'Dân phượt vừa đi vừa xả rác, làm hỏng cảnh đẹp, phần nào khiến khách du lịch một đi không trở lại'
Đây là một trong những vấn đề khiến cho chất lượng du lịch Việt Nam giảm, du khách đến một lần rồi thôi - ông Hoàng Nhân Chính, Tổng thư ký nhóm công tác Du lịch Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) nhận xét.
- 20-06-2017Đăng ký xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch theo nguyên tắc tự nguyện
- 19-06-2017Quốc hội chính thức thông qua Luật Du lịch sửa đổi
- 19-06-2017Bán bánh rán 700 ngàn đồng cho khách Tây: Đâu là văn minh du lịch?
- 19-06-2017Hàng không quá tải mùa du lịch
20 năm làm việc trong ngành du lịch, một vấn đề khiến ông Chính luôn trăn trở là tại sao cảnh sắc Việt Nam đẹp, dồi dào nhưng du khách lại đến ít. Nhớ lại thời điểm 30 năm trước khi học ở Hungary, ông cho biết lúc đó dân số nước này chỉ là 11 triệu dân, nhưng có đến tận 12 triệu khách du lịch quốc tế. “Là khách chi trả cao, chứ không phải loại lèm nhèm. Ngành du lịch đã đóng góp rất lớn cho GDP của Hungary”, ông nói.
Trên thực tế, Việt Nam đã nhận ra tầm quan trọng của ngành công nghiệp không khói này. Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị hồi đầu năm đã đưa ra nhiệm vụ đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo đó, ngành hướng đến mốc thu hút được 17 – 20 triệu lượt khách quốc tế, 82 triệu khách nội địa, đóng góp trên 10% GDP.
Tuy nhiên, như ông Chính nhận định, đây là một nhiệm vụ khó. Ông cho biết, cuối tháng 7/2016, trong khuôn khổ của Phiên toàn thể Diễn đàn VPSF 2017 – Lần thứ 2 với sự chủ trì, điều hành đối thoại của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhóm công tác Du lịch sẽ trình bày với Thủ tướng mốt số công việc nhằm hiện thực hoá mục tiêu.
Hiện theo đánh giá, du lịch Việt Nam có 3 điểm nghẽn gồm: cơ sở hạ tầng (cho ngành du lịch hoặc hỗ trợ ngành du lịch) yếu; vướng mắc về visa; công tác quảng bá còn nhiều thiếu sót.
“Chúng tôi sẽ đặt vấn đề thực tế, hỗ trợ cho việc thu hút khách quốc tế, vốn là nguồn thu ngoại tệ cho Việt Nam. Nếu chỉ phát triển khách nội địa, thì cũng không khác gì rút tiền từ túi phải cho vào túi trái”, Tổng Thư ký nhóm công tác Du lịch của VPFS nói.
Mà theo ông, để làm được việc đó, cần đặt trọng tâm là quảng bá du lịch. Trên thực tế, trong những hội chợ Du lịch hiện nay, những cuốn brochure của Việt Nam vẫn được in một cách cổ điển, chưa hiệu quả. “Phải tập trung vào E – Marketing du lịch mới có hy vọng”, ông cho biết.
Thứ hai, sau khi khách biết đến Việt Nam thì phải làm sao cho họ đến Việt Nam. Ông Chính chia sẻ, dĩ nhiên là có nhiều vấn đề, nhưng khâu dễ nhất là visa, đến nay vẫn chưa giải quyết được. Vấn đề là phải làm sao tăng được số lượng quốc gia được miễn thị thực. Hiện Việt Nam miễn cho 22 quốc gia, trong khi đó, các nước láng giềng cạnh tranh trực tiếp về du lịch đang miễn trung bình từ 60 – 80 quốc gia.
Thậm chí như ông Chính nhận xét, trang web của Cục Quản lý xuất nhập cảnh với tên miền dài, khó nhớ cũng là một vấn đề, khiến khách gặp khó khăn.
Thứ 3, là vấn đề giữ khách, làm sao cho khách đến còn quay trở lại. Đấy chính là câu chuyện của chất lượng du lịch.
Ông nói: “Mộc Châu tầm 10 năm trước rất đẹp, dân phượt lên đấy nhiều khiến rác rưởi ở khắp nơi. Nếu mọi người không ý thức, bản thân người làm du lịch không làm nổi. Môi trường pháp lý hay thái độ của người dân cũng đều ảnh hưởng đến chất lượng này. Bởi nếu vừa đặt chân đến sân bay, không có nổi một nụ cười, sao khách có thể cảm thấy thân thiện được”
Tổng Thư ký nhóm công tác Du lịch của VPFS cũng bày tỏ, với Luật Du lịch vừa được Quốc hội thông qua chiều 19/6, du lịch Việt Nam được kỳ vọng sẽ có nhiều khởi sắc. Bởi, Luật đã ra đời từ lâu (trên 10 năm), đến nay đã trở nên lỗi thời, không đáp ứng được nhu cầu thực tế.
“Cho dù chưa hoàn chỉnh, nhưng doanh nghiệp làm du lịch vẫn tha thiết thông qua. Tất nhiên còn nhiều việc phải làm”, ông nói.
Cụ thể, ông cho rằng phải tìm cách phổ biến được luật, làm cho đại bộ phận dân chúng hiểu thấu Luật, phân tích được điểm mới của Luật, cái gì được ưu tiên áp dụng. Bên cạnh đó, cần phải đưa ra được các văn bản dưới Luật, Thông tư, Nghị định hướng dẫ để Luật đi vào cuộc sống. Riêng đối với nhóm công tác Du lịch của VPSF, ông cho biết nhóm nhận định đây là công việc trọng tâm, để triển khai trong thời gian tới.