MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đáng giá hơn cả dầu mỏ, nhưng 80% tài nguyên dữ liệu của Việt Nam đang... ở nước ngoài

Đáng giá hơn cả dầu mỏ, nhưng 80% tài nguyên dữ liệu của Việt Nam đang... ở nước ngoài

"Hiện nay 80% tài sản dữ liệu đang ở nước ngoài. Đây là tài nguyên quý để tạo ra cơ hội khai thác nhưng chúng ta chưa nhận thức được"...

Thứ trưởng Phạm Đức Long có bài phát biểu khai mạc sự kiện "Ngày Internet Việt Nam 2021" diễn ra tại Hà Nội sáng nay (15/12).

"Hiện nay, đại dịch COVID đang tàn phá mọi hoạt động kinh tế xã hội. Để phục hồi và phát triển, các quốc gia trên thế giới cũng như Việt Nam quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong phục hồi, phát triển kinh tế, hướng đến mục tiêu 20% GDP đến từ hoạt động kinh tế số. Thời gian qua, Chính phủ có nhiều phiên họp, diễn đàn, hội nghị, sự kiện liên quan đến vấn đề này", ông Phạm Đức Long gợi mở.

Thứ trưởng chia sẻ Chiến lược chuyển đổi số quốc gia với Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số đều liên quan đến dữ liệu . Các quốc gia đều đi sớm phát triển công nghệ dữ liệu với hành lang pháp lý hoàn thiện. Ở Việt Nam, vai trò to lớn của dữ liệu được khẳng định, coi dữ liệu là tài nguyên.

"Tuy nhiên, hiện nay hành lang pháp lý để quản lý khai thác, kinh doanh dữ liệu ở Việt Nam gần như chưa có", ông Long khẳng định.

Trong chuyển đổi số, dữ liệu số ngày càng tỏ rõ sức mạnh và được ví von là đáng giá hơn cả dầu mỏ. Vì vậy, ở lần thứ 10 được tổ chức, sự kiện "Internet Day Vietnam" lấy chủ đề "Phục hồi và bức phá trong kỷ nguyên dữ liệu hoá". Trong đó, các doanh nghiệp xây dựng văn hóa dữ liệu, sử dụng các công cụ, công nghệ và quy trình tổng thể để điều hành dựa trên dữ liệu số. Nhờ đó, doanh nghiệp sẽ đạt được tối ưu hóa trải nghiệm người dùng dựa trên các công nghệ quản lý, khai thác và ứng dụng dữ liệu số như AI, Blockchain, NFT, Metaverse…

Đáng giá hơn cả dầu mỏ, nhưng 80% tài nguyên dữ liệu của Việt Nam đang... ở nước ngoài - Ảnh 1.

"Intenet Day Vietnam 2021" diễn ra ngày 15/12

 Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra không chỉ liên quan đến sự đột phá về công nghệ. Đây còn là cuộc cách mạng của thể chế, luật pháp. Trong đó, việc thu thập, khai thác, kinh doanh dữ liệu cần hành lang pháp lý để phát triển.

Ông Phạm Đức Long chia sẻ Bộ Thông tin và Truyền thông đang đề xuất sửa đổi các luật để thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực dữ liệu: "Trong năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ trình Chính phủ, Quốc hội để ban hành các hành lang pháp lý. Trong quá trình này, Bộ cũng xây dựng một số Nghị định liên quan để đảm bảo trong giai đoạn quá độ, lĩnh vực dữ liệu vẫn có thể chế hoạt động".

Khẳng định Việt Nam đang đi chậm trong lĩnh vực thu thập, khai thác, kinh doanh dữ liệu, Thứ trưởng đưa ra các đề xuất. "Thứ nhất, cần chuyển đổi nhận thức về thu thập, xử lý dữ liệu. Dữ liệu là tài sản chiến lược của cơ quan tổ chức cá nhân, nguồn tài nguyên để phát triển kinh tế, tạo ra giá trị.

Tuy nhiên hiện nay, 80% tài sản dữ liệu đang ở nước ngoài. Đây là tài nguyên quý để tạo ra cơ hội khai thác nhưng chúng ta chưa nhận thức được. Qua đây, tôi rất mong cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam ý thức, lan toả được vấn đề này. Làm sao để bảo quản được tài nguyên quốc gia", ông Phạm Đức Long đặt vấn đề.

Thứ trưởng cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng số, trong đó quan trọng là hạ tầng dữ liệu. Ông Long tiết lộ Bộ Thông tin và Truyền thông sửa đổi Luật Viễn thông, trong đó đưa các trung tâm dữ liệu trở thành 1 thành phần quan trọng, được quy hoạch trong hạ tầng của chuyển đổi số.

Ông Phạm Đức Long nói: "Chúng tôi mong muốn quy hoạch các trung tâm dữ liệu lớn để sẵn sàng về hạ tầng cho nền kinh tế số. Hiện nay, đội ngũ xây dựng hạ tầng mỏng, rất rời rạc, không có sự chung sức để cùng nhau phát triển, xây dựng được 1 trung tâm tầm cỡ khu vực".

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, các nhà mạng lớn có tiềm lực nhưng lại chậm đầu tư các trung tâm dữ liệu. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ năng động, có năng lực phát triển nền tảng ứng dụng lại không có khả năng đầu tư hạ tầng lớn. "Rất mong cộng đồng liên kết, chung tay để phát triển hạ tầng dữ liệu mang tầm khu vực. Như vậy, Việt Nam mới sẵn sàng phát triển kinh tế số", ông Long nói.

Giải pháp thứ ba được Thứ trưởng đưa ra là vấn đề khai thác dữ liệu. Để khai thác dữ liệu hiệu quả, cần hình thành văn hoá số, bảo vệ giá trị đạo đức, bảo đảm an toàn an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu khi khai thác.

"Ở đây chúng ta có hơn 100 công ty cung cấp dịch vụ Internet. Khi chuyển sang hướng dữ liệu, chúng ta có 65.000 doanh nghiệp công nghệ số sẽ khai thác, kinh doanh dữ liệu. Chúng tôi mong muốn 65.000 doanh nghiệp này sẽ đồng hành cùng 1 triệu doanh nghiệp Việt Nam hình thành 1 triệu doanh nghiệp số trong tương lai. Như thế, Việt Nam mới có thể phát triển nền kinh tế số, bắt kịp xu hướng của cách mạng công nghiệp lần thứ 4", Thứ trưởng Phạm Đức Long kết lại bài phát biểu.

Theo Bảo Nhi

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên