MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đắng chát đời diêm dân

06-08-2017 - 09:23 AM | Thị trường

Nghề làm muối (diêm dân) được ví như “ăn nắng, uống gió”, mỗi hạt muối là hạt vàng kết tinh từ mồ hôi, hơi biển và cả khát vọng của mỗi người dân. Theo thời gian cùng với sự phát triển đại công nghiệp những cánh đồng muối ngày nay cứ thu hẹp dần.

Lao đao nghề muối

Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện chỉ còn khoảng hơn 200 ha đất đồng muối, tập trung phần lớn tại các huyện Hậu Lộc, Tĩnh Gia, với gần 2.000 hộ tham gia sản xuất. Đất Tam Hòa (xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hoá) là làng diêm nghiệp lâu đời nhất, trước đây có hàng trăm hecta đất làm muối, nhưng nay làm nghề vất vả mà thu nhập thấp, lại thêm quá trình công nghiệp hóa đã thu hẹp diện tích, đến nay chỉ còn hơn 100 ha đất làm muối, với khoảng gần 400 nhân khẩu. Chưa kể, có những ruộng muối chỉ canh tác thêm vào mấy tháng nắng to, thời gian còn lại trong năm thì người dân đi làm thuê như phụ hồ, cào ngao,...

Diêm dân lao đao vì nghề muối
Diêm dân lao đao vì nghề muối

Vụ muối cho thu hoạch năng suất cao bắt đầu từ tháng 5 đến hết tháng 7 hằng năm. Giữa trời trưa nắng, những diêm dân ít ỏi còn bám trụ lại với nghề trên cánh đồng muối vẫn đang miệt mài làm việc tranh thủ những ngày nắng to cuối cùng trong năm.

Bà Lê Thị Sợi (thôn Tam Hòa, xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc) cho biết: “Ruộng muối nhà tôi họ lấy cách đây 3 năm rồi, lấy dần từ giáp cảng cá trở vào, nhà tôi có 6 nhân khẩu làm muối, được đền bù 90 triệu đồng tiền ruộng muối và 100 triệu đồng để hỗ trợ tìm kiếm công ăn việc làm . Tính ra mỗi người được hơn 30 triệu đồng, cũng chả đáng bao nhiêu nên con cái lại phải đi xa làm thuê vất vả lắm. Ruộng tôi đang làm đây là nhà họ bỏ, không làm nữa nên tôi làm, kiếm thêm thu nhập. Vì giờ cũng không biết làm gì cả, thanh niên thì đi làm việc khác được, còn những người già thì làm muối kiếm đồng ra đồng vào”.

Giá muối bán tại nhà hiện tại 1500 đồng/kg, đi bán xa thì được khoảng 3000 đồng/kg, tiền công đi lại cũng chẳng thu về được bao nhiêu. Mấy năm nay, Thanh Hóa mưa nhiều nên làm muối thất thu, nắng thì không được cái nắng của miền nam nên muối cũng kết tinh không trắng bằng. Ruộng đồng ngày càng xuống cấp, tiền sản xuất không đủ tiền tu sửa nên năng suất kém. Vì vậy, giá bán thấp mà lại phải bỏ nhiều thời gian rất vất vả. Người dân diêm nghiệp hay nói với nhau, trong vị mặn của muối với vị mặn mồ hôi, không biết vị nào chát hơn.

Cánh đồng muối xã Hòa Lộc kém hiệu quả

Cánh đồng muối xã Hòa Lộc kém hiệu quả

Được biết, Công ty TNHH một thành viên BNB Thanh Hóa là chủ đầu tư dự án “xây dựng và khai thác hạ tầng cụm công nghiệp nghề cá xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc”. Khu công nghiệp đang xây dựng xưa kia là những cánh đồng muối trắng. Công tác giải phóng mặt bằng đã diễn ra 3 năm nay, thu hẹp dần diện tích làm muối, diêm dân cho biết những người đã làm muối lâu năm thực sự đều không muốn bỏ nghề, vì bỏ rồi cũng chẳng biết làm gì khác.

Tuy nhiên, những người già cả cũng chẳng thể canh tác được mãi, khi kinh tế công nghiệp phát triển, trong tương lai chúng ta sẽ không còn nhìn thấy những cánh đồng muối trắng ở trên đất xứ Thanh nữa.

Cơ hội nào cho diêm dân

Ngày 31/12/2014, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 4833/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, có nói đến quy hoạch phát triển diêm nghiệp là phát triển sản xuất muối có hiệu quả cao và bền vững; đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng muối; tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất để gia tăng tỷ lệ muối muối sạch đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp và xuất khẩu.

Giai đoạn 2016 - 2020: Duy trì diện tích sản xuất muối 208,45 ha trong đó tại huyện Hậu Lộc là 132,72 ha và huyện Tĩnh Gia là 75,73 ha; sản lượng 19 ngàn tấn/năm, trong đó muối sạch chiếm từ 30 - 70%. Sau năm 2020 đầu tư chuyển đổi toàn bộ diện tích đồng muối sang nuôi trồng thủy sản để nâng cao hiệu quả và thu nhập cho diêm dân. Hỗ trợ đào tạo để người dân có thể chuyển sang nuôi trồng thủy sản và lao động trong các ngành nghề khác.

Cơ hội nào cho diêm dân gắn bó với nghề

Cơ hội nào cho diêm dân gắn bó với nghề

Như vậy, không lâu nữa diêm nghiệp sẽ không còn trên đất xứ Thanh, cái nghề đã gắn bó với biết bao thế hệ con người nơi đây. Dù tiếc cho một nghề truyền thống lâu đời nhưng cái nghèo, cái vất vả cứ đeo bám bà con mãi thì có lẽ lựa chọn phát triển kinh tế thủy sản biển gắn với quy mô đầu tư thành khu công nghiệp tập trung là lựa chọn đúng đắn giúp bà con ổn định cuộc sống hơn.

Nhưng trước hết, cần có giải pháp trước mắt để duy trì sản xuất và đặc biệt là đầu ra cho muối để những diêm dân còn lại không phải lo lắng từng bữa ăn. Bởi ảnh hưởng công nghiệp hóa, diêm dân cũng bỏ đi làm nghề khác nhiều, không thiết cải tạo lại ruộng muối, nước biển dẫn vào bị cản trở bởi khu công nghiệp gây khó khăn nên sản lượng muối không đạt chỉ tiêu mà tỉnh đề ra là 19 ngàn tấn mỗi năm. Đầu ra thì bí bách, các doanh nghiệp chế biến thường thu mua muối miền nam với số lượng lớn, muối được nắng cũng trắng hơn và rẻ hơn do làm tập trung chứ không phải cầm chừng, nhỏ lẻ, manh mún như ở Thanh Hóa.

Mong rằng, chính quyền địa phương sẽ lưu tâm đến vấn đề này và nhanh chóng có biện pháp phát triển sản xuất, tìm đầu ra, để diêm dân không phải cố gắng cầm cự trong thời gian sắp tới và vực dậy nghề muối dù diện tích còn lại ít, giúp ổn định đời sống diêm dân.

Theo Thu Thủy

Công lý

Trở lên trên