"Đảm việc nước, giỏi việc nhà" – Ẩn số hạnh phúc của những "bóng hồng" chốn thương trường
"Hạnh phúc là đạt được sự cân bằng nội tại, là cảm giác hài lòng với thực tại".
Người phụ nữ phương Đông, đặc biệt Việt Nam chúng ta thường đi kèm với 4 chữ "Công, dung, ngôn, hạnh". Trong đó, chữ "công" được nhắc đến đầu tiên, tức nữ công gia chánh. Đây là chức năng số một của người phụ nữ trong gia đình, theo quan điểm từ xa xưa. Cho đến thời buổi hôm nay, "công" được nhiều ý kiến cho rằng vừa là trách nhiệm vừa là thế mạnh của phụ nữ so với đàn ông, nôm na phụ nữ không thể đua với đàn ông về sức vóc, về tài trí, về việc tranh đoạt trong thiên hạ và đàn ông cũng không thể tranh đua với phụ nữ về nữ công gia chánh.
Tuy nhiên, phụ nữ hiện đại bên cạnh 4 chữ trên, vẫn có thể gắn thêm cho mình "nghiệp", tức sự nghiệp. Một nữ tướng tập đoàn lớn Việt Nam từng nói, phái nữ thực ra chỉ thua phái nam ở sức lực thôi, sức lực cơ bản, vì ông trời phú cho nam giới một cơ thể khỏe mạnh hơn. Còn tất cả mọi cái như kiến thức, đạo đức, đối nhân xử thế, quan hệ xã hội… nữ và nam ngang bằng nhau.
Thật vậy, Việt Nam có biết bao doanh nhân nữ thành đạt, chèo chống những tập đoàn lớn, thậm chí tỷ USD. Một điều không thể tranh cãi rằng năng lực, kiến thức của những "bông hồng" này không thua kém đàn ông, và nếu chăng thắc mắc là những lãnh đạo này đã cân bằng cuộc sống như thế nào, để vừa "đảm việc nước, giỏi việc nhà", để sống hạnh phúc?
Nữ tướng Vinamilk: "Tôi không muốn có người giúp việc"
Thú vị với cuộc sống thường nhật của một nữ tướng, bà Mai Kiều Liên – người chèo chống Vinamilk 40 năm phát triển thành tập đoàn tỷ USD – cho biết: "Tôi không muốn có người giúp việc".
Bà Mai Kiều Liên.
Và để cân bằng công việc và gia đình, bà Liên đơn giản cho biết sắp xếp thời gian dành cho công việc là 8 giờ, thời gian ở nhà 8 giờ và thời gian ngủ là 8 giờ. Trong đó, thời gian ở nhà là lúc vợ chồng, gia đình thống nhất với nhau, cùng con cái làm việc nhà. "Không có người giúp việc với riêng hoàn cảnh gia đình tôi là do tôi không muốn có. Vì tôi không muốn con cái ỷ lại, không muốn con cái có ý định sai khiến, làm phiền người khác. Vợ chồng tôi sẽ cùng con cái tìm cách phân chia, giải quyết", bà Liên nói.
Đó là cuộc sống, còn trong công việc, bí quyết lãnh đạo theo bà thì mỗi người có một ý khác nhau, và điều cơ bản luôn phải chân thành.
Thứ hai, lãnh đạo phải làm gương. Trong đó, mỗi người phải luôn chuẩn bị, phải có kiến thức, và luôn có mong muốn, mục tiêu cao hơn, lớn hơn. Bởi, khi mình đã có kiến thức rồi, thì mình mới nên đưa ra quyết định, nữ tướng nhấn mạnh.
Cuối cùng, lãnh đạo phải chứng minh được mình dẫn dắt định hướng để công ty đi lên, cuộc sống nhân viên khá lên. "Làm sao cho mọi người cảm thấy rằng 5 giờ chiều thích về nhà và 8 giờ sáng thích lên công ty, đó là một công ty thành công", bà Liên khẳng định.
Người đàn bà thép – Mới sinh con 2 ngày đã đi làm
Một câu chuyện cũng hay ho không kém, CEO FPT Retail – Nguyễn Bạch Điệp – mới sinh con 2 ngày đã đi làm. Chia sẻ về điều này, bà Điệp nói: "Những người phụ nữ giữ một vị trí nào đó thì đều là tham công tiếc việc". Còn việc có cân bằng được cuộc sống và công việc hay không tùy thuộc vào quan điểm của mỗi người và từng thời điểm khác nhau, bà Điệp nói, khi cảm thấy việc làm nào khiến cho mình hạnh phúc hơn thì hơi nghiêng về cái đó một chút.
CEO FPT Retail – Nguyễn Bạch Điệp.
Cá nhân "người đàn bà thép" này có 3 bí quyết để cân bằng cuộc sống: (1) Thứ nhất, nếu được, thì chọn chồng phụ công ty. Chồng sẽ hiểu ngay việc mình làm và biết đồng cảm hơn, thông cảm hơn; (2) Thứ hai, đã làm sếp công ty thì về nhà không làm sếp; (3) Thứ ba, nếu mình không có nhiều thời gian cho con cái thì biến sở thích của con thành sở thích của mình. Con thích gì thì mình làm theo và làm thật nhiệt huyết. Mọi thứ sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều.
Biệt danh "người đàn bà thép" được gắn liền với CEO FPT Retail khá lâu nay, tuy nhiên chính người trong cuộc cũng không hiểu tại sao lại gọi mình là đàn bà thép, gọi khi nào và ai gọi. "Thực ra, tôi cũng thấy người ta nhận xét tôi là Người đàn bà thép nhưng cũng không biết từ đâu ra. Tôi cũng không rõ là tích cực hay tiêu cực. Thực ra mình tin vào mình, không quan tâm đến đó là nhận xét tích cực hay tiêu cực", bà Điệp từng chia sẻ.
Shark Thái Vân Linh – Tất cả cái gì Linh làm đều nói chuyện với chồng
Cũng bày tỏ quan điểm về định kiến "đàn bà thép", bà Thái Vân Linh - Giám Đốc Chiến Lược & Vận Hành Quỹ Đầu Tư VinaCapital – đặt vấn đề: "Theo Linh thì sếp nam mà khó chịu thì thường xem là một người xuất sắc, còn phụ nữ khó chịu thì xem như là "đàn bà thép"".
Bà Thái Vân Linh - Giám Đốc Chiến Lược & Vận Hành Quỹ Đầu Tư VinaCapital.
Theo bà, sự khác biệt giữa nam và nữ là do định kiến “bé trai thích màu xanh và bé gái thích búp bê", bản thân bà đặt ra thách thức cho các bé trai mua búp bê để có thể học cách chăm sóc người khác. Quan trọng vẫn là mình đã thành công, và để thành công theo Shark nữ này chúng ta phải trả giá, và cần thiết phải có nền tảng trước đó, bởi may mắn không chờ mà là sự chuẩn bị.
Nói về cuộc sống gia đình, bà Linh phân trần vợ chồng là một sự hợp tác, một sự hợp tác quan trọng nhất trong cuộc đời. Bởi, trong quan hệ vợ chồng thì hai bên ngang hàng nhau, và không ai phải hy sinh quá nhiều cho ai, nếu một trong ai đó đang hy sinh thì có thể nói ra để hiểu nhau hơn.
Với bà: "Người chồng là người hỗ trợ toàn sự nghiệp sau này. Và nếu không có anh ấy thì Linh chắc không được ngồi đây", bà Linh chia sẻ, "Tất cả cái gì Linh làm đều nói chuyện với chồng, có gì cân nhắc thì sẽ trao đổi với chồng. Vì đồng ý là phụ nữ hiện đại mình có quyết định cho cuộc đời mình, song không vì vậy mà phụ nữ độc lập trên những bước đi, vô hình trung sẽ bỏ lại những mối quan hệ của mình".
Nữ tướng viễn thông - Từ bé, môi trường làm việc xung quanh chủ yếu là nam
Bà Trần Thị Thanh Định, Phó Chủ tịch, Ericsson Vietnam.
Hay quan điểm đến từ “người đàn bà thép” trong ngành viễn thông - bà Trần Thị Thanh Định, Phó Chủ tịch, Ericsson Vietnam - chia sẻ, quan trọng là bản thân nữ lãnh đạo cần làm việc vì niềm tin của chính mình. “Đôi lúc tôi cảm thấy mình cực đoan nhưng tôi vẫn phải làm. Cảm giác trải qua trong thời gian đó không hề dễ nhưng điều đó giúp tôi phát triển hơn,” bà nói.
Kể về hành trình của mình, bà Định tâm sự đã gặp rất nhiều khó khăn của một người phụ nữ làm trong lĩnh vực kĩ thuật. “Từ bé tôi làm và học kĩ thuật. Môi trường làm việc xung quanh chủ yếu là nam”, song đến bây giờ, bà kiên định rằng mỗi cá nhân nên tạo giá trị cho riêng mình, có kỹ năng chuyên sâu để những người xung quanh cảm nhận.
Hạnh phúc là sống đúng với bản thân
Ở một khía cạnh khác, đôi khi thành công, giàu có không đi liền với hạnh phúc. Vì bao nhiêu thành công là đủ, nhiều quan điểm cho rằng mục tiêu theo đuổi của con người chung quy lại là hạnh phúc. Vậy, thế nào là hạnh phúc?
"Hạnh phúc là đạt được sự cân bằng nội tại, là cảm giác hài lòng với thực tại", suy nghĩ từ nhà sáng lập kiêm CEO của Salora. Theo quan điểm nữ CEO này, rất nhiều người thành công, nhưng họ lại luôn cảm thấy trống vắng thậm chí hụt hẫng, nguyên nhân nằm ở việc họ không cảm thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại. Chúng ta có thể thấy ngược lại, trẻ em rất dễ cảm thấy hạnh phúc, bởi các em không hoài niệm về quá khứ và băn khoăn về tương lai như những người trưởng thành, vị này dẫn chứng.
Đến từ Show biz, nữ diễn viên và nhà sản xuất phim Kathy Uyên chia sẻ: "Yếu tố khác giúp ta sống trọn vẹn hơn chính là sống đúng với bản thân".
Theo vị này, trong thời đại ngày nay, cuộc sống, công việc và các mối quan hệ xã hội đang tạo ra những áp lực vô hình đè nặng lên con người, đôi khi tâm trạng đang nặng nề nhưng ta vẫn phải mỉm cười với người khác. Bởi, chỉ khi tâm trí và hành động đồng nhất, con người mới cảm thấy tự do, và đó là chìa khóa mở ra cánh cửa hạnh phúc.
Nữ diễn viên và nhà sản xuất phim Kathy Uyên.
Bổ sung khái niệm về hạnh phúc, bà Lương Ngọc Tiên - nhà huấn luyện, phát triển con người và thiền trong doanh nghiệp One Life Connection - nhìn nhận hạnh phúc trên khía cạnh trải nghiệm. Một khi đã vượt qua những thời khắc mất mát, khổ đau hay thất vọng thì khi rời xa chúng, ta sẽ cảm thấy nhẹ nhõm và trân trọng hơn những khoảng khắc tươi đẹp hơn, tức hạnh phúc ở đây là một hành trình của trải nghiệm và suy ngẫm.