MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dân mua chung cư Nam Xa La (Hà Nội): Ra phường mới biết không phải là… căn hộ!

24-08-2016 - 14:12 PM | Bất động sản

Bỏ ra hàng trăm triệu để mua nhà ở với mong muốn được “an cư”, nhưng nhiều người dân ở Tổ hợp chung cư cao tầng Nam Xa La, phường Phúc La, quận Hà Đông, TP Hà Nội đang có nguy cơ mất trắng.

Biết bị lừa nhờ đi… đăng ký tạm trú!

Nhiều tháng nay, anh Nguyễn Văn Chương, ở tầng 2, tòa nhà CT1, cụm chung cư cao tầng Nam Xa La, ăn không ngon, ngủ không yên vì căn hộ anh đã mua tới đây có khả năng không còn là nhà của mình. Theo chia sẻ của anh Chương, căn nhà tầng 2 mà anh đang ở thực chất là tầng dịch vụ trong bản thiết kế và nguyên tắc thì không thể làm được sổ đỏ.

“Tôi đăng kí mua từ năm 2013 nhưng mãi đến đầu năm nay mới được chủ đầu tư bàn giao nhà. Ban đầu chủ đầu tư cũng nói là tầng này là tầng dịch vụ nhưng sau đó được chia nhỏ để bán cho nhân viên của dự án. Theo như lời giới thiệu thì do nhân viên không có nhu cầu nên họ bán lại cho chúng tôi. Khi đối thoại với người dân thì chủ đầu tư thông tin rằng, các căn hộ này đang trong quá trình chuyển đổi công năng nên một vài năm nữa là có sổ đỏ”, anh Chương cho biết.

Theo anh Chương, khi dọn về ở, đi đăng ký tạm trú, tạm vắng, công an phường không xác nhận vì đây không phải là căn hộ. “Đem thắc mắc hỏi nhân viên kinh doanh thì được giải thích chủ đầu tư đang trong quá trình xin phường xác nhận. Họ có hẹn ngày 25/8 này, chuẩn bị đầy đủ các bản khai báo vào hồ sơ mang đi nộp thì ngày 28/8 sẽ có. Nhưng đó là xác nhận chúng tôi ở đây chứ không phải có sổ tạm trú, tạm vắng. Chúng tôi rất lo, bình thường thì không sao nhưng khi xảy ra xung đột, xích mích hay trộm cắp… thì sẽ chẳng biết đâu mà tìm. Do không hiểu lại không được giải thích kỹ, bỏ tiền ra mua nhà ở giờ không biết quyền lợi sẽ như thế nào”, anh Chương lo lắng.

Cũng mua căn hộ ở tầng 3, tòa nhà CT1, chị Lương Thanh cho biết: “Thấy nhà rẻ, muốn “thoát nghèo” sau bao nhiêu năm ở trọ nên vợ chồng tôi cố gom góp để mua căn hộ này. Tôi đang rất lo là chưa có sổ đỏ mà hợp đồng thì là hợp đồng chuyển nhượng nên nếu xảy ra tranh chấp khéo chỉ còn nước ra đường”.

“Hô biến” tầng kỹ thuật, dịch vụ thành nhà ở?

Theo tìm hiểu của PV, dự án Tổ hợp chung cư cao tầng Nam Xa La do liên danh Công ty CPĐT Kinh doanh và Phát triển hạ tầng KCN Phúc Hà cùng Công ty Đầu tư tư vấn và Xây dựng Việt Nam (Vinaconi) thực hiện. Dự án này được giới thiệu có quy mô bao gồm 2 toà nhà cao 30 tầng. Tầng 1 là trung tâm thương mại, siêu thị, tầng 2, 3 là tầng kỹ thuật và văn phòng cho thuê. Từ tầng 4 đến tầng 30 là căn hộ. Tuy nhiên, sau khi hoàn thiện chỉ tầng 1 có siêu thị T-mart, một số nhà hàng, ki ốt hoạt động xung quanh. Khu vực tầng kỹ thuật là tầng 2, 3 đã bị “hô biến” thành các căn hộ từ 30 - 40m2 bán gần hết cho người dân với mức giá hấp dẫn từ 9,5 - 13,5 triệu đồng/m2 (mức giá thấp hơn so giá các căn hộ từ tầng 4 đến tầng 30).

Để lách luật, các hộ dân tầng 2, 3 và tầng kỹ thuật đều được chủ đầu tư bán nhà nhưng lại dưới dạng “Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng tài sản” thay vì “Hợp đồng mua bán”. Điều kỳ lạ, mặc dù là Hợp đồng chuyển nhượng nhưng ở Điều 5 của Hợp đồng lại nêu trên quy định về quyền và nghĩa vụ của bên B (bên nhận nhượng quyền - là các hộ dân) như sau:

“Bên nhận chuyển nhượng được quyền tự do nhượng quyền sử dụng của mình cho bên thứ ba theo quy định của pháp luật; Kể từ ngày bàn giao với tư cách là người sử dụng, Bên B sẽ tự chịu trách nhiệm đối với diện tích nhượng quyền và tuân thủ Nội quy quản lý sử dụng Tòa nhà của chủ đầu tư và Ban quản lý tòa nhà; Tự chịu trách nhiệm về các hư hại của diện tích đã được bàn giao. Không được tác động làm thay đổi kết cấu, thay đổi mặt ngoài của tòa nhà; Trong trường hợp cơ quan nhà nước có chủ trương làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD), bên B có trách nhiệm nộp các khoản thuế, phí theo quy định cùng với Bên A hoàn thiện hồ sơ theo quy định”.

Các hộ dân cho rằng, đọc kỹ Điều 5 của Hợp đồng có thể thấy Chủ đầu tư đã “chơi chữ” và lừa dối người mua khi đưa ra điều khoản: “Trong trường hợp cơ quan nhà nước có chủ trương làm thủ tục cấp GCNQSD”. Bởi việc làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với các căn hộ này là không thể, do đây là các tầng kỹ thuật, dịch vụ, siêu thị và văn phòng cho thuê chứ không phải là các tầng có căn hộ như đã được phê duyệt. Theo tìm hiểu của PV, hiện nay việc chuyển đổi công năng từ khu siêu thị, dịch vụ, kỹ thuật và văn phòng cho thuê sang nhà ở của dự án này chưa được Sở Xây dựng Hà Nội đồng ý chấp thuận. Nhưng không hiểu sao, trong nhiều năm qua, chủ đầu tư của dự án này không bị các cơ quan chức năng TP Hà Nội xử lý?

Ông N.V.M, một cư dân tòa nhà CT2 bức xúc: “Với việc chuyển đổi công năng sử dụng thì chắc chắn các hạng mục của tòa nhà sẽ thay đổi. Đầu tiên là cầu thang máy, hệ thống phòng cháy, chữa cháy, hệ thống an ninh, các tiện ích dịch vụ chúng tôi không được hưởng như chủ đầu tư đã giới thiệu ban đầu. Ngoài ra, khuôn viên vui chơi, giải trí phía dưới tòa nhà cũng được chủ đầu tư biến thành các ki ốt cho thuê với giá 5 - 6 triệu đồng/tháng hoặc văn phòng cho thuê, địa điểm rửa xe, thậm chí là trường mầm non với quy mô 4 tầng. Việc làm trái quy định của chủ đầu tư ở đây ai cũng biết, nhưng không hiểu sao các cơ quan chức năng của địa phương không biết? Với việc biến đổi hàng loạt công năng, hạng mục thành nhà ở, ki ốt cho thuê, chắc chắn Chủ đầu tư đã thu về một khoản tiền rất lớn”.

Để làm rõ thông tin mà chủ đầu tư cố ý làm trái để hô biến các tầng dịch vụ, kĩ thuật, siêu thị thành căn hộ, ngày 18/8 chúng tôi đã liên hệ với phía Công ty Phúc Hà và Công ty Đầu tư tư vấn và Xây dựng Việt Nam (Vinaconi), ngày 22/8 đến trụ sở đều thì nhận được thông tin lãnh đạo đi họp hết và đến nay PV vẫn chưa nhận được phản hồi. Còn liên quan đến tạm trú, tạm vắng, Trung tá Khúc Thị Bạch Liên, Trưởng công an phường Phúc La cho biết, nguyên tắc các công dân tạm trú trên địa bàn phải khai báo tạm trú, tạm vắng. Được biết, phía UBND phường đã nhận được phản ánh của người dân.

Anh Tuấn, một cư dân ở đây bức xúc: “Chúng tôi chuyển về đây đã bị chậm tiến độ và chủ đầu tư hứa nhiều lần nhưng khi chuyển đến cơ sở vật chất vẫn chưa hoàn thiện, sổ đỏ chưa có. Mua nhà xong, mới biết là hợp đồng chuyển nhượng chứ không phải hợp đồng mua bán. Đi khai báo tạm trú, tạm vắng để hoàn thiện hồ sơ, thủ tục cho con chuyển trường đi học gần nhà mới vỡ lẽ là không đủ điều kiện. Hiện tại, chúng tôi đang rất hoang mang không biết phải làm thế nào, chủ đầu tư vẫn mới chỉ hứa”.

Hợp đồng hoàn toàn vô hiệu

Theo phân tích của Luật sư Nguyễn Vinh, Đoàn luật sư Hà Nội thì nội dung của bản Hợp đồng chuyển nhượng của chủ đầu tư có đầy đủ những nội dung như một Hợp đồng mua bán căn hộ khác. Tuy nhiên, nếu chiếu theo Điều 128, Điều 132 Bộ luật Dân sự thì bản hợp đồng này hoàn toàn vô hiệu trước pháp luật do vi phạm điều cấm theo quy định và người mua bị lừa dối. “Nội dung trong hợp đồng chuyển nhượng cho thấy, bên B (bên nhận nhượng quyền) không những có quyền sử dụng mà còn thể hiện các quyền sở hữu, quyền định đoạt đối với tài sản (chuyển nhượng cho bên thứ ba) nên đây hoàn toàn là quyền của người mua và theo pháp luật phải là Hợp đồng mua bán. Tuy nhiên, chủ đầu tư lại bán một sản phẩm không có, tức là một hình thức lừa đảo khách hàng.

Theo P.Bình – Q.Chiến

Gia đình Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên