MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dẫn đầu lĩnh vực nhiều nước đang chạy đua, Trung Quốc trả giá đắt: Vén "bức màn đen" sau câu chuyện gây kinh ngạc thế giới

06-05-2023 - 10:10 AM | Tài chính quốc tế

Theo chuyên gia Webster, Trung Quốc đã vươn lên dẫn đầu trong ngành công nghiệp năng lượng gió toàn cầu nhưng phải trả giá đắt về tài chính và ngoại giao.

Dẫn đầu lĩnh vực nhiều nước đang chạy đua, Trung Quốc trả giá đắt: Vén "bức màn đen" sau câu chuyện gây kinh ngạc thế giới - Ảnh 1.

Nguồn ảnh: Upstream Online

Những năm gần đây, tình trạng biến đổi khí hậu và nhu cầu về năng lượng đã trở thành một trong những vấn đề quan trọng nhất của thế giới. Năng lượng gió được xem là một trong những giải pháp tiên tiến nhất cho tương lai của năng lượng bền vững.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu COP26 vào cuối năm 2021, năng lượng tái tạo nói chung và năng lượng gió nói riêng được xem là một trong những giải pháp quan trọng nhất nhằm giảm biến đổi khí hậu toàn cầu.

Thời gian qua, liên tục các dự án điện gió ngoài khơi được các công ty năng lượng hàng đầu thế giới triển khai làm dấy lên cuộc chạy đua đối với nguồn năng lượng sạch này.

Theo số liệu thống kê, hiện nay đã có 130 nước trên thế giới phát triển năng lượng gió. Tại châu Mỹ và châu Á, năng lượng gió ngoài khơi cũng đang được đầu tư phát triển rất mạnh và dự báo sẽ đạt đỉnh vào năm 2030 với công suất lên tới 60 Gigawatts (GW).

Trong bài viết đăng trên website của tổ chức nghiên cứu Hội đồng Đại Tây Dương (Alantic Council), chuyên gia trung tâm năng lượng toàn cầu Joseph Webster cho hay, trong số các nước đang chạy đua ở lĩnh vực này, không thể phủ nhận rằng sự phát triển của ngành công nghiệp năng lượng gió Trung Quốc là một câu chuyện rất ấn tượng.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là nhà cung cấp năng lượng gió trên bờ (onshore) và năng lượng gió ngoài khơi (offshore) lớn nhất thế giới, xét về cả sản lượng và công suất.

Báo cáo của Bloomberg New Energy Finance cho thấy các trang trại gió trên bờ và ngoài khơi của Trung Quốc đã tăng công suất lên gần 58 GW vào năm 2020, nhiều hơn mức tăng trưởng điện gió của cả thế giới cộng lại trong năm 2019.

Trung Quốc không chỉ tham gia chặt chẽ vào các chuỗi giá trị năng lượng gió (đặc biệt là trong khâu khai thác và xử lý các nguyên tố đất hiếm) mà còn đi đầu trong việc phát triển các turbine gió lớn nhất và hiệu quả nhất thế giới.

Tuy nhiên, theo ông Webster, vị thế này cũng khiến Trung Quốc phải trả giá đắt. Việc triển khai năng lượng gió tới các địa điểm kém lý tưởng cho thấy sự thiếu hiệu quả, trong khi đó, thất bại khi xây dựng các kết nối truyền tải tương ứng đã làm chậm sự phát triển ở một số tỉnh có nguồn năng lượng gió lớn nhất.

Hơn nữa, một số cáo buộc từ phương Tây liên quan đến cách thức mà Bắc Kinh nắm được công nghệ gió đã làm gia tăng căng thẳng.

Dẫn đầu lĩnh vực nhiều nước đang chạy đua, Trung Quốc trả giá đắt: Vén "bức màn đen" sau câu chuyện gây kinh ngạc thế giới - Ảnh 2.

Nguồn ảnh: Atlantic Council

Chuỗi cung ứng và những khoản trợ cấp

Tổng chi dành cho chính sách công nghiệp của Trung Quốc chiếm ít nhất 1,73% GDP vào năm 2019, gấp hơn 4 lần so với Mỹ.

Ngoài các yêu cầu nội địa hóa và thuế quan, ngành công nghiệp gió của Trung Quốc cũng được hưởng lợi từ một loạt các khoản trợ cấp công nghiệp trực tiếp và gián tiếp.

Các tỉnh của Trung Quốc thường mở rộng trợ cấp riêng dành cho ngành năng lượng gió. Năm 2021, tỉnh Quảng Đông đã ban hành các tiêu chuẩn trợ cấp dành cho dự án điện gió nối lưới ngoài khơi ở mức 1.500 NDT mỗi kilowatt.

Các khoản trợ cấp gián tiếp là trợ cấp dành cho thép và than. Thép là yếu tố quan trọng thúc đẩy chi phí cho các dự án điện gió. Do thép chiếm khoảng 90% số vật liệu sử dụng cho một turbine gió ngoài khơi nên chi phí dành cho thép sẽ chiếm gần 40% chi phí lắp đặt cho dự án này.

Thép cũng là một thành phần quan trọng đối với các dự án gió trên bờ, mặc dù chi phí lắp đặt ở những dự án đó có sự thay đổi đáng kể hơn.

Tại Trung Quốc, thép và than không thể tách rời. Nước này vẫn sử dụng phương thức luyện thép truyền thống dựa vào than đá.

Gián điệp công nghệ: Bức màn đen

Ông Webster cho hay, Trung Quốc đã có được những công nghệ cần thiết phục vụ ngành công nghiệp năng lượng gió thông qua hình thức bắt buộc chuyển giao công nghệ và gián điệp công nghệ.

Ví dụ, để đổi lấy quyền vận hành ở Trung Quốc, công ty Gamesa của Tây Ban Nha buộc phải đào tạo các đối thủ cạnh tranh của mình tại Trung Quốc. Kết quả là thị phần của công ty này trên thị trường Trung Quốc đã giảm từ 33% vào năm 2005 xuống chỉ còn 3% vào năm 2010.

Dẫn đầu lĩnh vực nhiều nước đang chạy đua, Trung Quốc trả giá đắt: Vén "bức màn đen" sau câu chuyện gây kinh ngạc thế giới - Ảnh 3.

Nguồn ảnh: DW

Nhiều công ty nước ngoài cáo buộc tài sản trí tuệ của họ bị các công ty Trung Quốc thâu tóm. Ví dụ, American Superconductor Corp (ASMC) – nhà cung cấp hệ thống máy tính cho turbine gió – đã bị hack mã nguồn. Hợp đồng giữa công ty này và các nhà cung cấp Trung Quốc đã chấm dứt vào đầu những năm 2010.

Ông Webster cho hay, những câu chuyện như ASMC có rất nhiều trong ngành công nghiệp gió. Mặc dù gặt hái được nhiều thành quả nhưng chính sách công nghiệp gió của Trung Quốc vẫn bị cho là một thành công mơ hồ.

Phần lớn chi tiêu dành cho chính sách công nghiệp gió của Trung Quốc đang bị lãng phí. Chưa kể, hệ số công suất tổng của thị trường năng lượng gió Trung Quốc thấp hơn so với các thị trường khác.

Joseph Webster viện dẫn một số nghiên cứu cho thấy hệ số công suất thực tế của ngành năng lượng gió Trung Quốc ở mức dưới 23% vào cuối năm 2019, trong khi con số này là 34% ở thị trường Mỹ. Tỷ lệ thấp như vậy một phần là do sự tăng trưởng chậm ở các tỉnh giàu năng lượng gió nhất Trung Quốc đầu những năm 2010.

Trong khi đó, sản lượng năng lượng gió thực tế của Trung Quốc còn kém ấn tượng hơn nhiều so với công suất gió.

Theo vị chuyên gia, quả thực, Trung Quốc đã vươn lên dẫn đầu trong ngành công nghiệp năng lượng gió toàn cầu nhưng phải trả giá đắt về tài chính và ngoại giao.

Thành công và thất bại của Trung Quốc mang tới bài học cho những quốc gia đang tìm cách sử dụng chính sách công nghiệp năng lượng gió nhằm giải quyết các thách thức về khí hậu, cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo Nhật Minh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên