MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dân Mỹ mất 10 nghìn tỷ đô vì đầu tư chứng khoán

28-09-2022 - 09:55 AM | Tài chính quốc tế

Dân Mỹ mất 10 nghìn tỷ đô vì đầu tư chứng khoán

Khi các chỉ số chính liên tục lao dốc kể từ đầu tháng 7 và thị trường trái phiếu biến động, các chuyên gia thị trường cho biết nhà đầu tư có thể đã mất từ 9,5 nghìn tỷ USD đến 10 nghìn tỷ USD.

Thị trường chứng khoán Mỹ liên tục giảm điểm đã khiến các hộ gia đình Mỹ mất hơn 9 nghìn tỷ USD. Điều này càng tạo áp lực lớn hơn đối với khả năng tài chính và chi tiêu của các gia đình.

Theo số liệu của Cục Dữ trữ Liên bang (Fed), tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu doanh nghiệp và các quỹ tương hỗ của người dân Mỹ đã giảm xuống còn 33 nghìn tỷ USD vào cuối quý II, từ mức 42 nghìn tỷ USD vào đầu năm. Khi các chỉ số chính liên tục lao dốc kể từ đầu tháng 7 và thị trường trái phiếu biến động, các chuyên gia thị trường cho biết nhà đầu tư có thể đã mất từ 9,5 nghìn tỷ USD đến 10 nghìn tỷ USD.

Các nhà kinh tế cũng nhận định thêm, đà sụt giảm của thị trường có thể sẽ sớm ảnh hưởng đến khắp nền kinh tế, gây áp lực lên bảng cân đối kế toán của người dân Mỹ và tác động đến hoạt động chi tiêu, vay nợ, đầu tư. Mark Zandi - nhà kinh tế trưởng của Moody’s Analytics, cho biết, số tiền mà nhà đầu tư “đánh mất” đó có thể khiến tốc độ tăng trưởng GDP thực tế của Mỹ giảm gần 0,2 điểm phần trăm trong năm tới.

Ông cho hay: “Những khoản lỗ trên thị trường chứng khoán nếu còn kéo dài sẽ là một “cơn gió” nhỏ nhưng có tác động lớn đến chi tiêu của người tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế trong những tháng tới.”

Trong khi đó, nhóm người giàu ở Mỹ lại đang mất nhiều tiền nhất vì họ sở hữu lượng cổ phiếu cực kỳ lớn. Theo số liệu của Fed, top 10% người giàu nhất nước Mỹ đã mất hơn 8 nghìn tỷ USD trên thị trường chứng khoán trong năm nay, đánh dấu mức giảm 22% đối với tài sản chứng khoán của nhóm này. 1% giàu nhất mất hơn 5 nghìn tỷ USD. Nhóm 50% nghèo hơn mất khoảng 70 tỷ USD tài sản chứng khoán.

Các khoản thua lỗ này đánh dấu diễn biến đảo ngược đáng chú ý và đột ngột đối với những nhà đầu tư đã hưởng lợi từ đà tăng kỷ lục của thị trường kể từ sau đại dịch. Từ khi Phố Wall chạm mức thấp vào năm 2020 đến đỉnh vào cuối năm 2021, giá trị tài sản gắn với thị trường chứng khoán của Mỹ đã tăng gần gấp đôi, từ 22 nghìn tỷ USD lên 42 nghìn tỷ USD. Phần lớn sự gia tăng này “thuộc về” nhóm giàu nhất, vì 10% người giàu nhất nước Mỹ nắm giữ 89% cổ phiếu do cá nhân sở hữu.

Khi thị trường rớt giá và nhóm người giàu thua lỗ đậm, tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo đã giảm nhẹ trong năm nay. 1% giàu nhất sở hữu 31% tài sản hộ gia đình trên toàn nước Mỹ vào cuối quý II so với 32,3% vào đầu năm. Tỷ lệ tài sản sở hữu bởi nhóm 10% giàu nhất giảm từ 69% xuống 68%.

Dù người Mỹ giàu có hơn nhờ giá bất động sản tăng, thì số tiền đó lại không thể bù đắp cho con số bị mất trên thị trường chứng khoán. Giá trị tài sản gắn với bất động sản ở Mỹ đã tăng 3 nghìn tỷ USD trong nửa đầu năm nay lên 41 nghìn tỷ USD. Song, mức tăng này chỉ bằng khoảng 1/3 số tiền đã mất trên thị trường chứng khoán. Hơn nữa, khi lãi suất thế chấp tăng, giá nhà nay cũng bắt đầu hạ nhiệt ở nhiều thị trường.

Giá trị tài sản chứng khoán sụt giảm cũng vượt con số 6 nghìn tỷ USD tính theo quý kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát vào năm 2020. Thị trường chứng khoán đã chứng kiến mức giảm mạnh hơn xét theo tỷ lệ phần trăm, nhưng cũng là một trong những đợt sụt giá mạnh nhất từ trước đến nay tính theo USD.

Một câu hỏi lớn đang được các nhà kinh tế đặt ra là liệu diễn biến thị trường sẽ tác động đến chi tiêu của người tiêu dùng như thế nào. Cho đến nay, chưa có nhiều dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng đã cắt giảm chi tiêu. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho biết “hiệu ứng tiêu cực về tài sản” (negative wealth effect) - lý thuyết cho rằng giá trị tài sản đi xuống cũng khiến sức chi tiêu giảm, có thể sớm diễn ra, đặc biệt là khi thị trường tiếp tục biến động.

Zandi cho hay, tài sản trên thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc có thể khiến chi tiêu của người tiêu dùng giảm xuống 54 tỷ USD trong năm tới. Tuy nhiên, ông cũng nói thêm, “hiệu ứng tài sản - chứng khoán” (stock-wealth effect) sẽ không lớn như trước đây, vì những người giàu nắm giữ lượng lớn cổ phiếu đã tích luỹ được khoản tiền tiết kiệm đáng kể trong thời kỳ đại dịch.

Ông nhận định: “Vì khoản tiền tiết kiệm quá lớn, nên họ sẽ không cảm thấy cần phải giảm chi tiêu dù giá trị tài sản chứng khoán đi xuống.”

Tham khảo CNBC 

Vu Lam

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên