Dân mạng vạch lỗi nguy hiểm trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn, chủ đầu tư nói gì?
Lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh là chủ đầu tư cao tốc Cam Lộ - La Sơn đã lên tiếng về những thiếu sót nguy hiểm của dự án đang khiến dư luận xôn xao.
Trả lời PV VTC News , lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, chủ đầu tư dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn, thừa nhận những bất cập, thiếu sót còn tồn tại trên tuyến cao tốc này như: cao tốc chỉ có 2 làn đường; có một số đoạn thắt nút cổ chai; gần như không có hệ thống đèn chiếu sáng cao áp bên đường, không có hệ thống camera giám sát...
Giải thích rõ hơn về dự án này, vị lãnh đạo chia sẻ, cao tốc Cam Lộ - La Sơn được đầu tư phân kỳ theo 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 được đầu tư, xây dựng 2 làn xe với số vốn hơn 7.700 tỷ đồng.
Theo thiết kế, trên chiều dài 98km của tuyến có 28 điểm vượt xe và các điểm này được xây dựng 4 làn xe. Ngoài ra, có nhiều điểm trên tuyến được bố trí vạch kẻ đứt để tài xế có thể vượt khi đảm bảo an toàn. Các điểm kết thúc vượt, theo quan sát thì có vẻ hơi ngoặt nhưng trước khi đầu tư, các đơn vị đã duyệt phương án thiết kế.
Từ cuối năm 2023, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã giao Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đề xuất mở rộng lên 4 làn xe. " Đến 2025, các đoạn cao tốc phía Bắc cho tới Cam Lộ đều là 4 làn xe. Tuyến Cam Lộ - La Sơn cũng đã có chủ trương mở rộng 4 làn xe...Chỉ còn đoạn này Bộ GTVT giao cho ban đang nghiên cứu và khoảng 1 tháng nữa sẽ hoàn chỉnh hồ sơ, đề xuất chủ trương mở rộng để báo cáo ", lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh thông tin.
Cũng theo vị này, khi nghiên cứu mở rộng tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn lên thành 4 làn hoàn chỉnh thì sẽ đưa các hạng mục như đèn chiếu sáng cao áp, camera chiếu sáng...vào sử dụng.
Khi PV VTC News đặt câu hỏi tại sao không trang bị các hạng mục này từ trước để đảm bảo an toàn, vị lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh giải thích: "Đây là dự án được đầu tư phân kỳ, cũng do nguồn lực như vậy nên chỉ bố trí được 2 làn xe ".
Trước đó, Bộ GTVT từng cho biết, nhiều nước phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản đều phải thực hiện phân kỳ đầu tư đối với các tuyến đường cao tốc. Vì vậy, trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm các nước, Bộ đã nghiên cứu, báo cáo cơ quan có thẩm quyền để thực hiện phân kỳ đầu tư theo những nguyên tắc để đảm bảo đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh nguồn lực có hạn, nhưng cũng tạo tiền đề và sự thuận lợi trong giai đoạn sau khi có nguồn lực để nâng cấp.
Khoảng 10h ngày 18/2, ông Phan Đình Kiều (SN 1969, trú TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) lái ô tô BKS 36A-485.67 chạy trên cao tốc Cam lộ - La Sơn, hướng Đà Nẵng - Quảng Trị. Trên ô tô còn có anh Phan Đình Q (SN 1978), vợ anh Q. là chị Lê Thị H (SN 1983) cùng 2 con là K.V (SN 2009) và Đ.Q (SN 2015), cùng trú phố Tân Cộng (phường Đông Tân, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa).
Khi đến Km 48+200m cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua huyện Phong Điền thì ô tô con vượt lên từ phía bên phải, sau đó va chạm với xe đầu kéo BKS 63C-136.59 kéo theo rơ moóc BKS 63R-00227 do anh Huỳnh Văn Dũng (SN 1974, trú xã Long An, Châu Thành, Tiền Giang) đang đi cùng chiều phía trước, cùng làn đường.
Sau va chạm, ô tô BKS 36A-485.67 lao sang phần đường ngược chiều hướng Quảng Trị - Đà Nẵng va chạm vào xe tải BKS 63H-005.68 do anh Lâm Văn Tâm (SN 1982, trú phường Vĩnh Mỹ, Châu Đốc, An Giang) cầm lái, chở trên xe anh Nguyễn Minh Khải (SN 1980, trú Mỹ Tho, Tiền Giang) đang đi trên phần đường ngược chiều hướng Quảng Trị - Đà Nẵng.
Sau đó ô tô BKS 36A-485.67 tiếp tục lao xuống vực bên phải phần đường một chiều hướng Quảng Trị - Đà Nẵng. Cùng lúc đó, ô tô BKS 63H-005.68 bị xe đầu kéo BKS 51D- 150.90 kéo theo rơ moóc BKS 51R-349.20 do anh Nguyễn Tấn Đạt (SN 1980, trú phường Phổ Minh, Đức Phổ, Quảng Ngãi) đang đi cùng chiều, phía sau, cùng làn đường hướng Quảng Trị - Đà Nẵng tông vào.
Vụ tai nạn khiến cháu Phan Đình Q. chết tại chỗ, cháu K.V. và chị Lê Thị H. được đưa đi cấp cấp tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 nhưng không qua khỏi.
Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Phan Đình Kiều.
VTC