MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dân Thủ đô bức xúc vì nhiều khu đô thị thiếu hạ tầng

18-10-2022 - 08:41 AM | Xã hội

Giám sát của HĐND thành phố Hà Nội chỉ ra, nhiều khu đô thị, khu nhà ở trên địa bàn thành phố hiện chưa đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội như trường học, công viên, cây xanh, hệ thống xử lý nước thải gây bức xúc dư luận và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Theo kết quả giám sát của HĐND thành phố Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 266 dự án khu đô thị, khu nhà ở có quy mô diện tích từ 2 ha trở lên, trong đó có 98 dự án đã cơ bản hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng; 168 dự án đang triển khai đầu tư và đầu tư chưa hoàn chỉnh.

Một số khu đô thị, khu nhà ở sau khi đưa vào khai thác, sử dụng vẫn chưa đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật theo quy định; chưa khớp nối đồng bộ với hạ tầng khu vực. Đáng chú ý, một số dự án công trình hạ tầng xã hội thiết yếu như: trường học, vườn hoa, cây xanh, hồ nước, bãi đỗ xe, khu vui chơi giải trí... chậm triển khai, chưa được đầu tư đồng bộ theo quy hoạch theo dự án được phê duyệt, gây bức xúc dư luận và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.'

Dân Thủ đô bức xúc vì nhiều khu đô thị thiếu hạ tầng - Ảnh 1.

Một ô đất quy hoạch xây trường học bỏ hoang ở phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội)Ảnh: PV

Kết quả giám sát của HĐND thành phố chỉ ra hàng loạt các dự án, khu đô thị còn các tồn tại nêu trên, như Khu đô thị Gamuda (Hoàng Mai, Hà Nội), hiện còn một số đường kết nối thi công dở dang nhiều năm nay: Khu đô thị mới Dịch Vọng (Cầu Giấy) triển khai đã 20 năm nhưng có một con đường trong khu đô thị dài 500 mét làm mãi không xong. Nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố thuộc trách nhiệm của các chủ đầu tư các khu đô thị nhưng không có đèn chiếu sáng, ảnh hưởng đến an toàn giao thông, an ninh trật tự như tại Khu đô thị Việt Hưng, Khu đô thị Đặng Xá...

Nhiều khu đô thị cũng bị nhắc tên vì “quên” đầu tư Trạm xử lý nước thải, để nước thải sinh hoạt của hàng vạn người dân đổ trực tiếp ra các con sông Hà Nội… Bên cạnh đó là tình trạng không đầu tư công viên, cây xanh theo quy hoạch; các ô đất quy hoạch trường học bị bỏ hoang, nhiều ô đất quy hoạch thành trường học là đất nghĩa trang, mặt nước nên khó giải phóng mặt bằng…

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho rằng, theo quy định, các khu đô thị, khu nhà ở phải hoàn thiện các hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trước khi cho người dân vào ở. Tuy nhiên, người dân nhiều khi có mong muốn sớm nhận nhà để ở, nên dẫn đến tình trạng nhiều dự án đưa dân vào ở trong khi hạ tầng kỹ thuật chưa được đấu nối, hoàn thiện, hạ tầng xã hội như trường học, y tế chưa đồng bộ.

“Giai đoạn 2012 - 2015, Sở kiểm tra 120 khu đô thị, cơ bản 40% thực hiện đồng bộ, đáp ứng tiến độ, còn 60% là chậm”, ông Phong nói, đồng thời cho biết, trong 3 năm qua đã phối hợp với các địa phương, kiểm tra 97 khu đô thị, xử phạt vi phạm trên 3 tỷ đồng…Để giải quyết tình trạng này, ông Phong nêu, Sở đã tham mưu cho thành phố đưa ra các nhóm giải pháp, rà soát lại toàn bộ các dự án, yêu cầu bố trí đủ các hạ tầng cần thiết, yêu cầu chủ đầu tư cam kết thời gian cụ thể thực hiện…

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, sắp tới UBND thành phố sẽ quyết liệt trong vấn đề “đồng bộ” hạ tầng. Tuy nhiên, ông Thanh thừa nhận, hiện nay, không ai làm hạ tầng trước. “Như ở Gamuda, đất công để làm trường có, nhưng giá đầu tư hiện nay không ai có thể vào để trả dịch vụ hằng tháng. Nhà nước không có cơ chế để giải quyết vấn đề này. Có thể xây được nhưng không thể duy trì hằng tháng được”, ông Thanh nói.

Theo Trường Phong

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên