MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dân văn phòng trần tình về những “cái bẫy nghèo”: Có người tốn 7,5 triệu đồng chỉ vì lười đi bộ đoạn đường 100 mét!

27-03-2024 - 09:50 AM | Lifestyle

Chi tiêu cố định một khoản tiền nhỏ mỗi ngày sẽ tạo ra sự tốn kém ngoài sức tưởng tượng.

Dân văn phòng trần tình về những “cái bẫy nghèo”: Có người tốn 7,5 triệu đồng chỉ vì lười đi bộ đoạn đường 100 mét!- Ảnh 1.

Chúng ta vẫn thường dùng thành ngữ "tích tiểu thành đại" trong việc tiết kiệm, tích sản,... Trong trường hợp này, đức tính cần kiệm gom góp ấy rõ ràng là đáng khen, không có gì phải bàn cãi.

Tuy nhiên, nếu nghĩ đa chiều hơn, việc "tích tiểu thành đại" cũng có thể hiểu theo nghĩa khác: Những khoản chi nhỏ, tưởng chừng chẳng thấm vào đâu so với thu nhập lại có thể tạo ra sự tốn kém ngoài sức tưởng tượng. Và có hẳn một hiệu ứng để miêu tả tình trạng không mấy tích cực này: Hiệu ứng Latte.

Hiểu một cách đơn giản, hiệu ứng Latte chính là một khoản chi lớn ngoài sức tưởng tượng được "góp nhặt" từ những khoản chi nhỏ cố định mỗi ngày.

Thực tế cho thấy có không ít người, đặc biệt là những người trẻ còn độc thân, chưa lập gia đình, vẫn đang mắc hội chứng hiệu ứng Latte trong vô thức.

Thu Trang (29 tuổi): Mỗi ngày đi làm chi 5k tiền gửi xe, 5 năm tốn 7,5 triệu đồng

Hiện tại, Trang đang làm việc trong một tòa nhà văn phòng. Công ty của Trang có cấp vé gửi xe miễn phí cho nhân viên, tuy nhiên, Trang từ chối làm thẻ gửi xe miễn phí. Lý do gói gọn trong một từ "lười" - như những gì Trang chia sẻ.

Dân văn phòng trần tình về những “cái bẫy nghèo”: Có người tốn 7,5 triệu đồng chỉ vì lười đi bộ đoạn đường 100 mét!- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

"Nếu làm thẻ gửi xe công ty cấp, mình không mất 5k gửi xe mỗi ngày nhưng lại phải đi bộ quãng đường khoảng 100 mét, vì chỗ để xe dành cho người có thẻ gửi xe miễn phí xa văn phòng mình hơn chỗ gửi xe tính tiền theo ngày.

Mình cũng nghĩ 5k/ngày chẳng thấm vào đâu, nhưng một tháng 25 ngày công, một năm 300 ngày, là tốn 1,5 triệu rồi. Đấy là chưa kể những hôm mình tăng ca, về sau 8h tối thì tiền gửi xe là 12k cơ" .

Trang kể và cho biết thêm cô đã làm ở công ty này được 5 năm. Tính sơ sơ, Trang đã tốn ít nhất 7,5 triệu đồng tiền gửi xe vì lười đi bộ quãng đường 100 mét mỗi ngày.

Quang Phúc (33 tuổi): Tốn ít nhất 12,5 triệu/năm vì thói quen "tạt vào cửa hàng tiện lợi"

Có niềm đam mê mãnh liệt với việc tập gym, gánh tạ mỗi ngày, Quang Phúc cho biết một trong những khoản chi chưa được hợp lý lắm mà anh đang muốn cắt giảm chính là tiền mua nước tăng lực trong cửa hàng tiện lợi.

"Mỗi buổi tập, mình đều uống 1 lon nước tăng lực để có sức gánh tạ. Khoản chi này mình đánh giá là cần thiết. Vấn đề chỉ là mình hay mua nước tăng lực trong cửa hàng tiện lợi, giá đắt hơn hẳn tạp hóa hay siêu thị, mình lại còn chọn loại nước cũng đắt, 39k/lon nên thành ra tốn kém hơn.

Một năm có 52 tuần, tính sơ sơ, mình cũng tốn khoảng 12,5 triệu cho khoản chi mua nước tăng lực. Chưa kể cũng hiếm khi mình ghé cửa hàng tiện lợi mà chỉ mua mỗi lon nước, lúc thì thêm hộp kẹo cao su, cái bánh sandwich,..." .

Quang Phúc chia sẻ và cho biết đã tự nhắc nhở bản thân chuyển sang dùng loại nước tăng lực khác và mua trong siêu thị hoặc hàng tạp hóa cho đỡ đắt, nhưng chẳng mấy khi làm được, một phần vì nhà ngay cạnh cửa hàng tiện lợi, một phần vì… quên là mình đang cố gắng giảm chi, cứ theo thói quen mà dừng xe trước cửa hàng tiện lợi.

Thùy Linh (27 tuổi): Tốn ít nhất 9,8 triệu/năm tiền mua mặt nạ giấy

Linh có thể bỏ ăn, bỏ chơi nhưng không đêm nào cô bỏ qua việc đắp mặt nạ giấy trước khi đi ngủ. Đây là niềm đam mê bất diệt của cô nhân viên văn phòng 27 tuổi này.

Dân văn phòng trần tình về những “cái bẫy nghèo”: Có người tốn 7,5 triệu đồng chỉ vì lười đi bộ đoạn đường 100 mét!- Ảnh 3.

Ảnh minh họa

"Công tâm mà nói thì mình cũng chẳng biết việc đắp mặt nạ giấy mỗi ngày có giúp da mình đẹp lên thật không, vì ngoài bước đó ra mình còn 4-5 bước skincare khác. Chỉ là thích cảm giác chill chill lúc ốp cái mặt nạ mát lạnh lên mặt nên ngày nào mình cũng đắp.

Mình dùng nhiều loại mặt nạ với nhiều mức giá khác nhau, trung bình khoảng 27k/chiếc. Vậy là tính ra cũng tốn 9,8 triệu/năm rồi. Kể ra cũng hơi xót thật" - Thùy Linh thừa nhận.

Cần làm gì để thoát bẫy "hiệu ứng Latte"?

Để giải quyết vấn đề, điều đầu tiên cần làm chính là phải xác định được căn nguyên của "mối nhọt" đang cần được chữa trị. Việc thoát bẫy hiệu ứng Latte cũng không phải ngoại lệ.

Mỗi người có thể sẽ có một cách riêng trong hoàn cảnh này, tuy nhiên, nếu chưa tìm ra được nước đi của riêng mình, bạn có thể tham khảo 2 bước dưới đây.

Bước 1: Ghi chép chi tiêu thật chặt chẽ để tìm ra điểm "Latte" của bản thân

Một nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Hoàng gia London (Anh) đã khẳng định: Những con số nhỏ được não bộ xử lý ở bán cầu phải, còn những con số lớn lại được tiếp nhận bởi bán cầu trái. Điều này tạo ra sự khác biệt trong cách chúng ta nhận thức về từng khoản chi với những mệnh giá khác nhau trong chi tiêu hàng ngày.

Dân văn phòng trần tình về những “cái bẫy nghèo”: Có người tốn 7,5 triệu đồng chỉ vì lười đi bộ đoạn đường 100 mét!- Ảnh 4.

Ảnh minh họa

Ví dụ: Thu nhập của bạn là 12 triệu/tháng và bạn dành 50k mỗi ngày để mua cà phê. Khi đó, con số 50k này sẽ được xử lý ở bán cầu não phải, 12 triệu sẽ "nằm" ở bán cầu não trái. Chúng gần như tách biệt hoàn toàn với nhau.

Do đó, nếu không ghi chép chi tiêu cụ thể, chặt chẽ, bạn sẽ dễ bỏ qua mối liên kết giữa việc tiêu một khoản nhỏ mỗi ngày với tổng thu nhập hàng tháng. Việc ghi chép chi tiêu chặt chẽ giúp bạn tìm ra điểm "Latte" của mình một cách dễ dàng hơn là vì thế.

Bước 2: Phân tích và tìm giải pháp thay thế

Sau khi đã tìm ra được điểm "Latte" của mình, chính là thói quen chi tiêu một khoản cố định hàng ngày, việc tiếp theo bạn cần phải làm là trả lời 2 câu hỏi dưới đây:

- Vì sao mình lại có thói quen chi tiêu này?

- Liệu có giải pháp nào thay thế đỡ tốn kém hơn không?

Quay trở lại ví dụ mỗi ngày mua một cốc cà phê 50k phía trên. Để cắt giảm khoản chi này, bạn cần tìm hiểu xem mình mua cà phê vì cần nạp caffeine, hay chỉ đơn giản là vì thích?

Nếu câu trả lời của bạn là bản thân cần nạp caffeine để có thể tỉnh táo, tập trung làm việc, giải pháp thay thế của bạn chính là tự mua hạt cà phê/bột cà phê xay sẵn và tự pha. Chắc chắn là tiết kiệm hơn nhiều việc mua cà phê ở ngoài mà vẫn đảm bảo hiệu suất công việc không suy giảm chỉ vì thiếu caffeine.

Nếu câu trả lời của bạn đơn thuần là tôi thích cà phê nên tôi mua nó hàng ngày, hãy thử nghĩ tới việc giảm tần suất mua từ hàng ngày thành 2-3 lần/tuần, coi nó như một phần thưởng sau khi hoàn thành một đầu việc khó nhằn nào đó.

Làm như vậy, dần dần, bạn sẽ hạn chế được việc tốn cả đống tiền chỉ vì những khoản chi nhỏ nhưng cố định mỗi ngày. Tích tiểu thành đại theo cách ấy, đương nhiên là chẳng ai muốn, đúng không?

Theo Ngọc Linh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên