MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dám nhìn thẳng sự thật TP.HCM mới có vị trí số 1

07-05-2016 - 13:21 PM | Xã hội

“Sự thật đó là gì? Là Sài Gòn - TP.HCM chưa bao giờ là trung tâm của Đông Nam Á" - Ông Nguyễn Thành Tài - nguyên phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM - bắt đầu như vậy.

Ông nói tiếp: “Tôi gắn bó với thành phố này và cũng là dân nghiên cứu, chưa thấy có tài liệu nào nói Sài Gòn là trung tâm của Đông Nam Á cả.

Trong vùng Đông Nam Á, Sài Gòn từng giống một hòn ngọc nhưng không phải là số 1. Và gọi “hòn ngọc Viễn Đông” cũng chỉ mang tính trừu tượng.

Năm 1975 Sài Gòn có 3,5 triệu người, thu nhập bình quân cỡ 360 USD/người/năm, chừng đó thôi thì sao nói là trung tâm của Đông Nam Á? Trong khi nay đã là trên 5.000 USD/người/năm, gấp mười mấy lần nhưng tụt lại so với nhiều TP trong khu vực".

Khát vọng số 1 là sự kế thừa

* Dường như góc nhìn của ông có gì khác với mục tiêu số 1, mục tiêu trở thành trung tâm lớn của khu vực mà TP đang hướng tới?

- Không có gì khác mà rất tương đồng. Khi Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng phát biểu về mục tiêu số 1 mà TP.HCM đang hướng tới, tôi gọi điện thoại cho anh Thăng và nêu ý kiến của mình.

Bí thư Đinh La Thăng nói với tôi là mục tiêu đó không phải do anh ấy nghĩ ra mà đang nói theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ X, tức là sớm đưa TP trở thành trung tâm lớn của khu vực.

Bí thư Thành ủy có cùng nhận định như tôi và những người từng gắn bó với TP: Nếu xem khát vọng của người dân TP muốn xây dựng một TP văn minh hiện đại nghĩa tình và biến khát vọng đó trở thành hành động thì điều đó được thể hiện từ thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và cả sau này.

Lúc nào TP cũng năng nổ sáng tạo, tìm hướng ra, mạnh dạn đề xuất với trung ương. Nếu các thế hệ lãnh đạo TP không kiên trì, không dám đề xuất đổi mới thì TP đâu có được như vậy, trung ương làm gì có cơ sở đổi mới.

* Như vậy, mục tiêu số 1 là có sự tiếp nối trong tư tưởng của lãnh đạo TP.HCM các thời kỳ?

- Khát vọng vươn lên không đợi thế hệ lãnh đạo nào cả. Các thế hệ trước ở TP.HCM đã luôn khát vọng, đã tạo tiền đề để lúc này TP có đủ nền móng khẳng định một cách dứt khoát phải vươn đến vị trí số 1.

* Trở lại quan điểm của ông: “TP.HCM chưa bao giờ là số 1 và đang thua kém nhiều so với một số TP trong khu vực” - phải chăng ông muốn nói TP.HCM cần nhìn rõ mình?

- Phải dám nhìn thẳng vào sự thật thực trạng kinh tế - xã hội của TP.HCM. Đừng an ủi, tự hào khi so sánh vị trí của TP với cả nước, phải so sánh với các TP trong khu vực để biết rằng còn cần nỗ lực nhiều lắm.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ X đặt ra mục tiêu trở thành “trung tâm lớn của khu vực” về nhiều mặt, đó là bản tổng kết 40 năm xây dựng và phát triển TP, đặc biệt là 30 năm thực hiện đổi mới. Có những bài học thành công, có cả những sai lầm, thiếu sót, hạn chế đang kìm hãm sự phát triển của TP.

Và khi đề ra bảy chương trình đột phá, TP đã cho thấy sự mạnh dạn vươn lên nhưng cũng rất thận trọng. Thực hiện tốt bảy chương trình này sẽ đạt được mục tiêu trở thành trung tâm lớn của khu vực.

Không nóng vội

* TP.HCM muốn vươn tới vị trí số 1, nhưng một số chỉ số về hành chính đang tụt lại khi so với các địa phương trong nước. Ông có thấy mâu thuẫn?

- Những chỉ số đó cần hết sức được lưu tâm. Xấu hổ nhưng cần xem lại cách đánh giá như thế nào để sửa mới là quan trọng. Với một TP có tốc độ tăng trưởng cao, quy mô lớn thì tiêu chí đánh giá khó mà giống với các tỉnh, thành khác.

Vừa rồi báo chí có nói thu hút vốn đầu tư nước ngoài của TP tụt xuống hàng thứ 9 cả nước. Tôi không quan trọng hóa chuyện đó, mà quan tâm nhiều đến cơ cấu, chất lượng và mức độ thực hiện của dòng vốn nước ngoài.

Đừng nhìn vốn bao nhiêu mà phải nhìn ngành nào, công nghệ nào nữa mới ra chuyện.

* Như vậy phải có lộ trình và cả sự bình tĩnh?

- Nói đúng hơn là không được nôn nóng. Tôi ví dụ để chuyển đổi công nghiệp từ công nghiệp ô nhiễm sang công nghiệp sạch buộc phải di dời ra khu tập trung để xử lý chất thải, trong quá trình di dời thì đưa công nghệ cao vào.

Khi thực hiện quá trình đó, buộc phải có độ trễ trong vài năm. Tổng giá trị công nghiệp của TP sẽ giảm xuống, nhưng vì chúng ta thường coi trọng GDP nên không chấp nhận điều này. Tóm lại TP.HCM không chỉ dám đột phá, sáng tạo mà còn phải bình tĩnh, không được nóng vội trước áp lực.

* TP.HCM từng đề xuất nhiều cơ chế phát triển. Bây giờ ông nhìn vấn đề này thế nào?

- Ai cũng đi xin cơ chế đặc thù thì không nên, do đó TP nên xin cơ chế để chủ động trong những vấn đề TP đã nghiên cứu, đã có thực tiễn.

Cần nhất là chủ động trong điều hành ngân sách. Trước đây, trung ương từng cho TP.HCM giữ lại hơn 30% thu ngân sách, sau cứ tụt dần, giờ xuống còn 23%.

Nếu xin tăng tỉ lệ lên trong lúc GDP giảm, bội chi tăng chắc chắn không được nhưng cho TP giữ yên mức đó, đừng có giảm nữa để TP có sự chủ động. Bởi đầu tư trung và dài hạn phải biết trong năm năm tới TP có bao nhiêu tiền.

Đồng thời, trung ương phải “hứa và thực hiện một cách nghiêm minh” là để lại 100% phần thu vượt cho TP. Không như mấy năm nay cứ hứa mà không thực hiện được, chỉ cho lại chút chút.

Riêng TP cũng phải hứa với trung ương là phần thu vượt đó TP sẽ chia ra đầu tư cho cơ sở vật chất như trường học, bệnh viện, phần còn lại sẽ dùng như một chính sách khuyến khích cho tinh thần khởi nghiệp, cho những người có năng lực mà không có vốn để họ có thể vay, rồi hỗ trợ lãi suất, miễn thuế trong những năm đầu. Đó là cách nuôi dưỡng nguồn thu.

Thứ hai là TP phải có quyền chủ động về tổ chức bộ máy. Quản lý xã hội cũng phải có quyền riêng, miễn sao đừng mâu thuẫn quyền chung. Cuối cùng là phải có cơ chế vùng, nếu không sẽ không thể giải quyết được triệt để các vấn đề đã nêu. Cơ chế vùng không phải là một bộ máy, nhưng cơ chế vùng phải có một “ông” có đủ quyền lực để điều hành.

“Ông” đó phải thay đổi cả một hệ tiêu chí đánh giá. Nếu không sẽ không ra vấn đề, các địa phương cứ giẫm chân nhau, không tạo động lực mà còn níu chân nhau trên đường phát triển.

* Điều cấp bách nhất cần làm để vươn tới vị trí số 1 theo ông là gì?

- Đầu tiên là phải xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh để lấy lại lòng tin. Trong bối cảnh này, cán bộ là người hiểu rõ ngọn ngành mà còn chưa hài lòng huống gì người dân, họ bức xúc nhiều chuyện lắm.

Muốn lấy lại được lòng tin thì phải sửa thật sự chứ không làm dáng, bây giờ giả vờ nhiều lắm, không nên.

Đồng thời việc làm cũng phải tính toán thực chất. Chẳng hạn như nông thôn mới, đâu phải xã nào cũng cần trung tâm dạy nghề, nhà văn hóa...

Người dân chỉ cần đời sống giàu lên, thoát nghèo và những gì Nhà nước đem đến cho họ đều phải sử dụng được, đi vào đời sống một cách thực chất.

Theo Viễn Sự

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên