Đàn heo ăn chay và nỗ lực "rũ bùn đứng dậy" của đại gia Trương Sỹ Bá
Theo dự báo, tốc độ tăng trưởng tiêu thụ thịt heo của Việt Nam trong giai đoạn 2018 - 2026 sẽ tăng lên 25% , cho đến năm 2026, tiêu thụ thịt heo bình quân ở Việt Nam là 31kg/người.
Trong mấy năm trở lại đây, nhập khẩu heo thịt từ thị trường nước ngoài về Việt Nam tăng mạnh. Sản lượng thịt heo và phụ phẩm từ heo nhập khẩu vào Việt Nam trong quý 1/2023 đạt lần lượt là 13,18 nghìn tấn và 12,82 nghìn tấn. Tiêu thụ thịt heo ở Việt Nam nhìn chung tăng cao ở những tháng cuối năm do Tết nguyên đán tới gần, sau đó giảm mạnh 21 - 51% ở 3 tháng đầu năm 2023.
Tính đến thời điểm cuối tháng 3/2023, tổng đàn heo cả nước đạt 24,66 triệu con, tăng 6,2% so với cùng kỳ 2022, nhưng ghi nhận giảm 6% so với mức đầu năm. Lo ngại trước sự trở lại của dịch tả lợn Châu Phi, cùng với tiêu thụ thịt heo giảm trong bối cảnh lạm phát trong quý 1 ghi nhận mức cao là nguyên nhân khiến người nông dân hầu như không tái đàn.
Do giá lương thực và chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao trong năm 2022, nên để nuôi một con heo hơi từ 10 kg lên 100 kg, trung bình hộ chăn nuôi nhỏ lẻ phải mất ít nhất 4,7 triệu đồng để hòa vốn, đồng thời giá thịt heo trong năm vừa qua có xu hướng giảm, giá thịt heo của các hộ nông dân cũng không được cao như của các trại chăn nuôi chuyên nghiệp, nên người nông dân bỏ nuôi nhiều, tỷ lệ nguồn cung thịt heo từ hộ nông dân chỉ còn chiếm 38% trong tổng nguồn cung cả nước.
Bên cạnh đó, các trại heo công nghiệp chỉ mất chi phí 4,2 triệu đồng để nuôi 1 heo hơi từ 10 kg lên 100 - 125 kg, với giá thịt heo trung bình hiện nay khoảng 52.700 đồng/kg, như vậy lợi nhuận trước thuế vào tháng 5 của các trại chăn nuôi chuyên nghiệp có thể cải thiện lên mức 990.000 đồng/heo hơi 100kg.
Theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD, Việt Nam sẽ đứng thứ 2 Châu Á (sau Trung Quốc) về tiêu thụ thịt heo, với tốc độ tăng trưởng hằng năm là 3,1% trong giai đoạn 2022 - 2030. Fitch Solution cũng dự báo tốc độ tăng trưởng tiêu thụ thịt heo của Việt Nam trong giai đoạn 2018 - 2026 sẽ tăng lên 25% , cho đến năm 2026, tiêu thụ thịt heo bình quân ở Việt Nam là 31kg/người.
Giá thịt heo được kỳ vọng sẽ tăng trở lại vào khoảng tháng 8/2023 khi nguồn cung đang sụt giảm và sức mua tăng trở lại. Nhờ đó, biên lợi nhuận của các doanh nghiệp chăn nuôi lợn được cải thiện từ 6 - 14% qua các năm.
Tại Việt Nam, CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam (BAF) của đại gia Trương Sỹ Bá là một trong những doanh nghiệp nuôi heo hàng đầu Việt Nam. Doanh nghiệp này nổi tiếng nhờ quảng bá sản phẩm heo ăn chay.
Theo BAF, heo ăn chay là heo chỉ ăn thức ăn được làm 100% nguyên liệu từ thực vật và gốc đạm thực vật do chính công ty này nghiên cứu, sản xuất. Dinh dưỡng từ nguồn cám chay đáp ứng đầy đủ dưỡng chất cho vật nuôi trong mọi giai đoạn sinh trưởng, phát triển.
Trong năm 2022, doanh thu và lợi nhuận sau thuế cuả BAF đạt lần lượt 7.083 và 288 tỷ, giảm 32% và 11% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính của việc sụt giảm là do doanh nghiệp đang dịch chuyển dần cơ cấu doanh thu từ mảng thương mại các mặt hàng nông sản sang mảng 3F.
Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của mảng thương mại giảm lần lượt là 41% và 28%, mảng con giống có doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế tăng lần lượt 7,31% và 28%. Biên lợi nhuận của mảng thương mại và con giống đạt tương ứng là 3% và 27%.
Trong năm 2023, công ty nỗ lực mở rộng quy mô trang trại nuôi heo để chuẩn bị chuyển dịch kinh doanh từ thương mại các mặt hàng nông sản sang mảng 3F.
Do mảng thương mại các mặt hàng nông sản không mang lại biên lợi nhuận cao nên BAF đang lên kế hoạch cắt giảm hẳn mảng này cho đến năm 2026. Trong năm 2023, BAF sẽ xây dựng thêm 19 trang trại mới với quy mô tối đa 5.000 heo nái và 60.000 heo thịt cho mỗi trang trại. Cho tới thời điểm quý 1/2023, đã có 10 trang trại được khởi công xây dựng.
Việc mở rộng quy mô dự báo sẽ giúp BAF nâng sản lượng thức ăn chăn nuôi năm 2023 lên 392%, sản lượng con giống lên 104%. Doanh thu mảng chăn nuôi dự kiến sẽ đem về cho BAF 4.617 tỷ VND trong năm 2023 (tăng 236% so với cùng kỳ), lợi nhuận thuần tương ứng là 358 tỷ đồng. Biên lợi nhuận mảng thương mại được dự phóng sẽ duy trì ở mức 1,2% trong giai đoạn 2023 – 2025. Biện lợi nhuận mảng 3F dự phóng sẽ duy trì trong khoảng 8 – 10% giai đoạn 2023 – 2029.
Hiện nay BAF đã tự chủ 100% nguồn thức ăn đầu vào cho trang trại của mình. BAF đang sở hữu 2 nhà máy thức ăn chăn nuôi là Phú Mỹ và Tây Ninh với công suất là 60 và 200 nghìn tấn/năm. Tháng 8/2022, BAF tiếp tục xây dựng thêm nhà máy cám Nghệ An với công suất 180 nghìn tấn/năm.
Ngoài thuê các nhà máy chế biến thịt ở bên ngoài, BAF đang triển khai xây dựng hai nhà máy giết mổ chế biến thịt Bình Phước và Hòa Bình với công suất 240 con/giờ cho một nhà máy. Sản phẩm thịt heo của BAF đã bắt đầu được phân phối ra thị trường từ năm 2023.
Công ty cùng tập đoàn – Siba Food đang tích cực xây dựng mạng lưới bán hàng để đưa các sản phẩm chế biến từ thịt lợn của BAF đến với người tiêu dùng. Sản lượng thịt và các sản phẩm từ thịt bán ra dự kiến sẽ đạt hơn 7 tấn trong năm đầu tiên hoạt động.
Doanh thu và lợi nhuận của mảng chế biến thịt lợn dự phóng đạt lần lượt là 311 triệu và 28 triệu đồng. Biên lợi nhuận của các doanh nghiệp chế biến thịt heo được dự báo sẽ mở rộng từ năm 2024 trước kỳ vọng giá thịt heo tăng (do số lượng đàn heo đang có xu hướng giảm và nhu cầu thịt heo tăng cao vào các dịp lễ Tết cuối năm), đồng thời giá thức ăn chăn nuôi đang dần hạ nhiệt về mức đầu năm 2022.
Nhịp sống thị trường