Dân Singapore hiến kế giúp nước
Văn phòng Thủ tướng Singapore trong ba ngày qua đã “bội thu” sáng kiến trị nước, khi người dân hưởng ứng cuộc thi do ông Lý Hiển Long phát động…
- 17-07-2016Trung tâm tài chính Hồng Kông và Singapore "gánh bão" từ Trung Quốc
- 20-06-2016Singapore ít "khốn khổ" nhất thế giới
- 29-05-2016Tận mắt chứng kiến kế hoạch xây dựng "quốc gia thông minh" của Singapore
Để tham gia cuộc thi, dân Singapore chỉ cần trả lời câu hỏi sau đây trên mạng xã hội (Facebook, Twitter hoặc Instagram): “Bạn sẽ làm gì nếu có thể trở thành thủ tướng Singapore trong 12 giờ?”.
Chỉ trong ngày đầu tiên đã thu hút hàng trăm phản hồi thú vị, thông minh, hài hước và rất đáng suy ngẫm.
Những người xuất sắc nhất sẽ được mời tham gia sự kiện Ngày thông điệp quốc khánh (21-8) trong tư cách khách mời mạng xã hội của ông Lý Hiển Long.
Thủ tướng vi hành
Bắt chước một thói quen của các vị minh quân ngày xưa, rất nhiều ông bà “thủ tướng Singapore” khẳng định sẽ cải trang đi vi hành để hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân.
Cư dân Facebook William Ng mô tả kế hoạch của mình: “Tôi sẽ dùng phương tiện công cộng vào buổi sáng để tiếp xúc với người dân; lắng nghe PMETs (lao động chuyên nghiệp, quản lý, lãnh đạo cao cấp, kỹ thuật viên) trò chuyện trong giờ ăn trưa dọc đường Shenton; ghé thăm các cơ quan chính phủ; đọc tin tức quốc tế trước bữa ăn chiều và lên kế hoạch cho cuộc họp nội các trước khi đi ngủ”.
Cùng ý tưởng, một phụ nữ tên Kok Mei Hui cho biết sẽ cải trang thành nhân viên một số cơ quan công quyền và tư nhân thuộc các lĩnh vực giao thông, môi trường, giáo dục, thể thao... để tìm hiểu và trải nghiệm công việc của họ.
“Nó sẽ giúp tôi đưa ra những chính sách tốt hơn trong tương lai gần” - cô khẳng định.
Một cư dân khác, anh Keith Low, quyết định theo đuổi lý tưởng giải quyết cách biệt giàu nghèo: “Trong 4 giờ: cải trang thành người nghèo và lang thang khắp Singapore; 4 giờ tiếp theo: cải trang thành người giàu và tiếp tục lang thang; 4 giờ cuối: soạn thảo/sửa đổi chính sách xã hội, sắc tộc để giảm khoảng cách giàu nghèo”.
Nhìn chung là một quốc gia phát triển nên cư dân Singapore quan tâm nhiều đến các lĩnh vực an sinh xã hội như giáo dục, y tế...
Có những ý kiến đi kèm giải pháp rất nhân văn mà có lẽ chỉ những người cùng lứa tuổi mới hiểu nhau.
Chẳng hạn của anh Benjamin: “Tôi sẽ rút ngắn thời gian nghĩa vụ quân sự nhưng tăng số lần tái động viên. Điều này giúp giảm khoảng cách tuổi tác giữa các sinh viên nam nữ ở trường đại học, một yếu tố góp phần gây tỉ lệ sinh thấp ở Singapore”.
Bóng bàn hòa giải Biển Đông
Không chỉ quan tâm đến đất nước, người Singapore còn thể hiện một tầm nhìn xa - tư chất không thể thiếu của một nhà lãnh đạo.
Để giải quyết tranh chấp Biển Đông, anh Lim Ngian Sen đề xuất phương án dùng... thể thao làm trọng tài: “Tôi sẽ đưa ra chính sách ngoại giao bóng bàn giữa Mỹ, Trung Quốc và Philippines. Nơi tổ chức là Singapore và lãnh đạo các nước trên sẽ được mời tham dự.
Bởi vì Biển Đông có ổn định thì Singapore mới phát triển... Khi mọi giải pháp đều thất bại thì thể thao có thể là câu trả lời”.
Dù khả thi hay không nhưng ý tưởng trên có thể cho thấy người Singapore, hay rộng hơn là cư dân Đông Nam Á, luôn mong muốn sống trong hòa bình, hợp tác thay vì đối đầu. Nếu có chăng sự cạnh tranh thì họ cho rằng nó không nên diễn ra trên... Trái đất. “Nếu em là thủ tướng Singapore thì em sẽ khởi động chương trình không gian quốc gia và xây dựng một thuộc địa ngoài vũ trụ.
Theo cách này, Singapore sẽ không chỉ là một hòn đảo, chúng ta sẽ ở trên các vì sao và xa hơn nữa!” là điều ước của một cô bé ng.jia.ni viết trên Instagram.
Ai đó có thể cho những suy nghĩ của trẻ con là non nớt, nhưng lịch sử cho thấy một quốc gia tiến lên bao xa, có xa đến không gian hay không đều phụ thuộc vào ước mơ, hoài bão của những mầm non (không phải tham vọng chính trị của người lớn).
Có thể dẫn thêm một lời khuyên từ hai cô bé chừng 6-7 tuổi trên Instagram: “Mấy ngân hàng dùng quá nhiều giấy. Hãy đánh thuế và khuyến khích họ không nên dùng giấy trong tất cả các quy trình”.
Ngày thông điệp quốc khánh là một sự kiện thường niên ở Singapore kể từ năm 1966, diễn ra vào ngày chủ nhật thứ hai sau ngày quốc khánh (9-8).
Thủ tướng Singapore nhân dịp này sẽ chuyển tải đến người dân những thách thức quan trọng của đất nước, phương hướng cho tương lai… Về cơ bản, nó giống với thông điệp liên bang của tổng thống Mỹ.