MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dân Mỹ và xu hướng đầu tư điên cuồng: Từ tiền số, tranh ảo cho đến thẻ in ảnh đều trở thành những loại tài sản có giá hàng chục triệu USD

15-03-2021 - 20:09 PM | Tài chính quốc tế

Dân Mỹ và xu hướng đầu tư điên cuồng: Từ tiền số, tranh ảo cho đến thẻ in ảnh đều trở thành những loại tài sản có giá hàng chục triệu USD

Tuần trước, một tấm thẻ sưu tập (trading card) có hình tiền vệ bóng bầu dục Tom Brady đã được bán với mức giá cao kỷ lục là 1,3 triệu USD, vốn hóa của đồng Bitcoin cán mốc 1 nghìn tỷ USD. Trong khi đó, một bức tranh kỹ thuật số của Beeple được chốt giá ở mức 69,3 triệu USD khi giá ban đầu chỉ là 100 USD.

Tài sản ảo, được trả bằng tiền thật với mức giá không tưởng 

Những sự kiện tưởng như bất thường này lại có mối liên hệ với nhau, đây đều là những "nhân vật" điên rồ đang khuấy đảo cả giới tài chính. Trong nhiều tháng, các nhà đầu tư chuyên nghiệp đã đẩy giá bất động sản và cổ phiếu lên cao. Ngay cả những loại tài sản ảo hay đồ sưu tầm như trading card, giày sneaker cũng tăng giá mạnh.

Đà tăng đang được thúc đẩy bởi 1 số yếu tố đặc biệt. Ngay cả khi hàng triệu người Mỹ bị sa thải do đại dịch, tiền trong tài khoản ngân hàng của nhiều người vẫn tăng mạnh, nhờ biện pháp kích thích và tiền mặt của chính phủ đổ vào nền kinh tế. Tuy nhiên, khi người Mỹ tích lũy được nhiều tiền hơn, các khoản đầu tư truyền thống như cổ phiếu và trái phiếu lại trở nên kém hấp dẫn.

Do đó, nhiều người đã trở nên sáng tạo hơn vì nhàn rỗi trong thời gian giãn cách xã hội và họ sẵn sàng chấp nhận nhiều rủi ro hơn. Thông thường, các tài sản ảo được nhà đầu tư trên những diễn đàn như Reddit tranh luận sôi nổi, hay sử dụng ứng dụng Robinhood và nền tảng tiền số Coinbase để giao dịch.

Xu hướng trên đã tạo nên những quả bong bóng nhỏ đối với nhiều loại tài sản đặc biệt, như SPAC và NFT. Ngoài ra, nhu cầu cũng tăng vọt đối với những đợt IPO được thực hiện trong tuần trước như trang web chơi game Roblox và "Amazon Hàn Quốc" Coupang, cùng những cổ phiếu "meme" khác.

Howard Lindzon – nhà đầu tư, doanh nhân và nhà bình luận về thị trường, nhận định: "Đây chỉ là một chu kỳ nhu cầu bị dồn nén, khi người Mỹ không biết dùng tiền để làm gì. Do đó, họ làm những điều ngớ ngẩn."

Dân Mỹ và xu hướng đầu tư điên cuồng: Từ tiền số, tranh ảo cho đến thẻ in ảnh đều trở thành những loại tài sản có giá hàng chục triệu USD   - Ảnh 1.

Sự điên cuồng diễn ra trong đúng thời điểm nền kinh tế Mỹ suy thoái sâu sắc, do đó khiến nhà đầu tư hứng chịu rủi ro lớn. Một số đã chứng kiến khoản lỗ chưa từng có khi đầu tư bằng Robinhood – được coi là khuyến khích hành vi cờ bạc. Các tài sản khác như Bitcoin rất dễ sụt giảm, trong khi giày sneaker và NFT lại là những nhân tố mới, được "thổi phồng" nên rất khó đoán về giá trị trong dài hạn.

Hiện tại, những quả bong bóng này chưa gây rủi ro cho toàn bộ hệ thống tài chính. Song, nhiều nhà đầu tư chia sẻ rằng họ cảm thấy lo lắng. Jane Leung – CIO tạ SVB Private Bank, cho hay: "Hầu hết mọi người đang vui mừng. Nhưng đồng thời, có những người lắc đầu và bỏ đi, họ tự hỏi khi nào quả bong bóng này mới vỡ tung."

Một trong số những người chạy theo cơn sốt này là Matthew Schorr (35 tuổi), luật sư tại Cherry Hill (New Jersey). Trong nhiều năm, anh đã để ý đến những khoản đầu tư được săn đón nhiều, nhưng mất hứng thú với TTCK và từ bỏ Bitcoin sau khi bạn bè của anh cho biết đây là "tiền giả". Hiện tại, Schorr cảm thấy tiếc nuối vì Bitcoin đã vượt mốc 60.000 USD.

Schorr không muốn bỏ lỡ khoản lời này một lần nữa. Do đó, từ tháng 1, anh đã chi 5.000 USD để mua 351 video từ NBA Top Shot – trang web chuyên kinh doanh các đoạn video nổi bật về bóng rổ, sau khi mạng xã hội bàn tán về việc có thể bán những clip này với giá hàng chục nghìn USD. Theo Momentranks.com, giá trị của những đoạn video này đã tăng lên 67.000 USD.

Đây là một hình thức đầu tư được gọi là NFT (nonfungible token). Những người mang quan điểm hoài nghi coi NFT là một trong những điều đáng nghi ngờ nhất, vì hình ảnh NFT có thể được sao chép và chia sẻ liên tục. Tuy nhiên, nhiều người vẫn đánh giá cao về giá trị của loại tài sản ảo này, hoặc đơn giản là do tâm lý FOMO.

Schorr dành 5 giờ mỗi ngày để nghiên cứu thị trường và trao đổi với các nhà sưu tập trên Discord. Anh chia sẻ: "Tôi đang cố gắng nắm bắt xu hướng và không bỏ lỡ một lần nào nữa. Kiểu lợi nhuận loại tài sản này mang lại trong 6 tuần là chưa từng có đối với bất kỳ phương tiện tài chính nào."

Tháng trước, NBA Top Shot đã ghi nhận tổng doanh thu vượt 232 triệu USD kể từ khi thành lập vào năm ngoái, trong đó có 1 ngày doanh thu đạt 47,5 triệu USD.

Khi tài sản truyền thống trở nên kém hấp dẫn 

Phần lớn động lực thúc đẩy xu hướng này bắt đầu từ năm ngoái, khi chính phủ các nước hạ lãi suất và tung các gói kích cầu. Động thái này giúp lượng tiền trong hệ thống tài chính toàn cầu tăng gấp đôi, đồng thời khuyến khích người dân chi tiêu. Các khoản tiền gửi trong ngân hàng tại Mỹ đạt 16,45 nghìn tỷ USD vào tháng trước, cao hơn 3 nghìn tỷ USD so với tháng 1/2020.

Lãi suất thấp khiến các kênh đầu tư truyền thống như chứng khoán và trái phiếu kém hấp dẫn hơn, trong khi giá cổ phiếu trở nên đắt đỏ hơn nhiều. Do đó, nhiều người bắt đầu tìm đến các tài sản phi truyền thống.

Với NFT, sự điên cuồng đang leo thang nhanh chóng. Tháng trước, một bức ảnh NFT hình mèo Nyan Cat đã được bán với giá khoảng 580.000 USD. Các nghệ sĩ bao gồm Grimes và DJ Steve Aoki cũng thu về hàng triệu USD từ các tác phẩm nghệ thuật số của họ. Hôm thứ Năm tuần trước, Beeple (tên thật là Mike Winkelmann) đã bán bức tranh NFT "Everydays — The First 5000 Days" với giá 69,3 triệu USD.

Slava Rubin – nhà sáng lập của Vincent, startup giúp khách hàng tìm kiếm các khoản đầu tư thay thế như rượu, đồ sưu tầm, cho biết trang web của anh đã có hàng chục nghìn người dùng. Hồi tháng trước, lượng người quan tâm đến NFT đã tăng 44% và đồ sưu tầm tăng 33%, trở thành danh mục tăng trưởng nhanh nhất trên trang web.

Trong tháng này, nhạc sĩ dòng nhạc điện tử 3lau đã kiếm được 11,7 triệu USD khi bán NFT liên quan đến 1 trong những album đã phát hành. Người mua không chỉ được mã token đại diện cho phiên bản chính thức của album, mà còn có thể truy cập vào các sản phẩm mới và bản sao đĩa than phiên bản giới hạn.

Dân Mỹ và xu hướng đầu tư điên cuồng: Từ tiền số, tranh ảo cho đến thẻ in ảnh đều trở thành những loại tài sản có giá hàng chục triệu USD   - Ảnh 2.

Trong khi đó, nhà đầu tư cũng bị thu hút bởi các SPAC (công ty chuyên thâu tóm). Theo Renaissance Capital, số lượng SPAC tăng rất mạnh trong năm nay, đến mức số SPAC niêm yết còn nhiều hơn các công ty thực. Một số công ty thậm chí còn cho ra mắt 3 hoặc 4 SPAC cùng 1 lúc. Các ngôi sao thể thao và nghệ sĩ như Serena Williams hay Ciara cũng có SPAC riêng của họ.

Cơn sốt thậm chí còn diễn ra trên những sàn mua bán sneaker. Scott Cutler – CEO của StockX, cho biết doanh số bán giày trong tháng 1 cao gần gấp đôi so với năm trước. Theo ông, thế hệ trẻ đang muốn đầu tư vào những thứ phù hợp với văn hóa và phù hợp về mặt tài chính. Cutler cho rằng đây thực sự là khoản đầu tư ổn định.

Những chiếc trading card trên StockX cũng đạt mức giá trung bình 775 USD vào tháng 1, trong khi 1 năm trước có giá 280 USD. Tuần vừa rồi, doanh số bán thẻ in hình Tom Brady đạt mức 1,3 triệu USD, đây là một trong 100 loại thẻ in hình từ mùa giải đầu tiên của ông.

Việc dự đoán xu hướng này sẽ kết thúc như thế nào và khi nào sẽ là việc dễ dàng. Một số cho rằng việc vắc-xin được triển khai rộng rãi, cuộc sống trở lại bình thường sẽ lặp lại những diễn biến như "Thời đại vàng" những năm 1920.  

Tham khảo New York Times

Lục Lam

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên