MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dân văn phòng quản lý tài chính thế nào với những khoản chi lặt vặt?

25-08-2022 - 09:54 AM | Lifestyle

Dân văn phòng quản lý tài chính thế nào với những khoản chi lặt vặt?

Đừng xem thường những khoản chi nhỏ nhưng khiến bạn mất 1 số tiền lớn trong tương lai.

Nhiều người quan niệm rằng đi làm nhưng không rủ đồng nghiệp ăn xế xem như là một thiếu sót trong trải nghiệm công sở. Song, cũng không ít người từng chia sẻ rằng bản thân đáng lẽ có thể tiết kiệm được số tiền không nhỏ nếu không thường xuyên ăn vặt đến vậy.

Những lần chi tiêu tưởng như ít ỏi này sau khi cộng gộp lại mỗi tháng đã chiếm phần lớn trong khoản chi của người trẻ, thậm chí nhiều người tiêu sạch tiền lương cho trà sữa, cà phê.

Có những ngày tiền ăn vặt còn nhiều hơn lương đi làm

"Ăn xế" hay rủ đồng nghiệp cùng ăn trưa là những hoạt động thường thấy trong môi trường công sở. Diệu Ly, 25 tuổi, cũng không nằm ngoài số đó. Một tuần đi làm 6 ngày, cô bạn đều được đồng nghiệp rủ gọi quà chiều. Mỗi lần ăn vặt sẽ tốn khoảng 20-30k, nếu có ăn trưa thường dao động từ 50k - 100k.

Dân văn phòng quản lý tài chính thế nào với những khoản chi lặt vặt? - Ảnh 1.

Gần như mỗi ngày Diệu Ly đều ăn vặt cùng đồng nghiệp (Ảnh: NVCC)

Cũng giống như Diệu Ly, Giang Lê, 23 tuổi, là kiểu không chịu được nếu trong lúc làm việc không có đồ uống. Thế nên hầu như ngày nào mình cũng phải gọi giao hàng đồ uống, hôm thì trà sữa, hôm thì cafe, sữa chua uống, hoặc các loại nước giải khát có vị.

"Bên cạnh đó, mình rất ít khi nấu ăn ở nhà do mất thời gian chuẩn bị mà lúc đi làm lại phải tay xách nách mang nhiều đồ đạc. Vì thế hầu như mình chọn ăn ngoài chứ không có chuẩn bị đồ ăn gì mang đi. Tính ra lương 5 triệu, nhưng 1 ngày mình phải tiêu từ 100-150k/ ngày cho đồ ăn đấy chứ. Vì tính cả ăn sáng, ăn trưa và đồ uống nữa", Giang Lê chia sẻ. Song, để có thể chi tiêu như vậy bởi vì cô bạn 23 tuổi không chỉ thu nhập 1 nguồn, mà còn nguồn thụ động khác ngoài công việc chính nên khoản chi này vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Những bài đăng về chuyện đi làm 1 ngày lương không đủ trả tiền ăn trên MXH, Giang Lê cũng là một trong số những bạn trẻ đó. "Mình nghĩ là khá nhiều lần lương trong 1 ngày của bản thân không đủ trả cho chuyện ăn uống. Có những hôm mình cùng đồng nghiệp hay rủ nhau ăn ngoài, hoặc có hôm tà tà chiều lại muốn tụ tập ăn uống gì đó để "xôm" hơn. Một phần cũng vì chúng mình khá thân nhau, những cuộc vui đó mình thấy xứng đáng để kết nối, thân càng thêm thân".

Diệu Ly là người không quá chi li trong việc chi tiêu, cũng không thói hoạch định mỗi tháng tiêu vào những khoản nào. "Hơn nữa, mình thuộc tuýp người thích ăn vặt và ham vui, khá thoải mái nên thường ít khi từ chối những lời rủ rê của đồng nghiệp. Mỗi lúc như vậy, mình đều nghĩ "Chắc 1 - 2 ngày thôi nên không ảnh hưởng gì đâu" hoặc là "sắp có lương rồi cứ ăn thoải mái đi". Giống Diệu Ly, với Hoàng Linh những bữa xế là khoản thưởng cho 1 ngày làm việc vất vả, giúp tỉnh táo và có năng lượng làm việc hơn.

Mặt khác, không phải ai cũng có những người chi tiêu nhiều đến vậy cho các bữa xế. Mỹ Linh, 23 tuổi, chia sẻ "Mình và đồng nghiệp đều làm công ăn lương nên cũng rất cẩn thận với các chi tiêu mỗi tháng. Chỉ những dịp đặc biệt như liên hoan hoặc sinh nhật thì bọn mình mới chi các khoản lớn, với các bữa xế mình sẽ chi tiêu tiết kiệm hơn".

Dân văn phòng quản lý tài chính thế nào với những khoản chi lặt vặt? - Ảnh 2.

Mỹ Linh cố gắng chi tiêu tiết kiệm hơn với những lần ăn vặt trên văn phòng (Ảnh: NVCC)

Làm sao để không chi tiêu quá nhiều cho những khoản lặt vặt?

Cho dù những bữa xế là cách để kết nối giữa đồng nghiệp với nhau hay phần thưởng cho 1 ngày làm việc vất vả, nhưng nếu tần suất chi tiêu quá nhiều cũng sẽ gây ảnh hưởng đến tài chính cá nhân. Không khó để bắt gặp những bạn trẻ cuối tháng chưa đến nhưng đã tiêu sạch tiền lương phần lớn là cho trà sữa, cà phê.

Theo Hoàng Linh, câu chuyện dân văn phòng chi tiêu bao nhiêu tiền cho ăn vặt còn tùy thuộc vào mỗi người. "Điều quan trọng là chúng ta quản lý khoản chi như thế nào, không nên vượt quá mức nhất định, mức cụ thể ra sao thì tùy thu nhập mỗi người. Ví dụ như với mình, mình sẽ không bỏ quá 1,5 triệu đồng cho những lần ăn vặt văn phòng này hàng tháng. Nếu vượt quá số tiền, mình sẽ chủ động "nhịn" vào cuối tháng".

Dân văn phòng quản lý tài chính thế nào với những khoản chi lặt vặt? - Ảnh 3.

Hoàng Linh cố gắng thực hiện đúng ngân sách ăn vặt đã đề ra (Ảnh minh hoạ: Pinterest)


Mỹ Linh cho rằng để có thể tránh hoàn toàn những bữa ăn xế cùng đồng nghiệp là gần như không thể. Song, vẫn có cách để giảm khoản chi này xuống. "Bạn hoàn toàn có thể thay vì gọi trà sữa ở ngoài hãy tự chuẩn bị nước ép, giảm tần suất ăn bánh ngọt ở cửa hàng bằng cách tự làm những món ăn lành mạnh với sức khoẻ hơn. Như vậy vừa giảm được chi phí cho ăn vặt, vẫn có thể kết nối với mọi người mà còn tốt hơn cho cơ thể mình, không sợ bị béo lên".

Sau những ngày chi tiêu rất nhiều cho ăn vặt, Giang Lê chia sẻ rằng bản thân cũng bắt đầu có ý thức hơn trong chuyện tiết kiệm. "Với mình, đặt ra rằng 1 tháng nên chi tiêu bao nhiêu cho bữa xế là rất khó vì mình khá lười theo dõi ngân sách. Song, mình nhận ra hạn chế 1 ngày chi tiêu bao tiền cho ăn vặt khá hiệu quả với mình. Chẳng hạn, mình chỉ chi 30k/ ngày cho bữa xế, vậy nếu mình uống 1 cốc trà sữa 60k hôm nay, ngày mai đi làm mình sẽ không tiêu cho ăn vặt nữa".

Cô bạn 23 tuổi cũng nhấn mạnh rằng không cần phải ngại khi nói "không" với đồng nghiệp. Hơn thế nữa, hãy tự động gửi tiền vào tiết kiệm hoặc đầu tư ngay khi có lương hoặc những nguồn thu nhập khác để tránh cho những lần chi tiêu mất kiểm soát cho các bữa xế.

Latte Factor là thuật ngữ để nói về những khoản chi tiêu thường xuyên nhỏ khác nhau có thể có tác động đủ lớn đến tài chính của chúng ta. Giả sử bạn mua 1 cốc cà phê 30k/ ngày tức là 1 tháng chi khoảng 1 triệu đồng, 1 năm đã mất 12 triệu đồng. Chưa kể đến nếu tích lũy số tiền này gửi tiết kiệm, sau 40 năm bạn sẽ được 2,4 tỷ đồng.

Cách duy nhất để "Latte Factor" không lấy đi tất cả những thành quả cày cuốc kiếm tiền của bạn chính là kiểm soát chi tiêu. Cụ thể hơn là tập thói quen từ bỏ những điều nhỏ nhặt, không thật sự cần thiết (một chiếc váy mới, cốc cà phê xịn xò, thỏi son chỉ quẹt một lần) cho các giá trị bền vững (đầu tư, cổ phiếu, bất động sản, xe cộ).

Điểm chính của bài học chi tiêu này không phải là cắt giảm mọi khoản chi mà là xem xét lại chi tiêu, loại bỏ những thứ phù phiếm và cắt giảm luôn thứ không mang lại giá trị lâu dài. Có thể, tránh xa "Latte Factor" không làm bạn giàu ngay lập tức. Song chi tiêu có kiểm soát, tích cực tiết kiệm và đầu tư khôn ngoan hoàn toàn có thể đem lại cho bạn một cuộc sống "không cần là người giàu vẫn sang chảnh" trong tương lai không xa.

Theo NHƯ ANH - THIẾT KẾ: TRƯỜNG DƯƠNG

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên