Dân Trung Quốc bán sạch cổ phiếu, tháo chạy khỏi bất động sản để tích trữ 16 nghìn tỷ đô tiền mặt
Giữa bối cảnh thị trường biến động mạnh, mọi kênh đầu tư đều mang lại rủi ro lớn, các hộ gia đình Trung Quốc ồ ạt gửi tiền vào tài khoản tiết kiệm.
Trong nhiều thập kỷ, một cách chắc chắn giúp các gia đình ở Trung Quốc trở nên giàu có hơn và đảm bảo có nguồn tài chính ổn định trong tương lai là đầu tư phần lớn tài sản vào bất động sản và số còn lại là vào thị trường chứng khoán.
Giờ đây, ngay cả những người "rủng rỉnh" túi tiền cũng đang "giữ chặt" tiền mặt. Họ không muốn chịu rủi ro khi đầu tư trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc gặp bất ổn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Giá nhà ở Trung Quốc liên tục sụt giảm kể từ tháng 8. Cổ phiếu và các quỹ tương hỗ cũng không phải là cơ hội đầu tư sinh lời tốt. Trong khi đó, nhà đầu tư cũng khó có thể tiếp cận thị trường quốc tế và thị trường tiền số. Do đó, người dân nước này đang gửi tiền vào tài khoản tiết kiệm dù lãi suất tiền gửi vẫn ở mức thấp kỷ lục.
Harry Kong - một giám đốc điều hành ngành ngân hàng ở Thượng Hải, cho biết lợi nhuận đầu tư chứng khoán của ông từ năm ngoái nay đã mất sạch. Ông chia sẻ mình đang có quan điểm bi quan nhất trong 20 năm đầu tư cổ phiếu. Kong nói: "Những gì tôi có thể làm trong năm nay là ngồi im và gửi tiền vào tài khoản tiết kiệm ở các ngân hàng lớn. Dù lãi suất huy động có thấp đến đâu thì ít nhất tiền của tôi vẫn an toàn."
Kong và những người khác ở Trung Quốc đang trải qua một môi trường đầu tư đầy khó khăn và bất ổn. Họ gặp nhiều rủi ro khi đặt ra kế hoạch cho tương lai do những đợt phong tỏa phòng dịch kéo dài.
Một số nhà phân tích dự đoán nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng hơn 4% trong năm nay. Các nhà kinh tế của Bloomberg ước tính tốc độ tăng trưởng trong năm nay chỉ đạt 2%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu của chính phủ là 5,5%.
Chứng khoán Trung Quốc cũng đang ở thị trường giá xuống và CSI 300 đã giảm 18% từ đầu năm đến nay. Nguyên nhân là do chính sách zero Covid nghiêm ngặt và những đợt siết chặt quy định với doanh nghiệp tư nhân, khiến tâm lý nhà đầu tư sụt giảm.
Wei He - nhà kinh tế học tại Gavekal Research, nhận định: "Dù bạn có giàu có đến đâu, thì thời điểm ‘vàng’ để gửi tiền và tăng giá trị khối tài sản đã biến mất."
Clawde Yin - người dân Thượng Hải, chia sẻ: "Bạn không có lựa chọn đầu tư nào khác. Tôi chẳng biết làm gì khác ngoài chờ đợi và tiếp tục theo dõi."
Gần 90% số tiền tiết kiệm của Yin được đầu tư vào bất động sản, phần còn lại là vào cổ phiếu. Bất chấp những bất ổn trên thị trường địa ốc, Yin nói rằng anh sẽ không rót nhiều tiền vào cổ phiếu ở thời điểm này. Đối với Yin, cả 2 lựa chọn đều dễ bị ảnh hưởng bởi việc chính phủ thay đổi chính sách.
Doanh số bán nhà mới tại Trung Quốc liên tục sụt giảm trong năm nay.
Với tâm lý này, giá trị tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng Trung Quốc đã tăng lên 109,2 nghìn tỷ NDT (16,3 nghìn tỷ USD) vào cuối tháng 4. Tiền gửi ở Trung Quốc - một trong những quốc gia có tỷ lệ tiết kiệm cao nhất thế giới, đã tăng 7% trong 4 tháng đầu năm nay, so với 5,5% cùng kỳ năm ngoái.
Trong vài thập kỷ qua khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới phát triển và bùng nổ, việc mua một ngôi nhà và chờ giá trị của nó tăng lên là cách chắc chắn để người dân Trung Quốc thuộc hầu hết các tầng lớp đầu tư cho tương lai. Hơn 70% tài sản của người dân nước này gắn liền với bất động sản.
Song, quan điểm đó đã thay đổi trong năm qua khi chính phủ nước này nỗ lực giảm thiểu tình trạng vay nợ và đầu cơ quá nhiều trên thị trường nhà ở. Lĩnh vực này đã chao đảo do một loạt vụ vỡ nợ của các nhà phát triển lớn như Evergrande, làm lung lay niềm tin của nhà đầu tư và khiến giá bán nhà mới sụt giảm. Ngoài ra, tăng trưởng các khoản vay bất động sản cũng đã chậm lại với tốc độ thấp chưa từng có vào cuối tháng 3.
Bắc Kinh đang nỗ lực phát triển thị trường vốn trong nước và hạn chế tình trạng đầu cơ bất động sản. Theo đó, dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán và các sản phẩm tài chính khác có thể sẽ tăng lên trong dài hạn. Tuy nhiên, theo nhà kinh tế học He, điều mà giới chức mong đợi sẽ chưa mang lại hiệu quả tức thì đối với việc tăng giá trị tài sản ở bối cảnh hiện tại. Hơn nữa, diễn biến của thị trường chứng khoán cũng không hề thuận lợi.
Một phần nguyên nhân gây ra sự sụt giảm đó là mục tiêu "thịnh vượng chung" của Chủ tịch Tập Cận Bình. Chiến dịch này được thực hiện trên phạm vi rộng, nhắm đến một số ngành và một số nhân vật thuộc giới tinh hoa Trung Quốc để giải quyết chênh lệch giàu nghèo. Việc thúc đẩy mục tiêu này đã ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, có lúc lĩnh vực công nghệ mất 1 nghìn tỷ USD vốn hoá.
Li Ming - chủ một xưởng sản xuất giày nhỏ ở thành phố Thái Châu, nói rằng ngân hàng đang là nơi cất giữ tiền an toàn nhất đối với ông. Ông nói rằng, việc gửi tiền không phải là khoản đầu tư tối ưu nhất mà ông tin đó là lựa chọn an toàn nhất. Ông cũng có kế hoạch rút tiền từ các sản phẩm quản lý tài sản sớm nhất có thể và gửi vào tài khoản tiết kiệm.
Ông đã đầu tư 60% tiền tiết kiệm vào các sản phẩm đó - kênh được các ngân hàng tư vấn cho những hộ gia đình ít có kinh nghiệm đầu tư. Ming nói: "Khoản đầu tư chứng khoán của tôi đã mất 50% giá trị. Tôi không muốn mạo hiểm thực hiện những giao dịch khác."
Grace Liu, 36 tuổi, làm việc tại một công ty đầu tư ở tỉnh Hồ Bắc, nằm trong số những người mất rất nhiều tiền trong vài tháng gần đây. Thị trường xoay chiều đã khiến công ty của Liu rơi vào cảnh khó khăn và không thể trả lương cho cô. Hiện tại, cô phải xoay xở từng đồng để trả tiền thế chấp và nuôi chồng cùng 2 con nhỏ.
Liu đang muốn rút tiền khỏi thị trường vì các khoản đầu tư đều thua lỗ. Trong khi đó, chồng cô kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng - khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi các đợt phong toả. Liu chia sẻ: "Bạn làm sao tìm được hình thức quản lý tài sản nào đáng tin cậy vào thời điểm này. Tôi đã đổ tiền vào cổ phiếu và giờ chẳng còn gì."
Các quy định kiểm soát vốn chặt chẽ cũng khiến người dân Trung Quốc khó chuyển tiền ra nước ngoài để tìm kiếm những cơ hội khác. Hơn nữa, kiến thức về thị trường nước ngoài còn hạn chế cũng là yếu tố ngăn cản họ đầu tư vào địa điểm khác. Dù người dân Trung Quốc có thể đầu tư chứng khoán nước ngoài thông qua các quỹ được chính phủ phê duyệt, nhưng nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng không biết bắt đầu tư đâu, theo ông He.
He nói: "Tôi không chắc nhà đầu tư hiện tại có nhu cầu tìm kiếm lợi nhuận lớn hơn ở thị trường nước ngoài. Đó là bởi họ vẫn thiếu kiến thức về mảng này."
Tham khảo Bloomberg