MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dang dở ở các “siêu dự án”, Khang Điền (KDH) đang sở hữu gần 19.000 tỷ đồng hàng tồn kho

23-03-2024 - 09:06 AM | Bất động sản

Dang dở ở các “siêu dự án”, Khang Điền (KDH) đang sở hữu gần 19.000 tỷ đồng hàng tồn kho

Dang dở ở các “siêu dự án” khiến lượng hàng tồn kho của Khang Điền (KDH) tăng đột biến hơn 50% trong năm 2023, lên gần 19.000 tỷ đồng. Đặc biệt, hàng tồn kho đang chiếm đến 76% tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp.

Thời điểm cuối năm 2023, hàng tồn kho gần 19.000 tỷ đồng, đang chiếm đến 76% tài sản ngắn hạn của Khang Điền.

Gần 19.000 tỷ đồng năm ở các “siêu dự án”

Năm 2023, Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (Khang Điền; mã chứng khoán: KDH) ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 730 tỷ đồng, “bốc hơi” 42,7% so với năm trước (1.082 tỷ đồng). Bên cạnh, kết quả kinh doanh sụt giảm của doanh nghiệp, lượng hàng tồn kho cũng của Khang Điền cũng gây được sự chú ý không kém của các nhà đầu tư.

Cụ thể, tính đến thời điểm 31/12/2023, Hàng tồn kho của Khang Điền tăng hơn 50% so với đầu năm, lên 18.787 tỷ đồng. Trong đó, Công ty TNHH MTV Đầu tư Kinh doanh nhà Khang Phúc (Khang Phúc là công ty con của Khang Điền với quyền sở hữu và quyền biểu quyết là 100%) đang có lượng hàng tồn kho hơn 10.044 tỷ đồng, bao gồm: Khu dân cư Tân Tạo là 6.527 tỷ đồng, Khu định cư Phong Phú 2 là 1.675 tỷ đồng, An Dương Vương là 1.233 tỷ đồng và Khu Dân cư Bình Hưng 11A là gần 610 tỷ đồng.

Như vậy, riêng lượng hàng tồn kho của Khang Phúc đang chiếm 53,5% tổng hàng tồn kho của công ty mẹ Khang Điền.

Ngoài ra, hàng tồn kho dự án Bình Trưng Đông do Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh Nhà Đoàn Nguyên (Đoàn Nguyên) làm chủ đầu tư (Đoàn Nguyên là công ty con sở hữu gián tiếp của Khang Điền với quyền sở hữu 50,85%, quyền biểu quyết 100%) là 3.380 tỷ đồng. Đây là hàng tồn kho lớn thứ 2 của Khang Điền sau dự án Khu dân cư Tân Tạo.

Hàng tồn kho lớn thứ 3 của Khang Điền cũng là dự án Bình Trưng Đông do Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Bình Trưng (Bình Trưng) làm chủ đầu tư (Bình Trưng là công ty con sở hữu gián tiếp của Khang Điền với quyền sở hữu 99,9% và quyền biểu quyết là 99,95%).

Tuy nhiên, nếu tính riêng dự án thì “siêu dự án” Bình Trưng Đông đang là hàng tồn kho lớn nhất của Khang Điền với giá trị hơn 7.500 tỷ đồng.

Hai "siêu dự án" Khu dân cư Tân Tạo và Bình Trưng Đông chiếm phần lớn giá trị hàng tồn kho của Khang Điền.

Theo thuyết minh BCTC hợp nhất quý 4/2023 của Khang Điền, phần lớn giá trị hàng tồn kho gia tăng của doanh nghiệp địa ốc này đến từ các dự án đã được hình thành từ trước đó.

Cũng theo thuyết minh, Nhóm Công ty đã vốn hóa chi phí lãi vay cho kỳ kế toán 12 tháng kết thúc ngày 31/12/2023 là hơn 760 tỷ đồng, con số này ở năm 2022 là gần 553 tỷ đồng. Các chi phí này liên quan đến các khoản vay nhằm tài trợ cho việc xây dựng và phát triển các dự án bất động sản của Nhóm Công ty.

76% tài sản ngắn hạn là hàng tồn kho

Ở một diễn biến khác, vào ngày 22/2 vừa qua, HĐQT Khang Điền đã thông qua bảo lãnh cho toàn bộ nghĩa vụ trả nợ đầy đủ, đúng hạn đối với khoản vay 4.270 tỷ đồng của Công ty TNHH MTV Đầu tư Kinh doanh nhà Khang Phúc (Khang Phúc) tại ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) – Chi nhánh TP.Hà Nội. Và hiệu lực bảo lãnh được duy trì đầy đủ cho đến khi công ty Khang Phúc hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ trả nợ đối với khoản vay tại Vietinbank.

Vào giữa tháng 2/2024, ĐHĐCĐ Khang Điền cũng vừa thông qua phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ, dự kiến thu về 3.000 tỷ đồng để thanh toán các khoản nợ vay.

Số tiền 3.000 tỷ đồng dự kiến thu được từ đợt phát hành này được Khang Điền ưu tiên thanh toán các khoản nợ vay trong hai năm 2024 và 2025. Công ty sẽ dành 2.700 tỷ đồng cho việc này. Ngoài ra, Khang Điền cũng dự kiến góp thêm vốn vào Công ty con là Khang Phúc để công ty này thanh toán các khoản nợ vay.

Về nguyên tắc, nợ vay của công ty con cũng được ghi nhận trong báo cáo hợp nhất của Khang Điền. Vì vậy có thể nói mục đích của Khang Điền là dùng toàn bộ số tiền thu được để thanh toán nợ vay.

Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Khang Điền là 26.417 tỷ đồng, tăng 22,7% so với đầu năm. Trong đó, Tài sản ngắn hạn là 24.719 tỷ đồng, tăng 20,5%. Tiền và các khoản tương đương là 3.729 tỷ đồng, tăng 35,5%. Hàng tồn kho là 18.787 tỷ đồng, tăng 50,9%. Như vậy, Hàng tồn kho đang chiếm 76% Tài sản ngắn hạn của Khang Điền tính đến thời điểm cuối năm 2023.

Ở bên kia bảng cân đối kế toàn, Nợ phải trả của doanh nghiệp là 10.889 tỷ đồng, tăng 11,8% so với đầu năm. Trong đó, Nợ ngắn hạn là 5.328 tỷ đồng, tăng 52,1%. Nợ vay tài chính là hơn 6.345 tỷ đồng, bao gồm: khoản vay ngắn hạn hơn 1.067 tỷ đồng tại Vietinbank, khoản vay dài hạn gần 4.200 tỷ đồng tại ngân hàng OCB và nợ trái phiếu 1.100 tỷ đồng, lãi suất 12%/năm, đáo hạn vào giữa năm 2025.

Trên thị trường chứng khoán, kết phiên sáng 22/3, giá cổ phiếu KDH ở mức 37.050 đồng, giảm 0,4% so với phiên giao dịch trước đó, khối lượng cổ phiếu giao dịch khớp lệnh là hơn 1,6 triệu đơn vị.

Theo Mạnh Đại

Nhịp Sống Thị Trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên