vào khoảng 12 triệu. Hôn lễ cũng có tầm 400 khách và ai cũng thích thú với phong cách tổ chức mang đậm nét truyền thống quê hương như thế", Hằng chia sẻ thêm.
Đám cưới không sử dụng ảnh cưới mà có hình vẽ thay thế.
Nhiều chi tiết trang trí nhỏ xinh đậm chất miền Tây.
Bất cứ ai cũng có ao ước về ngày hôn lễ của mình. Nó sẽ là một đám cưới trong mơ thực sự với những gì họ mong mỏi nhất. Với Hằng, có lẽ cô đã tự tay hoàn thành ước mơ cho bản thân mình mà bất cứ ai nhìn vào cũng phải xuýt xoa.
Phụ nữ Việt Nam