MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CEO Techcombank: Chúng tôi sẽ đẩy mạnh bán lẻ và cho vay mua nhà để ở

31-01-2018 - 12:35 PM | Tài chính - ngân hàng

CEO của Techcombank cho biết, các khách hàng vay mua nhà của ngân hàng này đại đa số là mua để ở...

Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) vừa công bố báo cáo tài chính năm 2017 cho thấy những con số ấn tượng. Theo đó, kết thúc năm 2017, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế tới hơn 8.000 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2016 và ghi nhận năm thứ 3 liên tiếp lợi nhuận tăng gấp đôi.

Đáng chú ý, trong khi các ngân hàng khác vẫn phụ thuộc tới hơn 80% doanh thu vào nguồn tín dụng thì ở Techcombank chỉ có 55%. Tỷ trọng nguồn thu phi tín dụng trong tổng doanh thu đã được ngân hàng nâng lên liên tục, từ mức trên dưới 30% các năm trước lên 45% trong năm vừa qua.

Và trong tín dụng, ngân hàng cũng chỉ đạt mức tăng trưởng 15,9% - thấp hơn so với bình quân toàn ngành. Cơ cấu tín dụng cũng tập trung phần lớn vào bán lẻ, trong đó có mảng cho vay mua nhà khá ấn tượng khi chiếm tới 20% thị phần của toàn ngành.

Trong bối cảnh tín dụng của hệ thống được đẩy lên cao và chủ trương của Chính phủ là phải siết tín dụng bất động sản, các con số nói trên dường như cho thấy một nghịch lý ở Techcombank. Vậy đằng sau đó là điều gì, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng giám đốc ngân hàng này.

PV: Xin chúc mừng ngân hàng năm qua đã ghi nhận lợi nhuận ở mức không ngờ là hơn 8.000 tỷ. Nhưng trong các chỉ số cơ bản có khoản tín dụng chỉ tăng chưa đến 16%, nguyên nhân là do đâu thưa ông?

Ông Nguyễn Lê Quốc Anh: Quan điểm của chúng tôi là xây dựng hệ thống bền vững, ổn định để dù có biến cố xảy ra trên thị trường tài chính thì ngân hàng lúc nào cũng vững vàng. Do đó với tín dụng, ngân hàng cũng không đưa ra mục tiêu về con số mà tập trung về tăng trưởng bền vững.

Năm qua chúng tôi đã tăng trưởng không nhiều nhưng doanh thu vẫn mạnh. Đó là chúng tôi chuyển hướng tập trung vào các khách hàng hiệu quả và giảm cho vay các khách hàng hiệu quả kém (tức là các khách hàng có khả năng nợ xấu cao). Bởi tôi cho rằng nếu bảng cân đối và doanh thu cùng tăng, không cẩn trọng thì sẽ dẫn đến mức tăng không đồng đều và làm áp lực tăng lên nợ xấu, qua đó kéo giảm hiệu quả hoạt động kinh doanh, ảnh hưởng nặng tới phần vốn.

Hơn nữa, qua nhiều năm đồng hành cùng với khách hàng, đặc biệt là nhóm các doanh nghiệp tầm trung, chúng tôi thấy vấn đề của họ không phải là lãi suất mà là chi phí tài chính (bảo lãnh, thư cam kết, chuyển đổi ngoại tệ…) – các khoản này ảnh hưởng lớn tới hoạt động của doanh nghiệp. Do đó chúng tôi đã tập trung giải quyết các vấn đề ấy cho doanh nghiệp và đó cũng là định hướng chiến lược của ngân hàng.

Được biết trong cơ cấu tín dụng các ông đã giải ngân tới 25.000 tỷ đồng cho các khoản vay mua nhà, chiếm 20% thị phần toàn thị trường. Trong khi đó chủ trương của Chính phủ là siết cho vay bất động sản, vậy điều này có ảnh hưởng gì đến Techcombank?

Tôi xin khẳng định, vấn đề Chính phủ muốn hạn chế là cho vay kinh doanh bất động sản chứ không phải mua nhà để ở. Theo thông tư mới quy định, các khoản vay mua nhà để ở thì điểm rủi ro chỉ là 50% trong khi cho vay mua nhà để cho thuê/bán lại thì mức độ rủi ro là 200%.

Ở Techcombank, chúng tôi tập trung vào cho vay mua nhà để ở, các khách hàng đều có nguồn thu được chứng minh cụ thể (không dựa vào kinh doanh bất động sản) chứ không phải cho vay để kinh doanh.

Nhưng chắc chắn Techcombank cũng cho vay với các chủ đầu tư, các dự án nghỉ dưỡng? Xin hỏi ông tỷ trọng cho vay với nhóm khách hàng này thế nào?

So với thị trường thì khoản vay cho nhóm này của Techcombank không lớn. Song nói về phân khúc người mua nhà để ở, các căn hộ mới thì chúng tôi tự tin chiếm thị phần đáng kể. Riêng trong báo cáo của ngân hàng bán lẻ thì các khoản vay mua nhà để ở chiếm tới 80%. Phần còn lại (chiếm 20%) là các khách hàng mà chúng tôi không kiểm soát được hết mục đích của họ, chẳng hạn khách hàng mua căn hộ sau một thời gian 6-12 tháng thì cho thuê lại, hoặc sau 3 năm thì bán đi, ngân hàng khó có thể biết, và dù biết cũng không ngăn cản được.

Với các khách hàng doanh nghiệp và các chủ đầu tư lớn thì chúng tôi đầu tư ít, thay vào đó là tập trung vào giải ngân cho các dịch vụ đấu thầu, dịch vụ cung cấp cho công ty xây dựng nhiều hơn để dự án được đi đúng tiến độ. Chúng tôi không tập trung dự án cho vay chủ đầu tư để xây dựng mới vì không đúng với chiến lược đề ra.

Trên thị trường, hoạt động tài chính tiêu dùng đang được ưa chuộng, nhưng Techcombank vừa qua lại bán công ty này, có phải Techcombank không bận tâm?

Mỗi ngân hàng có một chiến lược riêng dựa trên khả năng của mình và cạnh tranh so với thị trường. Chúng tôi xác định đây không phải điểm mạnh, mà điểm mạnh của Techcombank là cho vay có thế chấp nên tập trung về cho vay thế chấp. Hơn nữa, ngân hàng cũng có thế mạnh về dịch vụ nên sẽ tiếp tục theo đuổi con đường này.

Chúng tôi nghĩ rằng nếu giữ lại công ty tài chính mà không phải sở trường thì không hiệu quả, bán đi là tốt nhất bởi khi bán đi vốn sẽ được hòa nhập vào vốn chung của ngân hàng, qua đó nâng cao về thế mạnh tài chính.

Nhiều người vẫn ngầm so sánh Techcombank với vài ngân hàng khác, vậy xin hỏi các ông có xác định đối thủ cạnh tranh trực tiếp với mình là ai hay không?

Việt Nam là một trong những thị trường có động lực phát triển nhất châu Á, vì vậy tiềm năng và cơ hội là rất lớn cho ngành ngân hàng nói chung. 

Riêng ngân hàng chúng tôi có thế mạnh ở từng phân khúc như là mảng thẻ tín dụng, mảng khách hàng VIP, mua xe cá nhân sử dụng…thì sẽ tập trung vào các phân khúc này và phát triển.

Xin cảm ơn ông!


Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên