MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dân văn phòng ít chạy bộ, toàn chạy deadline: Hậu quả không ngờ, nguy cơ ảnh hưởng tế bào não

07-09-2022 - 00:01 AM | Sống

Dân văn phòng ít chạy bộ, toàn chạy deadline: Hậu quả không ngờ, nguy cơ ảnh hưởng tế bào não

Rất nhiều người đang phải đối mặt với những hậu quả tiêu cực từ áp lực công việc, khiến sức khỏe bị ngày một tàn phá.

Nhiều deadline - Ít sáng tạo, tăng căng thẳng hơn

Xã hội hiện đại đã quen với nhịp sống nhanh, sống vội. Chúng ta luôn được định hướng bởi những deadline mà không biết rằng, hậu quả đem lại cho sức khỏe vô cùng lớn.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, các thời hạn như vậy sẽ ngày càng giết chết tế bào não, làm giảm khả năng sáng tạo, gây ra căng thẳng liên quan đến suy nhược sức khỏe của một người. 

Tệ hơn nữa, nó dẫn tới một vòng lặp luẩn quẩn và khiến một người phụ thuộc vào các loại đồ uống có chất kích thích thần kinh. Chẳng hạn như, một người đàn ông chưa hoàn thành công việc kịp deadline, anh ta quyết định thức đêm để làm cho xong. Để chống lại cơn buồn ngủ và làm việc tập trung hơn, anh ta sử dụng một vài cốc cà phê. Rạng sáng hôm đó, anh ta kịp hoàn thiện nhiệm vụ trước hạn cuối, nhưng hậu quả là ngày hôm sau, anh ta quay trở lại làm việc trong trạng thái lờ đờ, mệt mỏi. Điều này đương nhiên sẽ ảnh hưởng tới hiệu suất công việc. Cuối cùng, anh ta tiếp tục phải sử dụng thêm cà phê để duy trì sự tỉnh táo suốt cả ngày dài, đồng thời phải đối mặt với tình trạng “deadline dí sát nút”.

Dân văn phòng ít chạy bộ, toàn chạy deadline: Hậu quả không ngờ, nguy cơ ảnh hưởng tế bào não - Ảnh 1.

Vòng lặp luẩn quẩn này khiến cho chúng ta phải chịu áp lực căng thẳng hơn. Khi cơ thể nhận ra sự tồn tại của một mối đe dọa, nó sẽ “giải cứu” bằng cách bơm nguồn caffeine tự nhiên của cơ thể — cortisol và tất cả các hóa chất tuyến thượng thận khác hoạt động như nút tăng áp của cơ thể. 

Sự biến đổi tương tự cũng xảy ra với não của chúng ta khi chúng ta bị áp lực thời gian. Hạch hạnh nhân trong não phình ra và thùy trán co lại. Cảm xúc của chúng ta dâng cao và hormone căng thẳng ngập tràn cơ thể. Tất cả những điều này tích lũy theo thời gian sẽ tạo ra gánh nặng lớn cho sức khỏe. Các chức năng điều hành ở thùy trán, nơi hình thành tư duy hợp lý và suy luận logic, cũng hoạt động kém hiệu quả hơn. 

Những thay đổi của não cũng ảnh hưởng đến cơ thể. Chúng ta có thể sẽ phải đối mặt với các vấn đề về tiêu hóa, nguy cơ bị tiểu đường, rối loạn thiếu tập trung…

Dân văn phòng ít chạy bộ, toàn chạy deadline: Hậu quả không ngờ, nguy cơ ảnh hưởng tế bào não - Ảnh 2.

Giải pháp là gì?

Bắt đầu từ chế độ ăn uống và dinh dưỡng của bạn 

Dù đối mặt với áp lực công việc, mọi người cũng nên cố gắng cắt giảm lượng caffeine, đường và carbs nạp vào cơ thể mỗi ngày. Thay vào đó, bạn có thể tận dụng những phương pháp nâng cao tinh thần, duy trì sự tỉnh táo tự nhiên mà vẫn đảm bảo hiệu quả. Chẳng hạn như tập thể dục, cải thiện giấc ngủ, thiền, nghe nhạc…

Trong chế độ dinh dưỡng, bạn có thể uống một số loại vitamin tổng hợp tốt và đảm bảo bạn bổ sung các axit béo omega thiết yếu với liều lượng thích hợp, theo chỉ dẫn của chuyên gia sức khỏe. Thường xuyên bổ sung dưỡng chất sẽ giúp cơ thể được bảo vệ tốt hơn, góp phần chữa lành một số tổn thương và ngăn ngừa các vấn đề khác. Đừng quên uống nhiều nước mỗi ngày.

Dân văn phòng ít chạy bộ, toàn chạy deadline: Hậu quả không ngờ, nguy cơ ảnh hưởng tế bào não - Ảnh 3.

Làm việc hiệu quả hơn để tránh áp lực về thời gian

Thay vì thiếu tập trung cả ngày, nhàn nhã suốt một thời gian dài, đến lúc sát hạn chót mới bắt đầu vội vàng làm việc, bạn nên thay đổi thói quen công việc của mình. Hãy tập trung vào nhiệm vụ ngay từ đầu. Khi có thời gian dư dả, bạn sẽ đầu tư được nhiều tâm huyết, nâng cao chất lượng công việc. Đồng thời, khả năng sáng tạo và đổi mới cũng hoạt động hiệu quả hơn. 

Điều này không chỉ làm giảm áp lực mà não bộ phải gánh chịu, cũng có lợi hơn cho việc bảo vệ sức khỏe của mỗi người.

Dành thời gian để thư giãn, nghỉ ngơi

Trong lối sống hiện đại đầy hối hả, bạn đừng quên dành cho mình một khoảng thời gian rảnh rỗi. Bạn không cần đặc biệt làm gì cả, chỉ ngồi một chỗ (không gian thiên nhiên trong lành là tốt nhất), hít thở thật sâu, giải phóng tâm trí khỏi những suy nghĩ bộn bề. 

Thỉnh thoảng, sau một giờ đồng hồ tập trung làm việc, bạn nên dành ra khoảng 30 giây đến 1 phút để nghỉ ngắn, nhìn ngắm khung cảnh ngoài cửa sổ hoặc mọi người xung quanh. Những điều này đều rất đơn giản, nhưng lại thường bị chúng ta bỏ quên. Đó không chỉ giúp đôi mắt và não bộ có thời gian nghỉ ngơi, mà còn đóng vai trò như một “liều vitamin” cho tinh thần. 

Những thói quen nghỉ ngơi điều độ như vậy giúp ích cho sức khỏe một cách đáng kinh ngạc, chẳng hạn như điều hòa huyết áp, giảm căng thẳng và tăng cường chức năng miễn dịch — cùng với khả năng hồi phục kỳ diệu sau căn bệnh hiểm nghèo. Ngoài ra còn có rất nhiều nghiên cứu có liên quan tới việc nâng cao khả năng sáng tạo, khơi dậy nguồn cảm hứng khi bạn sở hữu tinh thần tích cực.

Dân văn phòng ít chạy bộ, toàn chạy deadline: Hậu quả không ngờ, nguy cơ ảnh hưởng tế bào não - Ảnh 4.

Tập thể dục để nâng cao sức khỏe

Tập thể dục là cần thiết để duy trì sức mạnh cơ bắp, ngăn ngừa các bệnh mãn tính và đồng thời, nó cũng có thể giúp tăng cường trí nhớ kỹ năng tư duy của bạn theo cả hai cách, trực tiếp và gián tiếp. 

Tiến sĩ Scott McGinnis, một giảng viên về thần kinh học tại Trường Y Harvard cho biết: Tập thể dục giúp kích thích các thay đổi sinh lý như giảm kháng insulin và viêm nhiễm, cùng với việc khuyến khích sản xuất các yếu tố tăng trưởng - các chất hóa học ảnh hưởng đến sự phát triển của các mạch máu mới trong não. 

Nhờ vậy, việc duy trì thói quen tập thể dục thường xuyên với cường độ vừa phải trong sáu tháng hoặc một năm có liên quan đến sự gia tăng khối lượng của các tế bào não mới.

Bên cạnh đó, thường xuyên vận động cũng là một cách cải thiện tâm trạng và giấc ngủ, giảm căng thẳng và lo lắng. Đây cũng chính là những nguyên nhân thường xuyên gây ra hoặc góp phần làm suy giảm nhận thức. 

Một nghiên cứu của Đại học Gothenburg (Thụy Điển) đăng trên tạp chí Neurology cũng cho thấy, thói quen này có thể làm tăng kích thước của vùng đồi hải mã và vỏ não trước, nơi dễ xảy ra các bệnh thoái hóa thần kinh như mất trí nhớ và Alzheimer. Như vậy, tập thể dục giống như một phương pháp tăng cường sức khỏe não bộ và không tốn tiền.

Tránh tâm lý cầu toàn quá mức

Không ai có thể mãi mãi hoàn hảo. Chủ nghĩa hoàn hảo có cách làm tăng căng thẳng hơn bất cứ điều gì vì tiềm ẩn đằng sau đó là nỗi sợ hãi về sự sai lầm và thất bại. 

Để giải quyết vấn đề này, bạn nên tận hưởng công việc của mình nhiều hơn. Hãy vui vẻ ngay trong quá trình lao động, sau đó đón nhận thành quả mà bản thân đã nỗ lực hết mình để đạt được. Đồng thời, hãy đối mặt với nỗi sợ hãi một cách thẳng thắn. Từ đó, bạn sẽ học hỏi thêm kinh nghiệm và kỹ năng cho bản thân. 

*Theo Psychology Today


Phương Thuý

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên