MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đàm phán Mỹ – Trung: Ông Trump đã ngộ nhận sai lầm về chính sách điều hành tỷ giá của Trung Quốc

09-05-2019 - 09:29 AM | Tài chính quốc tế

Chỉ có ông Trump và những người thân cận ông mới tin rằng chính phủ Trung Quốc đã can thiệp để giữ đồng Nhân dân tệ yếu hơn nhiều so với Đô la Mỹ, nhằm thúc đẩy xuất khẩu. Trên thực tế, chính Trung Quốc cũng đang cố ngăn chặn sự mất giá nhanh này.

Chiều ngày 6/5, đoàn đàm phán của Trung Quốc đã lên máy bay tới Mỹ để bắt đầu vòng đàm phán tiếp theo với Mỹ về các vấn đề thương mại Mỹ – Trung. Đằng sau các căng thẳng về thuế quan, Mỹ đang muốn Trung Quốc thực hiện những cải tổ mạnh mẽ về chính sách tiền tệ, tuân thủ vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và tôn trọng sự công bằng trong thương mại quốc tế.

Đến Mỹ lần này, Trung Quốc muốn một thỏa thuận thương mại để chấm dứt những căng thẳng kéo dài trong suốt hai năm qua. Ông Trump thì muốn cải thiện cán cân thương mại với Trung Quốc và mang việc làm trở lại nước Mỹ.

Trung Quốc đã cam kết thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ mạnh mẽ hơn. Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ công nghệ vượt bậc, xuất phát từ việc học tập và nhận chuyển giao công nghệ của những nước phát triển thông qua chính sách thu hút đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc. Hiện nay, đã đến lúc Trung Quốc phải quay lại thắt chặt vấn đề bảo hộ trí tuệ, kể cả không bị Mỹ thúc ép.

Nguyên nhân là vì qua nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã có được hầu hết những công nghệ tiên tiến nhất thế giới, từ công nghệ thông tin, sinh học cho tới khoa học lượng tử và vũ trụ. Khi các nhà cải cách công nghiệp đạt được những thành tựu nhất định và thành công, chính phủ của họ cần phải chuyển hướng trở lại việc bảo vệ những công nghệ đó.

Về điểm này, Trung Quốc đang làm theo chính xác cách mà Mỹ đã làm trong thế kỷ XIX. Từ những năm 1800, Mỹ – một nước đang phát triển mạnh như Trung Quốc hiện nay – đã lờ đi việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các công ty nước ngoài (chủ yếu là từ Anh – quốc gia phát triển nhất thế giới lúc bấy giờ). Người Mỹ đã sao chép rộng rãi ý tưởng và bí quyết công nghệ của người Anh. Đến khi các công ty trong nước đã làm chủ được công nghệ và đủ khả năng phát triển các đỉnh cao mới, chính phủ Mỹ mới bắt đầu đẩy mạnh xây dựng luật về sáng chế và sở hữu trí tuệ với các tiêu chuẩn hàng đầu thế giới.

Ngoài bảo hộ công nghệ, vấn đề chính phủ trợ cấp cho các doanh nghiệp tư nhân cũng là một mấu chốt mà Mỹ muốn điều chỉnh. Nhiều năm nay, Mỹ đã khăng khăng rằng chính phủ Trung Quốc đang cố tình "chơi xấu" trong quan hệ thương mại, thông qua các khoản trợ cấp cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc. Hầu hết các khoản trợ cấp này là dành cho các công ty nhà nước hoạt động kém hiệu quả của Trung Quốc, dẫn đến tiêu tốn lượng vốn lớn đúng ra cần phải tới được khu vực kinh tế tư nhân đang phát triển sôi động. Vì vậy, Mỹ cần đảm bảo chính phủ Trung Quốc sẽ tôn trọng sự công bằng, minh bạch trong luật chơi thương mại quốc tế.

