Đắng cay với "tour du lịch 0 đồng": Ishiba Việt Nam chối bay chối biến
Có tình trạng doanh nghiệp lợi dụng những khoảng trống pháp lý để lừa đảo, tổ chức tour 0 đồng rồi dụ khách hàng mua sản phẩm với giá cao trong khi cơ quan chức năng không xử lý được.
Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động ngày 28-6, ông Nguyễn Văn Quyết - người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Thương mại Ishiba Việt Nam - phủ nhận việc tổ chức tour du lịch miễn phí ở Tây Ninh.
Ông giám đốc "giả nai"?
Báo Người Lao Động ngày 28-6 có bài viết "Đắng cay với "tour du lịch 0 đồng" phản ánh về việc khoảng 900 người, phần lớn là cao tuổi ở tỉnh Tây Ninh, được mời đi "du lịch miễn phí" nhằm "tri ân khách hàng" nhưng thực tế bị lừa phỉnh mua hàng với giá cao, đành ngậm đắng nuốt cay. Theo ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh, đó là Công ty TNHH Thương mại Ishiba Việt Nam (trụ sở quận Hà Đông, Hà Nội) và Công ty Cổ phần Tập đoàn T.M.H.P (trụ sở huyện Củ Chi, TP HCM).
Theo ông Nguyễn Hoàng Nam, hoạt động của các công ty này đã gây mất an ninh trật tự tại địa phương, tiềm ẩn nhiều rủi ro và có dấu hiệu lừa đảo, vi phạm pháp luật, cần phải ngăn chặn và xử lý kịp thời. Do đó, ngày 26-6, sở đã có báo cáo gửi Tổng cục Du lịch, có văn bản gửi Sở Du lịch TP HCM và Sở Du lịch TP Hà Nội đề nghị kiểm tra, xác minh 2 công ty này có chức năng làm dịch vụ lữ hành hay không mà tổ chức tour.
Văn bản tổ chức tham quan du lịch có đóng dấu của Công ty TNHH Thương mại Ishiba và chữ ký của ông Nguyễn Văn Quyết Ảnh: NINH TÂY
"Chúng tôi đã gửi giấy mời cho lãnh đạo 2 công ty này đến Tây Ninh làm việc nhưng chưa thấy họ đến" - ông Nam nói.
Theo ông Nguyễn Văn Quyết, công ty chuyên cung cấp, bán buôn nhiều loại hàng hóa cho các đại lý ở miền Bắc. Ở miền Nam, đại lý nào có nhu cầu thì công ty mới cung cấp. Việc mở tour du lịch thì công ty không trực tiếp làm. Khi hỏi về việc công ty có được cấp giấy phép mở tour du lịch hay không thì ông Quyết cho biết ông không nắm sâu vấn đề này. "Công ty TNHH Thương mại Ishiba Việt Nam không mở tour du lịch nào cả. Những công văn như của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Tây Ninh gửi thì tôi cũng không hiểu như thế nào" - ông Quyết nói.
Trong khi ông Quyết phủ nhận việc Công ty TNHH Thương mại Ishiba Việt Nam tổ chức tour du lịch thì phóng viên Báo Người Lao Động nhận được văn bản do người dân cung cấp về Kế hoạch tổ chức tham quan du lịch khu Bảo tàng Quân đoàn 4 - Di tích Hoàng thành Đại Nam có đóng dấu của Công ty TNHH Thương mại Ishiba Việt Nam và chữ ký của ông Nguyễn Văn Quyết với chức danh giám đốc.
Một lãnh đạo phường Phú La (quận Hà Đông) xác nhận Công ty TNHH Thương mại Ishiba Việt Nam đóng trên địa bàn và chuyên cung cấp đồ gia dụng do ông Nguyễn Văn Quyết đứng tên, đại diện theo pháp luật.
"Hiện tại, công ty vẫn hoạt động trên địa bàn. Thời gian qua có rất nhiều đơn vị xác minh, hỏi về công ty này nhưng chưa đơn vị nào có biện pháp xử lý hay gửi thông tin về cho phường" - vị lãnh đạo này cho hay.
Trước đó, báo chí đã phản ánh nhiều cựu chiến binh ở Lào Cai, Quảng Bình... tham gia tour du lịch miễn phí do Công ty TNHH Thương mại Ishiba Việt Nam tổ chức nhưng thực tế công ty này mời mua hàng với giá cao.
Phạt tối đa 100 triệu đồng
Thời gian qua, tình trạng nhiều công ty đến mời chào các cựu chiến binh, nông dân… đi du lịch, tham quan miễn phí, lợi dụng để tổ chức bán hàng không rõ nguồn gốc với giá "trên trời" xuất hiện tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước như: Nghệ An, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Thọ… Thanh tra Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế vào tháng 9-2018 đã xử phạt hành chính Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Việt Nam Sport 24 triệu đồng về hành vi vi phạm hoạt động du lịch và yêu cầu chấm dứt hoạt động du lịch. Riêng về việc bán hàng với giá cao, cơ quan chức năng đã nhắc nhở, yêu cầu chấm dứt hoạt động.
Ông Huỳnh Văn Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Ngôi sao biển (TP HCM), nhìn nhận đây là thực trạng đáng báo động và có lỗi từ nhiều phía.
Một số món hàng mà người cao tuổi ở tỉnh Tây Ninh mua của Công ty TNHH Thương mại Ishiba khi tham gia tour du lịch 0 đồng
Theo đó, một số công ty tổ chức tour 0 đồng đi lừa đảo ở các địa phương khác, không phải nơi đăng ký trụ sở, hoạt động kinh doanh chính nên cơ quan quản lý địa phương không dễ phát hiện. Thậm chí, hiện nay, một số công ty ra đời và tìm hiểu sâu khoảng trống quy định của pháp luật để chủ đích lừa đảo trong khi cơ quan chức năng chưa xử lý triệt để.
"Ngay cả người dân, du khách bị lừa cũng vì thiếu hiểu biết, ham tour giá rẻ nên rất khó để tránh khi công ty có ý định lừa" - ông Huỳnh Văn Sơn nói.
Luật sư Hà Ngọc Tuyền (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng pháp luật nêu cụ thể những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động du lịch tại điều 9, Luật Du lịch 2017. Cụ thể, khoản 4, điều 9 đề cập đến hành vi phân biệt đối xử với khách du lịch, thu lợi bất hợp pháp từ khách du lịch; tranh giành khách du lịch, nài ép khách du lịch mua hàng hóa, dịch vụ.
Ngoài ra, Luật Du lịch 2017 nghiêm cấm kinh doanh du lịch khi không đủ điều kiện kinh doanh, không có giấy phép kinh doanh hoặc không duy trì điều kiện kinh doanh trong quá trình hoạt động theo quy định của luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; nghiêm cấm cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành của doanh nghiệp để hoạt động kinh doanh…
Đối với vấn đề xử lý vi phạm, luật sư Nguyễn Đức Thắng Ý (Giám đốc Công ty Luật TNHH Bình Chánh) khẳng định từ tháng 8-2019, cơ quan chức năng có thể xử lý cá nhân, tổ chức vướng những vi phạm kể trên theo Nghị định 45/2019/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, các biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch.
Theo nghị định này, mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch đối với cá nhân là 50 triệu đồng, tổ chức là 100 triệu đồng. Nếu tranh giành khách du lịch hoặc nài ép khách du lịch mua hàng hóa, dịch vụ thì đối tượng vi phạm có thể bị phạt 1-3 triệu đồng. Ngoài ra, cá nhân, tổ chức vi phạm có thể phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, như: nộp lại lợi nhuận thu được từ hành vi vi phạm; bị thu hồi giấy phép kinh doanh, thẻ hướng dẫn viên du lịch...
Hà Nội, TP HCM đang xác minh
Đại diện Sở Du lịch Hà Nội khẳng định sẽ rà soát lại văn bản, nếu đúng Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh có gửi văn bản đề nghị xác minh thì đơn vị sẽ làm đúng chức trách, nhiệm vụ và sẽ thông tin sớm đến báo chí.
Trong khi đó, lãnh đạo Sở Du lịch TP HCM cho biết đang xác minh việc 1 công ty có đăng ký hoạt động kinh doanh du lịch và có thật sự hoạt động du lịch trên địa bàn hay không. Trong trường hợp có vi phạm, sở sẽ xử lý nghiêm theo quy định.
Khó tìm chứng cứ lừa đảo
Luật sư Nguyễn Đức Thắng Ý cho rằng nếu đủ căn cứ chứng minh sai phạm, cơ quan có thẩm quyền sẽ lập biên bản rồi ra quyết định xử phạt hành chính. Tuy nhiên, việc tìm chứng cứ chứng minh sai phạm trong những trường hợp tour 0 đồng này là không dễ.
Cơ quan chức năng có thể phát hiện chứng cứ thể hiện cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ du lịch có hành động giới thiệu, nài ép khách du lịch nhưng khó có thể khẳng định những đối tượng này biết hàng hóa kém chất lượng nhưng cố tình giới thiệu, nài ép khách mua với mục đích hưởng lợi bất chính.
Cũng theo luật sư Ý, việc giải quyết sai phạm theo hướng cáo buộc cá nhân, tổ chức sai phạm có dấu hiệu phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" là thiếu khả thi vì rất khó tìm ra chứng cứ buộc tội.
Người lao động