Dân công sở ngày đầu đi làm giữa tâm bão virus viêm phổi cấp Corona: Nhân viên ngân hàng, CTCK đeo khẩu trang phục vụ khách, có doanh nghiệp cho nhân viên làm việc online 2 tuần
Nhiều công ty cho phép nhân viên nếu dịp Tết đi du lịch tại các địa điểm có nguy cơ lây bệnh cao được ở nhà làm việc online trong 2 tuần.
- 30-01-2020Phát hiện 3 bệnh nhân người Việt Nam mắc virus Corona
- 30-01-2020Lập BCĐ Quốc gia phòng, chống dịch Corona
- 30-01-2020Nông sản Việt "mất đường" sang Trung Quốc vì virus corona
Ngày đầu tiên đi làm của dân công sở bao giờ cũng là màn lì xì đầu năm mới của lãnh đạo, chúc tụng và đôi khi sẽ là trốn đi chùa đầu năm. Tuy nhiên năm nay nhiều nơi không khí chào xuân đầu năm khá ảm đạm. Dịch viêm phổi cấp bùng phát ở Vũ Hán sau đó lây sang 15 nước với hơn 7.700 ca bị nhiễm bệnh và 170 người chết đã khiến các quốc gia có giao thương với Trung Quốc nâng cảnh giác cao độ, trong đó có Việt Nam.
Sáng nay các ngân hàng, CTCK, các giao dịch viên tiếp xúc trực tiếp với khách hàng đều đeo khẩu trang. Mặc dù Hà Nội mới ghi nhận 2 trường hợp dương tính với virus Corona nhưng khá nhiều các doanh nghiệp đã "phòng bệnh còn hơn chữa bệnh".
Ngày đầu tiên giao dịch trở lại của ngân hàng VPBank
Phòng giao dịch Ngô Quyền của Chứng khoán SSI (nguồn: VTV24)
Thông báo của công ty cổ phần VCCorp sáng nay thay vì mừng tuổi bao lì xì như mọi năm thì mỗi nhân viên được phát một hộp khẩu trang y tế 50 chiếc với lời nhắn "khuyến cáo người VC về cách phòng chống bệnh" đồng thời tập hợp danh sách các cán bộ nhân viên đã đi du lịch Tết qua các vùng có nguy cơ cao nhiễm dịch để có phương án kịp thời.
Công ty VCCorp mừng tuổi nhân viên bằng khẩu trang y tế
Công ty bảo hiểm Bảo Việt Tokyo Marine gửi email cho toàn thể khách hàng và cán bộ nhân viên: Hạn chế tiếp xúc với người bệnh/ dịch cơ thể người bệnh, hoặc sử dụng khẩu trang và giữ khoảng cách khi tiếp xúc; Giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, súc họng bằng nước sát khuẩn; Che mũi và miệng khi ho hoặc hắt hơi; Tránh các nơi tập trung đông người, tránh đi tới các vùng có dịch bệnh. Những người trở về từ vùng dịch bệnh trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiện sốt, ho, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời; Trong trường hợp có dấu hiệu nhiễm bệnh hoặc được xác định nhiễm bệnh hoặc đi từ vùng dịch bệnh về, phải thông báo cho Công ty.
Bảo Việt Tokio Marine phát khẩu trang và nước rửa tay miễn phí ngay tại cửa
Trong khi đó, du lịch và hàng không là hai ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất của đợt dịch cúm phổi cấp lần này. Công ty Vietrantour ngày 30/1 đã ra thông báo hoàn tiền 100% cho khách hàng, miễn toàn bộ chi phí hủy hoãn tour Trung Quốc cho tới khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn.
Theo đó, các khách hàng của Vietrantour sẽ được quyền hủy tour Trung Quốc đã đăng kí và nhận lại toàn bộ chi phí tour. Trường hợp khách hàng muốn chuyển đổi sang tour khác có giá trị ngang bằng, Vietrantour sẽ ưu đãi ngay 800 ngàn đồng/khách. Nếu chuyển đổi sang tour có giá trị cao hơn, khách hàng sẽ chi trả thêm chi phí chênh lệch, và chính sách ưu đãi này vẫn được áp dụng.
Trong khi đó, trao đổi với Tuổi trẻ, ông Dương Tất Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết Formosa Hà Tĩnh tạm thời không tiếp nhận hơn 400 công nhân Trung Quốc của các nhà thầu quay trở lại làm việc cho đến ngày 15/2. Được biết trước Tết có khoảng hơn 700 công nhân Trung Quốc làm việc tại dự án Formosa Hà Tĩnh và có hơn 400 người về quê ăn tết. Đến ngày 15/2, tùy vào diễn biến dịch các nhân viên công nhân Trung Quốc này có thể quay lại Hà Tĩnh làm việc và phải qua 3 lớp kiểm tra sức khỏe và xác nhận trong 14 ngày khong có biểu hiện nhiễm virus corona. Formosa Hà Tĩnh cũng đã lắp và triển khai kiểm tra thân nhiệt bằng thiết bị đo hồng ngoại ở tất cả các cổng ra vào của công ty này.
Theo chia sẻ của một nhân viên công ty Huawei Việt Nam, đối với các nhân viên Việt Nam và Trung Quốc không về nước đều có được yêu cầu khử trùng tay, đeo khẩu trang và kiểm tra thân nhiệt, còn lại đều cho về nhà làm online 2 tuần. Một công ty khác thì nhân viên được cung cấp miễn phí và huấn luyện việc sử dụng khẩu trang đúng cách trong việc ho và hắt hơi tại nơi công cộng; cung cấp đầy đủ xà phòng/chấy khử trùng tay, vệ sinh thường xuyên về mặt làm việc nơi có xu hướng tiếp xúc với nhiều người như núm cửa, tay vịn và các trang thiết bị dùng chung. Nhân viên được cung cấp và cập nhật liên tục thông tin về dịch qua email, group chat…
Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều doanh nghiệp lớn, sử dụng nhiều công nhân tại các tỉnh vẫn khá thờ ơ với dịch bệnh và cho rằng "việc này vẫn ở rất xa và không liên quan đến công ty". Nhân viên phải tự bảo vệ mình và không có bất cứ yêu cầu bắt buộc nào từ cấp trên liên quan đến dịch bệnh.
Các doanh nghiệp trên đều chưa bị ảnh hưởng trực diện bởi dịch bệnh, trong khi các công ty xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc hiện nay khá khốn đốn. Chia sẻ với báo Người Lao động, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T Group, xác nhận việc tạm dừng xuất nhập khẩu qua đường biên giữa Trung Quốc với Việt Nam đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình xuất khẩu hàng hóa. Theo đó, mọi hoạt động thương mại đều bị tê liệt, đình trệ. Bị ảnh hưởng nặng nề nhất là các mặt hàng nông sản như rau củ, trái cây, đặc biệt là các nhóm nông sản có thời gian bảo quản ngắn ngày.
Theo chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc bệnh viện Đại học Y Hà Nội trên VnExpress, bệnh do nhiễm virus Corona thường sẽ tự hết khi tế bào miễn dịch nhận biết sự hiện diện của chúng trong cơ thể và tấn công các tế bào bị nhiễm. Virus sẽ bị tiêu diệt hết bởi tế bào miễn dịch cho đến cuối kỳ bệnh. Do vậy, cách để ngăn chặn dịch hiệu quả nhất mà các nước đang làm với loại virus này là "cô lập" người/nhóm người mắc bệnh để hỗ trợ điều trị, không cho virus có cơ hội nhiễm tiếp sang người khác.