Đàm phán thương mại Mỹ-Trung nối lại vào tuần tới
Hai nước đang đẩy mạnh các nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết cuộc chiến thương mại đã kéo dài gần 1 năm...
- 18-04-2019Triều Tiên bất ngờ đòi đuổi Ngoại trưởng Mỹ khỏi các cuộc đàm phán hạt nhân
- 14-04-2019Mỹ và Trung Quốc hy vọng sớm bước vào vòng đàm phán thương mại cuối cùng
- 07-04-2019Mỹ, Trung Quốc đàm phán gì trong tuần qua?
Các nhà đàm phán thương mại của Mỹ, dẫn đầu là Đại diện thương mại (USTR) Robert Lighthizer và Bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Mnuchin, sẽ tới Bắc Kinh vào tuần tới để tiếp tục các cuộc thảo luận - hãng tin Bloomberg dẫn một tuyên bố ngày 23/4 từ Nhà Trắng cho biết.
Vòng đàm phán bắt đầu vào ngày thứ Ba tuần tới "sẽ bao trùm các vấn đề thương mại gồm tài sản trí tuệ, chuyển giao công nghệ, hàng rào phi thuế quan, hàng hóa nông sản, dịch vụ, mua hàng, và hiệu lực thực thi", tuyên bố có đoạn viết.
Tuyên bố cũng cho biết, tiếp đó, các nhà đàm phán Trung Quốc sẽ tới Washington vào ngày 8/5.
Mỹ và Trung Quốc đã đẩy mạnh các nỗ lực ngoại giao trong những tuần gần đây nhằm tiến tới giải quyết cuộc chiến thương mại song phương đã kéo dài gần 1 năm. Các nhà đàm phán hai nước đang cố gắng sớm đạt một thỏa thuận để Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có một cuộc gặp trực tiếp để ký kết.
Ông Mnuchin gần đây nói rằng các cơ chế thực thi thỏa thuận sẽ là có đi có lại, nghĩa là chế tài sẽ được áp dụng đối với bất kỳ bên nào có vi phạm chứ không riêng gì Trung Quốc. Tuyên bố này được xem là giải quyết được một trong những điểm gai góc nhất của đàm phán.
Theo giới chức Mỹ, một cơ chế đang được hai bên thảo luận là phải có sự tham vấn giữa Mỹ và Trung Quốc về các tranh chấp, nhưng mỗi bên đều được quyền đơn phương áp biện pháp trừng phạt thương mại đối với bên kia. Hai nước cũng có thể chấp nhận từ bỏ quyền trả đũa hay kiện tụng lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đối với bất kỳ động thái chế tài nào của bên kia.
Hồi đầu tháng này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nói rằng bất kỳ thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung nào cũng cần phải tuân thủ các nguyên tắc đa phương, nếu không sẽ gây ra những rủi ro về kinh tế đối với các đối tác thương mại của Trung Quốc trong trường hợp Trung Quốc giảm nhập khẩu từ các đối tác này.
VnEconomy