Dân 'ham của rẻ', hàng giả vẫn nhiều
Theo đánh giá của các chuyên gia, sự trà trộn của hàng giả ngày càng tinh vi, khó lường cộng với nhận thức của xã hội, thói quen tiêu dùng của người dân “ham của rẻ” vẫn luôn là điểm yếu để vấn nạn hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng có đất tung hoành.
- 05-08-2016Hàng giả đầy chợ Bến Thành
- 15-07-2016“Năm nào cũng xử lý khoảng 12.000 vụ hàng giả, hàng nhái”
- 15-06-2016Sữa Meiji nhập khẩu không đạt chuẩn, cảnh báo nguy cơ hàng giả
Sự phát triển của ngành công nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng giả đã trở thành vấn đề mang tính chất toàn cầu. Theo Cục Chống hàng giả (CIB) thuộc Phòng Thương mại quốc tế (ICC), hàng giả hiện chiếm 5-7% thương mại toàn cầu. Tại Việt Nam, vấn nạn hàng giả, hàng nhái ngày càng diễn biến phức tạp, thách thức các cơ quan chức năng, đe dọa nghiêm trọng nền kinh tế nước nhà.
Báo động đỏ
Theo Luật sư Nguyễn Anh Ngọc - Trưởng Phòng Nhãn hiệu và Xử lý vi phạm Công ty INVESTIP, trong rất nhiều vụ việc mà công ty INVESTIP tham gia xử lý, hàng giả được làm tinh vi đến mức hầu như không thể phân biệt được bằng mắt thường.
Đáng quan ngại, về thời gian để sản xuất các sản phẩm hàng giả, hàng nhái, đối với một số mặt hàng tiêu dùng, trước đây các cơ sở sản xuất chui phải mất từ 6-8 tháng mới có thể đưa hàng ra thị trường thì nay họ chỉ mất 1-2 tháng để thực hiện mưu đồ của mình.
Có thể nói, vấn nạn hàng giả hàng nhái đã trở thành nỗi bức bối lâu nay của toàn xã hội, không chỉ đối với Việt Nam mà đối với toàn thế giới.
Theo giới chuyên gia, hàng giả hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã xâm nhập vào tất cả các lĩnh vực, từ nhóm hàng thuộc lĩnh vực công nghệ cao như thiết bị máy tính, thuốc chữa bệnh đến những nhóm hàng phục vụ người tiêu dùng như quần áo, giày dép, mỹ phẩm… không những đe dọa đến sự phát triển của nền kinh tế, làm méo mó môi trường kinh doanh, bóp chết những DN làm ăn chân chính mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí cả tính mạng người tiêu dùng.
Con số được Tổ chức Y tế thế giới đưa ra, ước tính hơn 30% thuốc men ở các nước phát triển là hàng giả, và mỗi năm trên thế giới có ít nhất 700.000 người chết vì sử dụng phải thuốc giả cho thấy vấn nạn hàng giả, hàng nhái đã ở mức báo động đỏ.
Tại Việt Nam, sắt thép, phân bón… là lĩnh vực bị làm giả, làm nhái nhiều nhất. Theo ông Nguyễn Đức Hiệp - Ủy viên HĐQT Tổng công ty Thép Việt Nam, thị trường sắt thép nhiều năm qua đã phải đối diện với vấn nạn hàng giả, hàng nhái hết sức phức tạp, đau đầu. Các thương hiệu “Thép Miền Nam”, “TISCO”, “Thép Việt Úc”, “Tôn Thăng Long”… là những sản phẩm bị làm giả, làm nhái thương hiệu nhiều nhất.
“Sản phẩm nhái thương hiệu được đặt sản xuất ở những cơ sở sản xuất kém chất lượng hoặc nhập khẩu từ nước ngoài với chất lượng thấp hơn, giá thành sản xuất thấp hơn. Sau đó cơ sở trong nước cố tình in nhãn mác thương hiệu các đơn vị thuộc Tổng công ty Thép, bán trà trộn ra thị trường với giá thấp hơn từ 20 - 30%” – ông Hiệp nêu lên thực trạng và nhấn mạnh: “Tình trạng này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị khi mà, chữ tín bị ảnh hưởng, người tiêu dùng quay lưng”.
Cùng với sản phẩm thép, thị trường phân bón cũng chứng kiến không ít những hành vi làm giả, làm nhái hoành hành trên thị trường này.
Theo chia sẻ của ông Văn Khắc Minh - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, các đối tượng thường làm giả cả bao bì, sản phẩm hoặc lấy bao bì đã qua sử dụng của các công ty có uy tín trên thị trường để làm giả, che mắt người tiêu dùng.
Đối với người nông dân, họ rất khó phát hiện được phân bón giả trước những thủ đoạn ngày càng tinh vi của các đối tượng hiện nay. “Sản phẩm phân bón giả giống hệt các sản phẩm chính hãng, trừ khi mang các sản phẩm giả đó đến cơ quan chức năng phân tích mới có thể phân biệt đâu là thật đâu là giả” – ông Minh cho biết.
Theo ông Minh, vấn nạn này không những ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người nông dân - những người mua và sử dụng phân bón, mà còn ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của các nhà sản xuất chân chính.
Phạt hành chính - chưa đủ sức răn đe
Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực này, sự trà trộn ngày càng tinh vi, khó lường cộng với nhận thức của xã hội, thói quen tiêu dùng của người dân “ham của rẻ” vẫn luôn là điểm yếu để vấn nạn hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng có đất tung hoành.
Theo Luật sư Nguyễn Anh Ngọc, không phải ngẫu nhiên mà thời gian gần đây, trong nhiều vụ điều tra, xử lý hàng giả, Công ty INVESTIP không tìm thấy hoặc phát hiện rất ít hàng giả trong khu vực nội thành Hà Nội nhưng hàng giả lại đang hoành hành ở các khu vực ngoại thành Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Điều đó chứng tỏ các đối tưởng sản xuất kinh doanh hàng giả rất am hiểu tâm lý và nhận thức của người tiêu dùng ở khu vực nông thôn.
Để bài trừ vấn nạn hàng giả, hàng nhái, tiến tới dẹp bỏ hoàn toàn vấn nạn này, trả lại sự trong sạch cho nền kinh tế nước nhà cũng như bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Luật sư Nguyễn Anh Ngọc cho rằng, cần phải tăng nặng mức phạt, mạnh tay hơn nữa đối vơi các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm về sở hữu trí tuệ, còn như hiện nay, vẫn chỉ chủ yếu xử phạt hành chính là không đủ sức răn đe.
Bên cạnh đó, cơ chế phối hợp và năng lực thực thi của các cơ quan có liên quan cần được chú trọng và nâng cao hơn nữa. “Riêng đối với lĩnh vực thực thi quyền sở hữu trí tuệ, cần thiết phải thành lập một cơ quan quốc gia của Chính phủ làm đầu mối để điều phối và duy trì công tác giữa các bộ, ngành thực thi quyền sở hữu trí tuệ hữu hiệu hơn” - Luật sư Ngọc đề xuất và nhấn mạnh thêm: Đặc biệt, trước tình hình kinh doanh hàng giả, hàng nhái công khai và phổ biến trên mạng Internet hiện nay, thì hệ thống cơ quan thực thi của Việt Nam cần sớm có giải pháp hữu hiệu, cả về pháp lý và công nghệ để giải quyết kịp thời và triệt để các hành vi vi phạm liên quan đến lĩnh vực này.
“Hàng giả, hàng nhái vẫn đang hoành hành trên thị trường Việt Nam. Các đối tượng chủ yếu sản xuất ở nước ngoài rồi sau đó tuồn vào trong nước để tiêu thụ (60-70%). Công nghệ, thủ đoạn làm hàng giả hàng nhái ngày càng tinh vi và tốc độ cũng nhanh hơn nhiều so với trước đây. Chủ yếu chúng biết lợi dụng khai thác những nhược điểm của nền kinh tế nước ta, một trong số đó là rất thiếu và yếu công nghiệp phụ trợ” – Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nhận định.
Đại đoàn kết