MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đang làm ngân hàng, chàng trai bất ngờ chuyển hướng làm… nông dân

31-07-2021 - 11:28 AM | Thị trường

Đang làm ngân hàng, chàng trai 8X Lâm Ngọc Tuấn (ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) bất ngờ chuyển hướng làm… nông dân. Vượt qua những khó khăn ban đầu, anh đã thực hiện được ước mơ nông nghiệp sạch, đồng thời tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương.

Trồng rau không cần đất

Đang làm ngân hàng, chàng trai bất ngờ chuyển hướng làm… nông dân - Ảnh 1.

Anh Lâm Ngọc Tuấn chăm sóc vườn rau thủy canh


Vốn là nhân viên ngân hàng, trong những lần đi thẩm định doanh nghiệp vay vốn, chàng trai trẻ bị hút hồn trước nhiều vườn rau xanh mơn mởn, nên quyết tâm theo đuổi. Sau giờ làm, anh tranh thủ lên mạng nghiên cứu phương pháp trồng rau, chọn giống, giá thể, loại rau nào phù hợp với đất, khí hậu Sài Gòn.Tham quan vườn rau thủy canh xanh mướt với diện tích gần 8.000m2 của Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Tuấn Ngọc (phường Long Trường, TP Thủ Đức) do anh Lâm Ngọc Tuấn làm Chủ tịch HĐQT, nhiều người không khỏi bất ngờ khi biết đây là thành quả từ một anh nông dân… tay ngang.

Nhiều lần tìm hiểu, anh Tuấn “chốt” phương pháp trồng thủy canh, vì ưu điểm là chủ động điều chỉnh dinh dưỡng cho cây, cung cấp dinh dưỡng theo yêu cầu của từng loại rau, loại bỏ các chất gây hại… Việc gối vụ liên tục các loại rau giúp sản lượng ổn định mỗi ngày.

Nghĩ là làm, tận dụng đất vườn nhà có sẵn, năm 2010, anh Tuấn trồng lứa rau đầu tiên. “Do chưa có kinh nghiệm, rau trồng èo uột, sản lượng thấp, thậm chí bị úng, hư hỏng. Lúc đó, hệ thống thủy canh không đạt chuẩn nên bị thừa nước làm rau chậm phát triển, ăn nhạt” - anh Tuấn nhớ lại cú vấp đầu tiên.

Không nản chí, anh quyết định theo học về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Israel tại Sở NN&PTNT TPHCM; đồng thời tìm nguồn giống rau mới thay thế từ Đài Loan, Nhật. Cứ sau giờ học, anh Tuấn lại cặm cụi bên vườn rau để trồng, quan sát quá trình phát triển, đánh dấu các thông số sao cho cây rau phát triển tốt nhất.

Cuối năm 2018, Lâm Ngọc Tuấn quyết định… nghỉ việc ở ngân hàng, dùng toàn bộ tiền tiết kiệm, vay thêm ngân hàng gần 2 tỷ đồng đầu tư xây dựng mô hình trồng rau thủy canh trên diện tích 1.000m2. Vườn được thiết kế theo phương pháp thủy canh hồi lưu (thủy canh động), các thiết bị theo tiêu chuẩn Isarel.

“Lúc đó nhiều người bảo tôi… dở hơi, vì đang có công việc nhiều người mơ ước lại bỏ để “ôm khổ” vào mình. Dẫu vậy, tôi thấy thị trường rau sạch còn bỏ ngỏ, cộng với mong muốn đem lại rau sạch cho bữa ăn gia đình nên quyết tâm theo đuổi đến cùng”, anh Tuấn bộc bạch.

Quả ngọt

Từ 1.000m2 nhà kính trồng rau thủy canh ban đầu, anh Tuấn cùng với người bạn thuê thêm 1ha đất ở TP Thủ Đức mở rộng quy mô. Nông trại nhà kính trồng rau thủy canh nằm bên những nhà chung cư cao tầng, mỗi năm cung cấp khoảng 300 tấn rau sạch các loại, cao gấp 10 lần so với mô hình trồng rau truyền thống. Tháng 3/2019, anh Tuấn thành lập HTX Tuấn Ngọc và hiện đây là HTX rau thủy canh quy mô lớn nhất tại TPHCM.

Đang làm ngân hàng, chàng trai bất ngờ chuyển hướng làm… nông dân - Ảnh 2.

Sơ chế rau trước khi đưa ra thị trường


“Trồng rau ở Sài Gòn khác ở Đà Lạt hay ở phía Bắc vì khí hậu ở đây ấm quanh năm, đất bị nhiễm mặn, phèn, không phì nhiêu nên tôi phải chọn loại giống tốt, dùng mái che, quạt mát, nước sạch và trồng loại nhanh thu hoạch như rau cải, rau dền, các loại xà lách, rau cúc...”, ông chủ vườn rau bộc bạch.

Anh Tuấn cũng cho rằng, kỹ thuật trồng rau cho sản lượng, chất lượng cao có thể học, tích lũy dần, nhưng đầu ra cho sản phẩm lại rất khó. Thời điểm mới ra thị trường, dù cam kết 100% rau sạch, an toàn nhưng người tiêu dùng vẫn e ngại; hơn nữa giá thành cao gấp 2,5 lần so với rau thường cũng là bước cản tiêu thụ.

Bởi thế, anh Tuấn quyết tâm đưa các sản phẩm vào thị trường lớn hơn để tiếp cận người tiêu dùng. “Chất dinh dưỡng nuôi cây nhập từ Bỉ, Israel, Ấn Độ… với đủ các yếu tố đa, vi, trung lượng gồm 16 khoáng chất, giúp cây phát triển ổn định, giữ được hương vị tự nhiên như trồng đất. Nước nuôi cây cũng phải sạch, không chứa tạp chất”, anh Tuấn chia sẻ bí quyết.

Khi có đầu ra ổn định, HTX Tuấn Ngọc còn tạo việc làm cho 30 nhân công, lương trung bình 6 triệu đồng/tháng cùng tiền thưởng theo năng suất lao động.

“Chúng tôi cam kết không tăng giá trong mùa dịch. HTX cũng đóng góp từ 100-200kg rau/ngày tại nhiều khu cách ly, phong tỏa tại phường Long Trường, TP Thủ Đức”, anh Tuấn cho biết.

Theo Uyên Phương

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên