Đẳng cấp là mãi mãi: Vị ‘sói già phố Wall’ này vẫn tiền vào như nước dù giới đầu tư toàn cầu đang ‘ngậm đắng nuốt cay’
Năm vừa qua là thời kỳ đầy bất ổn của giới đầu tư toàn cầu nhưng đối với vị tỷ phú này, mọi thứ vẫn “hết sức bình thường”.
- 15-12-2022Cái kết ‘không có hậu’ cho năm 2022 của Tesla: Liệu Elon Musk sẽ làm gì để cứu vớt tình hình?
- 15-12-20224 ‘red flags’ cực mạnh mà nhà sáng lập FTX và nữ siêu lừa Elizabeth Holmes đã sử dụng để ‘thao túng tâm lý’ hàng triệu khách hàng
- 14-12-2022‘Ngậm thìa inox’ vẫn có thể thành công: 2 doanh nhân nổi tiếng này chính là minh chứng sống
Nhiều nhà đầu tư trên khắp thế giới đã phải hứng chịu những khoản lỗ ‘nặng nề’ do ảnh hưởng từ các đợt tăng lãi suất chóng mặt của các ngân hàng trung ương, từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), đến ngân hàng Trung ương Anh trong năm 2022. Nhưng dường như Warren Buffett lại “chẳng hề hấn gì”.
Warren Buffett. Getty Images
Có vẻ “nhà tiên tri” xứ Omaha sẽ là người thắng trận “không tốn một mảnh giáp” trong năm nay. Theo báo cáo, giá cổ phiếu tập đoàn Berkshire Hathaway (BRKB) của ông đã tăng khoảng 5,5% từ đầu năm, trong khi chỉ số S&P 500 sụt giảm hơn 15%.
Buffett có được chiến thắng một phần nhờ tập đoàn Berkshire là cổ đông lớn của công ty dầu mỏ Chevron (CVX) từ nửa cuối năm 2020 và nắm giữ tổng cộng 161 triệu cổ phiếu của công ty này. Đây là cổ phiếu tăng mạnh nhất trong bối cảnh chỉ số Dow Jones giảm. Nó đã tăng hơn 50% và đạt mức cao nhất trong lịch sử.
Ngoài ra, Warren Buffett cũng đầu tư vào Occidental Petroleum (OXY) và sở hữu 194 triệu cổ phiếu (21%). Sự bùng nổ của Occidental còn mạnh mẽ hơn Chevron khi giá cổ phiếu của công ty này tăng gấp hai lần chỉ trong 2022 - mạnh hơn bất kỳ cổ phiếu nào trong S&P 500.
Occidental Petroleum
Theo báo cáo của Markets Insider, tập đoàn Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett đã thu về khoản lợi nhuận 13 tỷ USD từ cổ phiếu của hai công ty này.
Dầu khí là nhóm cổ phiếu tăng mạnh nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ năm nay, nhờ giá dầu thô tăng mạnh.
Việc Buffett quan tâm tới các cổ phiếu tiêu dùng cũng giúp vị tỷ phú này thu về lợi nhuận “khấm khá” trong năm 2022. Berkshire có cổ phần lớn trong Coca-Cola (KO) và Kraft Heinz (KHC), cả hai loại cổ phiếu đều tăng khoảng 10%.
Berkshire Hathaway còn sở hữu rất nhiều công ty như công ty bảo hiểm Geico, công ty xe lửa Burlington Northern Santa Fe (BNSF) cho đến các thương hiệu tiêu dùng như Dairy Queen, Fruit of the Loom và Duracell. Điểm chung là các công ty này đều đã “trụ vững” trong một năm đầy biến động của nền kinh tế và thị trường tài chính.
Bên cạnh đó, Berkshire còn nắm cổ phần của các tập đoàn như Apple (AAPL), Bank of America (BAC) và các cổ phiếu tài chính khác. Và trong năm vừa qua, doanh thu của các tập đoàn này đã sụt giảm nghiêm trọng khiến Berkshire lỗ ròng trong ba quý đầu năm. Tuy nhiên các công ty con chuyên sản xuất kinh doanh dưới trướng Berkshire vẫn hoạt động tốt.
Lợi nhuận thuần từ hoạt động của Berkshire - thước đo mà cả Buffett và các nhà phân tích ở Phố Wall đều ưa chuộng hơn để đo lường sức khoẻ của tập đoàn này - đã tăng gần 20% và đạt mức 24,1 tỷ USD trong 3 quý đầu năm.
Mọi người đều đặt câu hỏi liệu Warren Buffett và Berkshire có thể tiếp tục “sừng sững không đổ” vào năm 2023 hay không?. Nếu giá dầu thô tiếp tục hạ và lạm phát lên đến đỉnh điểm, Berkshire có thể sẽ gặp khó khăn. Ngoài ra, lãi suất tăng cũng có thể gây thiệt hại cho các khoản đầu tư vào ngân hàng của tập đoàn này.
Giới đầu tư cũng đang chờ tập đoàn công bố kế hoạch cụ thể về việc ai sẽ điều hành Berkshire và định hướng kế hoạch là gì khi Buffett không còn lãnh đạo công ty nữa. Buffett đã 93 tuổi vào tháng 8 năm nay, trong khi Phó chủ tịch Berkshire là ông Charlie Munger - người bạn tâm giao lâu năm của Buffett sẽ kỷ niệm sinh nhật 99 tuổi vào ngày đầu năm mới.
May mắn là Berkshire đã có kế hoạch “truyền ngôi”. Theo báo cáo, phó chủ tịch Greg Abel sẽ trở thành tân CEO của Berkshire, trong khi hai nhà quản lý đầu tư Ted Weschler và Todd Combs sẽ chịu trách nhiệm quản lý các danh mục.
Không mua cổ phiếu nội bộ
Tận dụng sự hỗn loạn của thị trường năm nay, Warren Buffett đã kiếm được nhiều “món hời” khổng lồ. Ông đã mua một số cổ phiếu ở vùng giá thấp như cổ phiếu của hãng sản xuất chip Đài Loan TSMC. Ngoài ra, Berkshire cũng mạnh tay mua lại cổ phiếu của chính mình.
Ảnh: Bloomberg
Theo số liệu do Berkshire cung cấp vào tháng 11, tập đoàn này đã chi 9 tỷ USD để mua cổ phiếu trong quý 3. Tổng lượng mua trong 3 quý đầu năm là 66 tỷ USD.
Nhưng nhiều giám đốc điều hành dường như không quá háo hức mua vào đợt hạ giá đặc biệt này. Theo nghiên cứu từ VerityData, chỉ có khoảng 5.000 thành viên thuộc nhóm quản lý cấp cao đã mua cổ phiếu của chính công ty của họ trong năm nay. Con số này đã giảm đáng kể so với con số 6.500 người mua trong thị trường con gấu năm 2020. Nó cũng thấp hơn nhiều so với số lượng người mua trong cuộc Đại suy thoái năm 2008-2009, hay sự thất bại trong việc tăng trần nợ của Mỹ năm 2011 và thời gian trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Đây được coi là một tín hiệu xấu.
Tuy nhiên, Ben Silverman, giám đốc nghiên cứu tại VerityData cho rằng các nhà đầu tư không nên quá lo lắng, có thể những “người trong cuộc” không bán quá nhiều cổ phiếu. Hoặc các CEO và những người trong công ty khác đang lựa chọn chiến lược thận trọng. Họ thực sự không chắc thị trường và nền kinh tế sẽ có hướng đi như thế nào trong tương lai.
Sóng gió trên thị trường tiền số
Sự hỗn loạn của thị trường chứng khoán năm 2022 chỉ như một cơn mưa rào thoáng qua so với cơn bão dữ dội đang diễn ra trong giới tiền điện tử. Mặc dù giá bitcoin gần đây đã tăng trở lại sau tháng 11 ảm đạm, nhưng những gã khổng lồ tiền điện tử khác vẫn gặp nhiều sóng gió, ví dụ như sự sụp đổ gây chấn động của FTX. Thậm chí, theo thông tin mới nhất, 1,9 tỷ USD đã bị rút khỏi Binance chỉ trong 1 ngày.
2022 là một năm bết bát của giới đầu tư thế giới. 2023 được dự báo sẽ có nhiều khởi sắc hơn cũng như tập đoàn Berkshire và tỷ phú Warren Buffett sẽ bùng nổ hơn nữa.
Tham khảo: CNN
Nhịp sống thị trường