Dân không đồng ý, huyện có được thu hồi đất trồng lúa để làm cụm công nghiệp?
Hơn 80% người dân không đồng ý việc lấy đất đang trồng lúa để làm cụm công nghiệp gần khu dân cư, vậy chính quyền có được cưỡng chế thu hồi đất hay không?
Câu hỏi:
Chúng tôi gồm 76 hộ dân, được giao hơn 67.000m2 đất nông nghiệp để trồng lúa hàng năm, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để sản xuất lâu dài. Nay, tỉnh và huyện thu hồi diện tích đất này giao cho doanh nghiệp xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp, trong khi 2 mặt dự án này tiếp giáp với khu dân cư chúng tôi sinh sống, chỉ cách khoảng 10-20m.
Điều đáng nói, chỉ có 12/76 hộ đồng ý, còn lại 64 hộ không đồng ý cho tỉnh, huyện thu hồi diện tích đất nêu trên.
Xin hỏi luật sư, việc làm trên của chính quyền huyện, tỉnh có đúng luật không? Chúng tôi phải làm gì để bảo vệ quyền lợi, nguyện vọng chính đáng của mình?
Trả lời:
Thứ nhất: Đối với khoảng cách từ dự án đến khu dân cư sinh sống sẽ phải đảm bảo theo quy định tại Điều 53 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Điều 52 Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định một số điều của luật bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, những điều luật này lại phụ thuộc vào quy chuẩn do Bộ Xây dựng ban hành. Theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 4449:1987 quy hoạch xây dựng đô thị - Tiêu chuẩn thiết kế thì sẽ tùy thuộc vào ngành nghề sản xuất sẽ có khoảng cách tối thiểu đến khu dân cư khác nhau. Đối với những ngành nghề ít độc hại thì khoảng cách tối thiểu từ nhà máy đến khu dân cư sẽ là 50 m.
Hai mặt dự án trên có khoảng cách đến khu dân cư từ 10-20 m, khoảng cách này là khoảng cách từ tường bao của khu công nghiệp, chứ không phải khoảng cách từ nhà máy/xí nghiệp sản xuất tới khu dân cư nên chưa đủ thông tin để kết luận việc xây dựng khu công nghiệp có đảm bảo khoảng cách an toàn đến khu dân cư hay không.
Theo thông tin người dân cung cấp thì Nhà nước quyết định thu hồi diện tích đất trên để thực hiện dự án xây dụng cụm công nghiệp. Căn cứ theo Điểm a Khoản 2 Điều 62 Luật đất đai năm 2013, Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trong các trường hợp sau đây:
Thực hiện các dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư mà phải thu hồi đất, bao gồm: Dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế; khu đô thị mới, dự án đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).
Có thể thấy, nếu dự án xây dựng khu công nghiệp trên đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận và kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì UBND tỉnh, UBND huyện sẽ có thẩm quyền phối hợp để thu hồi diện tích đất trên để thực hiện dự án.
Trình tự thu hồi đất sẽ được quy định cụ thể tại Điều 69 Luật đất đai năm 2013. Trong trường hợp người dân đã nhận được thông báo thu hồi đất tuy nhiên lại không chấp hành về việc kiểm đếm thì UBND huyện sẽ thực hiện việc cưỡng chế kiểm đếm và bồi thường theo quy định của pháp luật.
Trường hợp người sử dụng đất trong khu vực có đất thu hồi không phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng trong việc điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm thì UBND cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng tổ chức vận động, thuyết phục để người sử dụng đất thực hiện.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày được vận động, thuyết phục mà người sử dụng đất vẫn không phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thì Chủ tịch UBND cấp huyện ban hành quyết định kiểm đếm bắt buộc. Người có đất thu hồi có trách nhiệm thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc.
Trường hợp người có đất thu hồi không chấp hành thì Chủ tịch UBND cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc và tổ chức thực hiện cưỡng chế theo quy định tại Điều 70 của Luật này.
Như vậy, việc 64/76 hộ gia đình không đồng ý cho UBND huyện thu hồi diện đất trên nhưng nếu các hộ dân đã nhận được thông báo thu hồi đất và dự án đã được phê duyệt theo đúng trình tự, quy định của pháp luật thì việc UBND huyện thực hiện việc cưỡng chế kiểm đếm và thu hồi là đúng quy định của pháp luật.
Do đó, người dân cần phải biết rõ dự án được phê duyệt có đúng quy định hay không. Người dân đã nhận được các thông báo về thu hồi đất theo quy định của luật đất đai hay chưa là cơ sở để tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Trong trường hợp cơ quan Nhà nước đã thực hiện đúng quy trình thì sẽ ưu tiên đàm phán, thương lượng về mức bồi thường sẽ đảm bảo quyền và lợi ích của người dân.
Thứ hai: VIệc thu hồi đất nếu đã thực hiện đúng quy hoạch, dự án là do Chính phủ thông qua đúng quy trình (việc này cần có hồ sơ chi tiết mới có thể đưa ra tư vấn chính xác) thì người dân không thể giữ diện tích lại để canh tác.
Đối với việc kể cả người dân chưa nhận tiền bồi thường, việc cưỡng chế vẫn có thể diễn ra theo quy định của pháp luật.
Tiến sỹ, Luật sư Nguyễn Minh Long – Giám đốc Công ty Luật Dragon (Đoàn Luật sư TP Hà Nội).
VTC News