Một thỏa thuận thương mại có thể mang lại động lực mới cho các cải cách kinh tế ở Trung Quốc khi nền kinh tế dường như đã hết động lực tăng trưởng trong năm qua. Tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc năm nay tổ chức vào cuối tháng Ba, một quan chức cấp cao của Trung Quốc đã thẳng thắn thừa nhận, nước này chỉ thực hiện những cuộc cải cách kinh tế lớn khi có khủng hoảng. Suốt thập kỷ qua, đã không có một cuộc khủng hoảng nào đáng kể xảy ra với Trung Quốc, cho tới khi các căng thẳng với Mỹ bắt đầu xuất hiện và ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Bởi thế, nhiều người đã đùa vui rằng ông Donald Trump và nước Mỹ chính là vị cứu tinh của nền kinh tế Trung Quốc. Sự hoảng loạn trong một cuộc chiến thương mại có thể chính là chất xúc tác cần thiết buộc Trung Quốc phải cải cách để tái thiết nền kinh tế, tìm kiếm động lực tăng trưởng mới. Nhiều năm qua, Trung Quốc là quốc gia sản xuất hàng hóa lớn nhất thế giới và Mỹ cũng là quốc gia nhập khẩu hàng hóa nhiều nhất từ Trung Quốc. Giờ đây, ông Trump đã buộc chính quyền Trung Quốc phải nhận rằng họ không còn có thể dựa vào nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ để duy trì tốc độ phát triển kinh tế cao như trước đây.

Nhưng bất chấp những đúng đắn và cần thiết về vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ hay cải cách kinh tế, việc Mỹ buộc Trung Quốc cam kết giữ tỷ giá đồng Nhân dân tệ ổn định hơn, đặc biệt tránh mất giá so với đồng Đô la Mỹ, có thể làm suy yếu đất nước Trung Quốc.

Thứ nhất, yêu cầu này sẽ ngăn Trung Quốc dần dần áp dụng chế độ quản lý tỷ giá hối đoái linh hoạt, trong các nỗ lực xây dựng chính sách tiền tệ độc lập của nước này.

Thứ hai, thậm chí yêu cầu này càng làm Trung Quốc phải bối rối, bởi trên thực tế, chính Trung Quốc cũng đang không muốn đồng Nhân dân tệ bị mất giá thêm nữa. Chỉ có ông Trump và những người thân cận ông mới tin rằng chính phủ Trung Quốc đã can thiệp để giữ đồng Nhân dân tệ yếu hơn nhiều so với Đô la Mỹ, nhằm thúc đẩy xuất khẩu. Nhưng trong thực tế những năm gần đây, đồng Nhân dân tệ mất giá chủ yếu là do chính phủ Trung Quốc đã phản ứng chặt chẽ hơn để kiểm soát dòng vốn chảy ra khỏi nước này. Bằng chứng cho thấy Trung Quốc không muốn đồng Nhân dân tệ tiếp tục mất giá đó là chính quyền Trung Quốc đã đặt ra mức giá sàn cho đồng tiền của mình, vì sợ rằng sự mất giá quá nhanh sẽ dẫn đến một sự rút vốn lớn.

Trong khi ông Trump rất quan tâm tới thâm hụt cán cân thương mại với Trung Quốc và tìm mọi cách nhằm giảm sự thâm hụt này, thì nhiều người đã bắt đầu nhận ra có gì đó không ổn. Khi tiêu dùng của người Mỹ vẫn tiếp tục tăng trưởng, họ buộc phải vay mượn từ đâu đó để bù đắp cho sự thâm hụt này. Trừ khi doanh nghiệp Mỹ có thể sản xuất được lượng hàng hóa thay thế nhập khẩu nhưng với chi phí thấp hơn, nếu không nước Mỹ vẫn phải nhập khẩu. Sự gượng ép để cắt giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc sẽ làm gia tăng mạnh hơn thâm hụt với các nước khác mà hàng hóa Trung Quốc sẽ đi qua đó để tới Mỹ, chẳng hạn như Việt Nam.


Quang Huân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên