MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đạm Phú Mỹ (DPM): Không đầu tư vào bất động sản, cổ đông quan tâm khoản đầu tư hàng trăm tỷ chưa thể thu hồi tại Oceanbank, PVFI

27-06-2022 - 10:17 AM | Doanh nghiệp

Đạm Phú Mỹ (DPM): Không đầu tư vào bất động sản, cổ đông quan tâm khoản đầu tư hàng trăm tỷ chưa thể thu hồi tại Oceanbank, PVFI

Vào ngày 23/6/2022 tại TP.Vũng Tàu, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (mã chứng khoán DPM) đã tổ chức thành công phiên họp thường niên năm 2022 của Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ).

Tại đại hội, cổ đông thông qua mức chi trả cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt tỷ lệ 50%, tương đương tổng chi 1.957 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức kế hoạch (10%) đề ra năm trước.

Năm 2022, DPM đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 17.239 tỷ đồng, lãi sau thuế 3.473 tỷ đồng; tăng lần lượt 31% và 9% so với thực hiện 2021. Theo đó, HĐQT đề xuất mức chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 50% mệnh giá, tương đương mức chia 2021.

Tuy nhiên, chỉ trong quý I, doanh thu DPM đạt 5.885 tỷ đồng (gấp 3 lần cùng kỳ); lãi sau thuế 2.126 tỷ đồng (gấp 12 lần cùng kỳ năm trước) và hoàn thành 61% kế hoạch lợi nhuận năm.

Đạm Phú Mỹ (DPM): Không đầu tư vào bất động sản, cổ đông quan tâm khoản đầu tư hàng trăm tỷ chưa thể thu hồi tại Oceanbank, PVFI - Ảnh 1.

Về kế hoạch tái cơ cấu, thoái vốn tại 4 công ty con xuống dưới 51%, ban lãnh đạo cho biết theo đề án tái cơ cấu mô hình kinh doanh mà TCT đang thực hiện cùng với tư vấn, sau khi hoàn thiện sẽ có những định hưởng rõ nét hơn về việc duy trì hay thoái vốn đến mức độ nào tại các công ty con, tăng cường tính tự chủ và linh hoạt trong hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh, quản trị minh bạch đối với các công ty con.

Bên cạnh đó, dự án NH3-NPK thực tế đã hoàn thành và đi vào vận hành thương mại từ năm 2018 đến nay. Tiến độ quyết toán vốn chậm chỉ liên quan đến thực tế chủ đầu tư và nhà thầu có những vướng mắc, tranh chấp phải xử lý, mất nhiều thời gian. Tiến độ quyết toán vốn sẽ hoàn thành trong quý 3/2022 và không ảnh hưởng đến hoạt động khai thác, vận hành công trình.

Từ khi vận hành thương mại cho đến nay phần dự án nâng công suất xưởng NH3 đạt hiệu quả cao hơn so với dự án đầu tư. Nhà máy NPK từ năm 2018 đến nay công suất hoạt động tăng dần và đã có lãi từ năm 2021, năm 2022 hướng tới sản lượng 180.000 tấn.

Cổ đông đặt câu hỏi về hiệu quả đầu tư vào các công ty liên doanh liên kết của DPM kém, khoản thất thoát tiền gửi 290 tỷ đồng tại Oceanbank, khoản đầu tư 110 tỷ đồng vào CTCP Đầu tư tài chính công đoàn dầu khí (PVFI) khi nào thu hồi được?

Ban lãnh đạo DPM khẳng định tiền gửi tại Oceanbank không phải là khoản thất thoát, TCT vẫn đang hưởng lãi định kỳ. Vấn đề là số tiền này không khả dụng khi hiện nay Oceanbank là ngân hàng thuộc sở hữu Nhà nước và việc rút số tiền gốc còn phụ thuộc vào đề án tái cơ cấu Oceanbank của Ngân hàng Nhà nước.

Các khoản đầu tư vào các công ty VNPOLY, PVC Mekong trong thời gian tới, khi các công ty hoạt động tốt hơn và khả năng thu hồi vốn, hoàn nhập dự phòng có tiến triển thì các cổ đông hiện tại sẽ hưởng lợi. Còn khoản đầu tư vào PVFI là phù hợp và hiệu quả trong thời kỳ đó tuy nhiên sau đó PVFI gặp rủi ro trong hoạt động và mất khả năng thanh toán cho khách hàng trong đó có TCT. TCT đã nỗ lực thu hồi phần lớn vốn ủy thác và còn khoản 110 tỷ đồng chưa thu hồi được. Khoản tiền này cũng đã được trích lập dự phòng từ nhiều năm trước.

Đạm Phú Mỹ (DPM): Không đầu tư vào bất động sản, cổ đông quan tâm khoản đầu tư hàng trăm tỷ chưa thể thu hồi tại Oceanbank, PVFI - Ảnh 2.

Cổ đông đặt ra các câu hỏi tại Đại hội

Về dự án Trung tâm Thương mại Cửu Long, và việc triển khai dự án chuyển đổi mục đích 1,23 ha trong dự án này với đối tác Huỳnh Châu có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Theo ban lãnh đạo, tổ hợp TTTM Cửu Long tại Cà Mau được đầu tư từ năm 2009 nhưng không phát huy được hiệu quả và TCT chuyển hướng chiến lược không đầu tư vào lĩnh vực bất động sản.

Đối với khu đất 1,23 ha có mục đích xây dựng nhà ở chuyên gia dầu khí, TCT đã hợp tác với đối tác Huỳnh Châu để lập dự án chuyển đổi mục đích sang đất ở và chuyển nhượng lại dự án cho đối tác. 

Trong quá trình hợp tác, phía Huỳnh Châu có những vi phạm pháp luật và cơ quan điều tra khởi tố cá nhân liên quan. Tuy nhiên theo phạm vi cam kết, thỏa thuận trong hợp tác thì phía TCT không có liên quan và không chịu trách nhiệm về những sai phạm của cá nhân bên phía đối tác. TCT tiếp tục xem xét phương án chuyển nhượng tòa nhà Cửu Long Plaza để thu hồi vốn đầu tư.

Đặc biệt có nhiều cổ đông thắc mắc về đề xuất tính toán và phê duyệt quyết toán cước phí vận chuyển khí cho hợp đồng mua bán khi giai đoạn 2014-2018, theo đó dự kiến số tiền mà TCT phải thanh toán bổ sung lên đến 18,09 triệu USD. Cổ đông cho rằng điều này rất vô lý vì những cổ đông hiện nay lại phải gánh chịu thiệt hại về chi phí cho thời gian quá khứ và có thể dẫn đến sự giảm sút lòng tin của nhà đầu tư đối với TCT.

DPM trả lời trước đây 2 bên DPM và PV Gas đã thanh toán giá trị mua bán hàng năm theo hợp đồng, chi phí đã hạch toán theo các năm tài chính liên quan. Tuy nhiên phía bên PV Gas nhận được kết luận thanh tra của Tổng Cục Thuế, theo đó có yêu cầu rà soát, tính toán lại cước phí vận chuyển khí giai đoạn 2014-2018. Trong thời gian qua 2 bên đã có nhiều lần làm việc, báo cáo với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Chính phủ, Bộ ngành liên quan và đến nay sau khi có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền Tập đoàn đã có phương án để 2 bên thực hiện quyết toán theo nội dung đã báo cáo.

https://cafef.vn/dam-phu-my-dpm-khong-dau-tu-vao-bat-dong-san-co-dong-quan-tam-khoan-dau-tu-hang-tram-ty-chua-the-thu-hoi-tai-oceanbank-pvfi-20220626221852802.chn

Huyền Trang

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên