Dân số lão hóa nhanh, ngành hậu sự ở Nhật Bản lên ngôi
Tại Nhật Bản, ngành dọn dẹp cho người qua đời đang trở thành nghề hot khi dân số nước này đang già đi nhanh chóng và rất nhiều người cao tuổi qua đời lặng lẽ trong căn hộ của họ mà không ai biết.
- 09-02-2018TTCK toàn cầu đỏ lửa, chỉ số Topix Nhật Bản giảm 3,3%
- 30-01-2018Nhật Bản phủ nhận quay lại đàm phán với Mỹ về TPP
- 29-01-2018Đẳng cấp Nhật Bản: Sàn Coincheck tuyên bố lấy tiền túi trả 400 triệu USD cho 260.000 nhà đầu tư bị hack
Ông Hiroaki là một người đàn ông độc thân 54 tuổi sống tại một căn hộ ở Kawasaki- Nam Tokyo. Câu chuyện về người đàn ông này không có gì đặc biệt ngoài việc ông đã qua đời vài tháng trước khi được mọi người phát hiện. Chỉ đến khi chậm thanh toán tiền thuê nhà vài tháng, chủ nhà đến kiểm tra thì mọi chuyện mới vỡ lẽ.
Ban đầu, người ta phát hiện ông Hiroaki tử vong trên một tấm đệm với mùi hôi thối và ruồi bọ bay quanh. Theo kiểm tra ban đầu, các chuyên gia cho rằng ông đã qua đời được khoảng 4 tháng trước khi bị phát hiện.
Ngay sau khi cái xác được dọn đi, công ty Next, chuyên dọn dẹp hậu trường sau khi người chết qua đời, đã được thuê để làm việc.
"Tôi phải nói rằng những trường hợp tử vong độc thân thế này chiếm đến 40% các hợp đồng dọn dẹp của công ty", trưởng nhóm Akira Fujita đến dọn dẹp cho nhà ông Hiroaki nói.
Ngành kinh doanh béo bở
Mỗi quốc gia trên thế giới đều có những trường hợp người già cô đơn qua đời mà không bị phát hiện trong thời gian dài, nhưng chưa có nước nào bị nghiêm trọng như Nhật Bản, quốc gia có dân số lão hóa nhanh nhất thế giới. Hiện hơn 25% dân số nước này đã trên 65 tuổi và tỷ lệ này sẽ đạt 40% vào năm 2050.
Trong đó, số người chất kiểu cô độc như ông có rất nhiều nhưng không được chính quyền Tokyo thống kê do lo ngại các ảnh hưởng đến xã hội. Dẫu vậy, những cuộc khảo sát của các trung tâm địa phương như NLI Reseach Insitute cho thấy khoảng 30.000 người già Nhật qua đời kiểu này mỗi năm.
Tất nhiên, việc ngày càng có nhiều người qua đời khiến ngành kinh doanh dọn dẹp cho người quá cố đang ngày một phát triển ở Nhật. Thậm chí nhiều chủ nhà Nhật đã buộc người cao tuổi thuê nhà phải đóng bảo hiểm cho những dịch vụ dọn dẹp như vậy nhằm thanh toán chi phí hậu táng.
Đáng tiếc thay, trường hợp của ông Hiroaki không đóng loại bảo hiểm như vậy và chủ nhà phải thanh toán 2.250 USD cho công ty Next để họ dọn dẹp sạch sẽ căn hộ. Đây là mức chi phí khá hợp lý khi những nhân viên của Next phải dọn dẹp mớ hỗn độn đầy mùi hôi thôi trong căn phòng hẹp của ông Hiroaki.
Hàng năm, khoảng 1,2 triệu người Nhật tử vong trong khi chỉ có 1 triệu trẻ sơ sinh mới ra đời. Điều này đang khiến các công ty Nhật chuyển hướng kinh doanh rõ rệt sang phân khúc người cao tuổi, đặc biệt là ngành chuẩn bị hậu sự cho người già.
Ước tính của Daichi Life Reseach cho thấy khoảng 1,68 triệu người Nhật sẽ qua đời mỗi năm tính đến năm 2038 và điều này đang kích thích một làn sóng trong doanh nghiệp Nhật. Thị trường hậu sự cho người già ở đây được dự đoán đạt 41 tỷ USD và hiện hơn 200 công ty đã được thành lập để lo nhiều dịch vụ, từ dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị an táng hay thậm chí là địa điểm chôn cất.
"Tại một nơi đông đúc như thủ đô Tokyo, khoảng 30% số người tử vong không có một lễ tang đầy đủ, họ cứ thế bị đem đi chôn cất hoặc hỏa táng", nhà xã hội học Midori Kotani của Daichi Life nói.
Chính bởi vậy, tiềm năng của ngành kinh doanh này được đánh giá là rất lớn. Nói cho cùng, theo những gì ông Kotani nhận định, mỗi người chỉ chết có 1 lần và không ai muốn ra đi lặng lẽ như vậy.
Hậu quả từ cấu trúc xã hội
Quay trở lại câu chuyện của ông Hiroaki, giấy tờ cho thấy người đàn ông này có vợ nhưng đã ly dị. Mặc dù là một kỹ sư lành nghề 20 năm nhưng ông Hiroaki không có hợp đồng dài hạn với một doanh nghiệp nào, qua đó khiến ông không nhận được những trợ cấp xã hội khi ngày một lớn tuổi.
Đội dọn dẹp không biết tại sao ông Hiroaki lại qua đời ở cái tuổi được coi là chưa già ở Nhật Bản, nhưng căn phòng bừa bộn của ông có rất nhiều loại thuốc bỏ lại.
Thông thường ở Nhật Bản, những trường hợp qua đời cô độc như trên chỉ được phát hiện vài tháng sau khi hòm thư của họ đã quá đầy, quá hạn tiền thuê nhà hay những sự kiện buộc người xung quanh phải liên hệ với họ.
Đây là hậu quả của sự thay đổi trong cấu trúc xã hội Nhật. Cách đây không lâu, việc 3 thế hệ sống cùng nhau trong một mái nhà là điều bình thường ở Nhật nhưng ngày càng có nhiều người dân chọn cách sống độc thân, thậm chí tỷ lệ sinh giảm khiến việc sống cùng con cháu ngày càng hiếm tại Nhật.
Tồi tệ hơn, việc giữ lòng tự tôn cũng như tinh thần tự lập cao của người già Nhật khiến họ không muốn nhờ cậy sự giúp đỡ từ người khác. Điều này khiến một lượng lớn lao động gắn bó với công việc lâu năm, ít giao tiếp với xã hội cũng không có con cái trở nên dễ bị bỏ rơi, đặc biệt là với những người độc thân, ly dị hoặc góa bụa.
Theo chuyên gia Kumiko Kanno về xã hội Nhật, hầu hết các lao động nước này gắn bó nhiệt tình với công việc, qua đó khiến họ khó hòa nhập trở lại với xã hội khi đã nghỉ hưu hoặc mở rộng giao lưu. Giới trẻ Nhật ngày nay chú trọng rất nhiều vào sự nghiệp và thường không quan tâm đến gia đình, thậm chí là việc kết hôn. Điều này khiến tỷ lệ người cao tuổi qua đời mà không bị người nhà biết ở Nhật ngày một tăng cao.
Tình hình tồi tệ đến mức nhiều chính quyền địa phương đã phải yêu cầu mọi gia đình trong khu nên để ý đến nhau nhằm tránh tình trạng tử vong lâu ngày gây ảnh hưởng đến cuộc sống xung quanh, đồng thời giúp đỡ những người già neo đơn cô độc. Dẫu vậy, bà Kanno cho rằng điều này không giúp ích nhiều bởi văn hóa của người Nhật thích cuộc sống riêng tư và rất ghét khi bị thay đổi lối sống thường ngày theo thói quen của họ.
Thời Đại