MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dân trắng tay vì thủy sản chết hàng loạt, nghi vấn do sự cố nhà máy đường xả thải

19-03-2017 - 08:52 AM | Thị trường

Người nuôi trồng thủy sản xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đang “khóc ròng” vì thủy sản nuôi chết hàng loạt, gây thiệt hại nặng nề. Người dân tố cáo Nhà máy Đường Khánh Hòa xả nước thải tràn ra đầm Thủy Triều, sau đó bà con lấy nước vào ao nuôi dẫn đến tình trạng cá chết.

Bỗng dưng trắng tay

Chúng tôi có mặt tại vùng nuôi tôm, cá, ốc hương... thuộc thôn Tân Qúy, xã Cam Thành Bắc, nằm ở phía bắc sau Nhà máy Đường Khánh Hòa (thuộc Công ty CP Đường Khánh Hòa) đóng trên địa bàn. Hiện cả vùng nuôi thủy sản rộng lớn nhưng vắng bóng người.

May mắn, chúng tôi gặp anh Lê Kim Phụng, một người nuôi cá ở khu vực này, hỏi thăm mới biết do thủy sản đang nuôi vừa chết hàng loạt, nên bà con đã bỏ ao trở về nhà hết rồi.

Anh Phụng cho biết, người dân bị thiệt hại nặng do lấy nước cấp vào ao
Anh Phụng cho biết, người dân bị thiệt hại nặng do lấy nước cấp vào ao

Anh Phụng kể: Sự việc xảy ra vào đêm 12/3, sáng ngày 13/3, hệ thống xử lý nước thải tại Nhà máy Đường Khánh Hòa gặp sự cố nước thải với khối lượng lớn đã tràn ra cống thoát và thấm qua tường rào của nhà máy, rồi tràn ra đầm Thủy Triều. Chỉ sau thời gian ngắn, cá, tôm tự nhiên trong đầm và các ao nuôi của người dân do lấy nước cấp vào ao chết sạch. Người thiệt hại ít hàng chục triệu, còn nhiều lên đến cả trăm triệu đồng.

“May cho gia đình tôi chỉ thiệt hại 2 sào tôm vừa mới thả, gần 40 triệu đồng, chứ những hộ nuôi ốc hương xung quanh thì thiệt hại nặng nề lắm”, anh Phụng nói.

Dẫn chúng tôi đến các ao nuôi khác, trên đường đi anh Phụng chỉ những xác ốc, cá, tôm, ghẹ... chết nằm la liệt đang trong giai đoạn phân hủy. Đến ao nuôi ốc hương và nuôi tôm của hộ anh Lê Minh Kha, anh cho biết, vụ này anh nuôi 3 sào ốc hương và 2,5 sào tôm thẻ chân nhưng đều chết sạch, ước thiệt hại hơn 400 triệu đồng, chưa kể công chăm sóc.

Anh Kha chỉ ao ốc nuôi bị chết sạch
Anh Kha chỉ ao ốc nuôi bị chết sạch

Không chỉ thủy sản ở thôn Tân Qúy bị chết, mà các vùng nuôi khác trong xã như các thôn Suối Cam, Tân Thành cũng bị thiệt hại. Trong đó hộ thiệt hại nặng nhất phải kể đến gia đình ông Nguyễn Văn Phúc, thôn Suối Cam.

Ông Phúc bị thiệt hại hơn 1 tỷ đồng
Ông Phúc bị thiệt hại hơn 1 tỷ đồng

Theo ông Phúc, ngày 13/3 do gia đình không biết nên lấy nước vào ao, sau đó té ngửa tôm, ốc đều lăn đùng ra chết. Tổng thiệt hại khoảng 1,2 tỷ đồng, cụ thể hơn 4 sào ốc nuôi đã đạt kích cỡ khoảng 120 con/kg, tương đương 4 tấn, với giá hiện nay trên 250.000 đồng/kg và hơn 4 sào tôm thả 32 vạn, gần 200 triệu đồng.

“Từ khi tôm chết gia đình tôi mất ăn, mất ngủ vì bao nhiêu vốn liếng và công sức bỏ ra giờ mất sạch”, giọng ông Phúc buồn rầu nói.

Dân yêu cầu nhà máy bồi thường thiệt hại

Trước sự việc xảy ra gây thiệt hại lớn, nguyện vọng của người dân nơi đây là mong muốn chính quyền các cấp nhanh chóng vào cuộc yêu cầu nhà máy phải bồi thường cho người nuôi.

Nhà máy đường Khánh Hòa gần khu nuôi trồng thủy sản của người dân
Nhà máy đường Khánh Hòa gần khu nuôi trồng thủy sản của người dân

“Là nông dân chúng tôi đã khổ rồi. Hơn nữa vốn liếng nuôi trồng thủy sản là rất lớn, chúng tôi đâu có nhiều tiền, chủ yếu vay mượn từ ngân hàng để đầu tư, giờ bỗng trắng tay. Chúng tôi kiến nghị chính quyền can thiệp giúp chúng tôi nhanh chóng được bồi thường”, nhiều người nuôi trồng ở xã Cam Thành Bắc tha thiết.

Sau khi ghi nhận tại thực tế, chúng tôi làm việc UBND xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm, được biết chính quyền đang phối hợp cơ quan chức năng thống kê mức thiệt hại.

Tiếp tục làm việc Sở TN-MT tỉnh, ông Bùi Minh Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Khánh Hòa cho biết, sau khi sự cố xảy ra Sở TN-MT đã có mặt tại hiện trường để chỉ đạo nhà máy khắc phục hậu quả. Bước đầu Sở ghi nhận lượng nước thải từ nhà máy tràn ra đầm Thủy Triều với khối lượng lớn. Do đó cá tôm tự nhiên và một số ao nuôi trồng gần đó thủy sản bị chết.

“Ngay sau khi sự việc xảy ra, sáng ngày 13/3 chúng tôi đã yêu cầu nhà máy dừng mọi hoạt động sản xuất, đồng thời thực hiện các biện pháp xử lý môi trường. Theo đó, yêu cầu nhà máy bịt tất cả đường nước rò rỉ, không để tràn nước thải thêm ra bên ngoài.

Cá tự nhiên cũng chết
Cá tự nhiên cũng chết

Đồng thời triển khai đào ao chứa (lót bạc) trong khuôn viên, rồi tiến hành bơm nước vào các ao chứa nước thải trong nhà máy dùng vi sinh để xử lý; vệ sinh toàn bộ các khâu sản xuất, ao chứa và khuôn viên nhà máy. Sau 10 ngày khắc phục xong phải báo cáo Sở xuống kiểm tra, nếu đạt yêu cầu mới cho nhà máy hoạt động trở lại”, ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, ngày 14/3, Sở TN-MT tiếp tục thành lập đoàn kiểm tra gồm Sở NN-PTNT, Sở Công thương, UBND huyện Cam Lâm, UBND xã Cam Thành Bắc làm việc với nhà máy để nắm lại tình hình, xác định nguyên nhân. Qua kiểm tra, lỗi này từ ý thức chủ quan của nhà máy trong quá trình vận hành.

Theo ông Bùi Minh Sơn, cho đến nay vẫn chưa thống kê hết thiệt hại. Tuy nhiên Chi cục đã thông báo cho nhân dân trong huyện biết việc này để không lấy nước từ đầm Thủy Triều vào ao nuôi thủy sản. Sau khi các địa phương thống kế được thiệt hại, xác định từng hộ, diện tích thì Chi cục sẽ trình lên UBND tỉnh để xem xét, yêu cầu nhà máy bồi thường cho dân.

Theo Kim Sơ

Nông nghiệp Việt Nam

Trở lên trên