MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dân số già quá nhanh trước khi giàu, kinh tế Trung Quốc ra sao?

31-05-2017 - 08:32 AM | Tài chính quốc tế

Không giống như Nhật hay phương Tây, người Trung Quốc đã già quá nhanh trước khi họ giàu đủ để xây nên một hệ thống các nhà dưỡng lão cần thiết để đáp ứng cho nhóm dân số già.

Đã nhiều thập kỷ qua, tập đoàn Nestle SA đã cố gắng để bán thật nhiều sản phẩm sữa bột trẻ em vào thị trường Trung Quốc với lời hứa trẻ em sẽ khỏe mạnh, thông minh hơn khi dùng sản phẩm của họ.

Và nay họ đang cố gắng làm tương tự với những người già. Trong tuần trước, tập đoàn đã cho chạy chương trình quảng cáo sữa bột cho người già trên nhiều phương tiện truyền thông.

Với 222 triệu người già trên 60 tuổi, hiện nay Trung Quốc là nước có cộng đồng người già đông đảo nhất thế giới. Kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ vẫn tăng trưởng mạnh trong những năm tới.

Theo nhiều tính toán, đến năm 2050, giá trị hàng hóa dịch vụ phục vụ cho riêng đối tượng người già sẽ có thể lên tương đương 33% GDP Trung Quốc.

Bloomberg dự báo nếu xu thế này tiếp tục, đến giữa thế kỷ hiện tại, ngành dịch vụ chăm sóc cho người già tại Trung Quốc sẽ có quy mô vượt trội. Điều này tiềm ẩn nhiều thách thức đối với chính phủ Trung Quốc nhưng cùng lúc đó cũng tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp.

Đã từ lâu, chính phủ Trung Quốc muốn định hướng lại nền kinh tế theo hướng giảm phụ thuộc vào xuất khẩu và chú trọng nhiều hơn đến tiêu dùng. Người đứng đầu trang du lịch trực tuyến lớn của Trung Quốc, ông Fan Min, dự báo người già sẽ trở thành đối tượng chính của ngành du lịch Trung Quốc trong thập kỷ tới.

Hiện nay, mỗi năm Trung Quốc có 5 triệu khách đi du lịch nước ngoài, và đến năm 2030, con số đó có thể tăng gấp đôi hoặc nhiều hơn nữa. Ngành du lịch Trung Quốc đang phải chuyển mình để thích nghi với đối tượng khách người già này, ví như họ đưa ra thêm nhiều lựa chọn tour du lịch giá rẻ với khách sạn chi phí thấp.

Không chỉ ngành du lịch đang phải tự điều chỉnh khi đối tượng khách cao tuổi đông đảo hơn, hàng loạt các ngành kinh doanh ô tô hay các bán hàng hóa trực tuyến cũng đang phải thích nghi với dân số ngày một nhiều người già của Trung Quốc.

Ngành y tế của Trung Quốc cũng đang thay đổi. Không giống như Nhật hay phương Tây, người Trung Quốc đã già quá nhanh trước khi họ giàu đủ để xây nên một hệ thống các nhà dưỡng lão cần thiết để đáp ứng cho nhóm dân số già. Nhưng khi hệ thống chăm sóc sức khỏe công không đủ để đáp ứng nhu cầu, các doanh nghiệp tư nhân không hề đứng ngoài cuộc.

Doanh nghiệp Trung Quốc đang chạy đua để phát triển các sản phẩm thông minh phục vụ cho người già, ví như các thiết bị có sẵn kết nối Internet để theo dõi sức khỏe của người dùng. Chính phủ Trung Quốc đang chuẩn bị mở rộng thử nghiệm một chương trình cho phép theo dõi các giỏ hàng để đánh giá về nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của đối tượng khách hàng các độ tuổi.

Là một “ông lớn” trong ngành kinh doanh các sản phẩm thiết yếu, Nestle thừa hiểu tất cả những xu thế này. Khi quảng bá về các sản phẩm sữa, Nestle mượn chính câu nói “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Về lâu dài, thái độ đó đồng nghĩa với việc đầu tư nhiều hơn vào các sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Sự tham gia đầu tư quyết liệt của nhóm tập đoàn mạnh bao gồm Alibaba hay Baidu sẽ làm thay đổi ngành chăm sóc sức khỏe Trung Quốc.

Thế nhưng ngành bất động sản được dự báo sẽ chịu tác động mạnh mẽ nhất bởi nhóm dân số già. Tính đến năm 2015, Trung Quốc chỉ có 26 giường bệnh phục vụ cho 1.000 người già. Trong những thập kỷ tới, chính phủ Trung Quốc cũng sẽ không thể nhanh chóng xây dựng thêm được nhiều nhà dưỡng lão để đáp ứng cho nhu cầu của nhóm dân số già. Chính vì vậy cả chính phủ và doanh nghiệp sẽ cần phải sáng tạo hơn mới có thể cung cấp đủ cho nhu cầu của nhóm dân số già.

Đã có nhiều sáng kiến được thử nghiệm và áp dụng, có thể kể đến việc cho dùng thử robot chăm sóc người già ở thành phố Hàng Châu hay hệ thống chăm sóc sức khỏe có kết nối Internet giúp phục vụ nhanh nhất cho nhu cầu khách hàng. Ngoài ra, hệ thống sử dụng chip điện tử và công nghệ để phân tích dữ liệu cũng đang được phát triển rộng rãi hơn.

Với quy mô thị trường cực lớn, doanh nghiệp Trung Quốc sẽ không gặp quá nhiều khó khăn nếu họ muốn sản xuất ra thêm các thiết bị hỗ trợ người già có thể hoạt động tốt ở trong nước cũng như nước ngoài khi người già đi du lịch.

Theo Trung Mến

BizLIVE

Trở lên trên