MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dân kêu trời với chung cư tái định cư

21-12-2016 - 09:13 AM | Bất động sản

Ngày 20/12, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội có buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề về việc thực hiện chính sách pháp luật về tổ chức quản lý, vận hành nhà chung cư tái định cư.

10 năm vẫn không có phòng sinh hoạt cộng đồng

Cử tri Vũ Thị Nấm ở khu chung cư C10 (ngõ 28 Xuân La) cho biết, khu chung cư đã đi vào hoạt động 10 năm nay, cư dân đều rất ủng hộ việc thành lập Ban quản trị nhưng đến nay vẫn chưa xong, phòng sinh hoạt cộng đồng không có, hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC) nhiều bất cập. Trong khi kinh phí của quỹ bảo trì 2% theo quy định, không rõ đã chi vào những khoản nào nhưng khi dân hỏi thì Cty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội (gọi tắt Cty Quản lý nhà Hà Nội)- đơn vị được giao quản lý lại nói đã sử dụng hết.

Đại diện lãnh đạo Cty Quản lý nhà Hà Nội cho rằng, trong số 147 tòa nhà do đơn vị quản lý, nhiều tòa nhà thiết kế theo kiểu cũ nên hệ thống PCCC không đảm bảo tiêu chuẩn mới. Từ lúc nhận bàn giao, chưa có công trình nào đảm bảo chất lượng. Trước lý giải này, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Hà Nội Ngọ Duy Hiểu đặt câu hỏi: “Nếu không đủ điều kiện thì vì sao các anh vẫn nhận bàn giao các toà nhà này?”. Đại diện Công ty quản lý nhà trả lời: “Không đủ điều kiện thì ai cũng biết” mà không lý giải thêm điều gì.

Theo Công ty quản lý nhà đến nay mới chỉ có 19 tòa nhà thành lập được Ban quản trị. “Để thành lập được Ban quản trị, một tòa nhà phải họp 5 lần. Với hơn 100 tòa nhà đơn vị quản lý phải tổ chức họp hơn 500 cuộc họp”, vị đại diện Công ty quản lý nhà nói. Về việc chậm bố trí nhà, phòng sinh hoạt cộng đồng tại các nhà TĐC, vị lãnh đạo Cty quản lý nhà cho rằng đây là việc của Sở Xây dựng.

Thế nhưng theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Chí Dũng, Sở đã yêu cầu đưa kế hoạch để Cty quản lý nhà trí nhà sinh hoạt cộng đồng phục vụ người dân mà họ vẫn không làm: “Việc thành lập Ban quản trị sẽ đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người dân. Khi đó, người dân sẽ có thêm kinh phí để Ban quản trị hoạt động bởi theo quy định, Ban quản trị sẽ quản lý điểm trông giữ xe đạp, xe máy; không gian sinh hoạt chung và được trích một phần từ lãi kinh doanh ở tầng 1”, ông Dũng phân tích.

Vô cảm trước quyền lợi của dân

Theo ông Mạc Đình Minh, Giám đốc Ban quản lý các công trình và nhà ở công sở (Sở Xây dựng) - đơn vị hiện đang quản lý 13 tòa nhà TĐC, đảm bảo quyền lợi của người dân thì ở từng tòa nhà TĐC, Ban quản lý đã mở các tài khoản quỹ bảo trì. Khi có Ban quản trị, sẽ bàn giao số tiền thuộc quỹ bảo trì cả gốc lẫn lãi để Ban quản trị sử dụng theo đúng quy định. Về chất lượng công trình, ông Minh cho rằng, đơn vị không nhận bất kỳ công trình nào không đảm bảo điều kiện về chất lượng, về PCCC... Theo ông Minh, quy định chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm bảo hành, nếu chậm bảo hành, thì họ phải chịu chế tài xử lý.

Phó trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội Ngọ Duy Hiểu cho rằng, đây là vấn đề lớn, bức xúc tồn tại trong thời gian dài của người dân TĐC. Theo ông Hiểu, mỗi cán bộ phải đặt mình vào địa vị người dân, mới thấu hiểu nỗi bức xúc của họ. Ông Hiểu lấy ví dụ về tòa nhà mình đang ở tại khu chung cư B7 Kim Liên (quận Đống Đa) cũng thường xuyên hỏng hóc về thang máy. Khi tổ chức bầu Ban quản trị toà nhà thì đại diện đơn vị quản lý lại không đến nên dù hàng trăm người dân họp đề nghị lên cũng không được công nhận.

Theo vị này, một trong những nguyên nhân khiến các tồn tại này kéo dài là có sự vô cảm, thờ ơ của một số cán bộ công chức trước quyền lợi chính đáng của người dân. “Nếu phát phiếu điều tra mức độ hài lòng của người dân với Cty quản lý nhà Hà Nội không biết có được phiếu nào ở mục tốt không? Đổ cho dân là dễ, nhưng xác định trách nhiệm cho mình thì khó vô cùng”, ông Hiểu nói.

Theo Tú Anh

Tiền Phong

Trở lên trên