Đang phất lên ở Trung Đông, ông lớn dầu mỏ Mỹ bất ngờ bị "vạ lây" khi lọt giữa điểm nóng Israel-Hamas
Tập đoàn dầu mỏ lớn của Mỹ đang cố gắng tiến vào vào thị trường phía Đông Địa Trung Hải.
Israel đã yêu cầu Chevron ngừng sản xuất khí đốt tự nhiên tại một trong hai giàn khoan lớn ngoài khơi mà công ty này đang vận hàng ở phía Đông Địa Trung Hải. Đây được đánh giá là một biện pháp để đảm bảo an toàn trong bối cảnh xung đột Israel - Hamas đang tiếp diễn khiến hàng trăm người thiệt mạng ở Israel và Gaza.
Rủi ro của Chevron: Khu vực nhiều bất ổn
Việc đóng cửa giàn khoan Tamar dự kiến sẽ chỉ làm giảm một chút lợi nhuận của Chevron và khoản giảm này sẽ được bù đắp bằng việc giá dầu tăng lên khi cuộc chiến bắt đầu vào cuối tuần qua.
Tuy nhiên, động thái của Israel nêu bật những rủi ro đối với một trong những tập đoàn dầu mỏ lớn nhất của Mỹ khi đang cố gắng thâm nhập sâu hơn vào khu vực giàu khí đốt - nơi từ lâu đã gặp nhiều rắc rối do xung đột, khiến việc đầu tư năng lượng bị trì hoãn.
Chevron có được quyền điều hành các mỏ khí đốt Tamar và Leviathan của Israel trong thương vụ mua Noble Energy trị giá 5 tỷ USD vào năm 2020 và từ đó tập đoàn này đã nỗ lực mở rộng hoạt động sang Ai Cập và Síp.
Tận dụng sự gián đoạn nguồn cung ở Nga
Tập đoàn Chevron đang cân nhắc việc tận dụng các nhà máy không được sử dụng ở Ai Cập để hóa lỏng thêm lượng khí đốt còn sót lại mà Israel không dùng đến và vận chuyển lượng này sang thị trường châu Âu, trong bối cảnh nguồn cung khí đốt từ Nga đang ở mức thấp. Các nhà phân tích cho biết, tình trạng bất ổn trong khu vực có thể làm phức tạp hoặc làm chậm các kế hoạch đầu tư của họ.
Ed Chow, cựu giám đốc điều hành của Chevron cũng là chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington cho biết: "[Những hành động đầu tư vào Trung Đông] ngầm thể hiện rằng khu vực đang dần hướng tới hòa bình. Những hiện giờ điều đó đang gặp nguy hiểm."
Theo Wall Street Journal (WSJ), giám đốc điều hành Mike Wirth của Chevron gần đây đã nói với các nhà đầu tư rằng công ty đang nỗ lực kết hợp sản xuất khí đốt với hoạt động thăm dò để tạo ra lợi thế cạnh tranh trong khu vực. Họ đang mở rộng và tối ưu hóa các nền tảng khí đốt của Israel và gần đây đã tìm thấy đủ khí đốt trong quá trình thẩm định ở ngoài khơi Síp.
Chuyên gia năng lượng tại Viện Chính sách công Baker của Đại học Rice ở Houston, Jim Krane, đánh giá nếu Chevron gặp khó khăn trong việc tiếp thị khí đốt tự nhiên của Israel sang các nước láng giềng hoặc mất khả năng tiếp cận các cơ sở hóa lỏng ở Ai Cập, thì họ có thể làm chậm hơn nữa các khoản đầu tư.
Chuyên gia Krane nói: “Hiện tại, chúng tôi không biết cuộc xung đột này sẽ đi đến đâu. Điều đó sẽ đòi hỏi phải thận trọng và tạm dừng đầu tư.”
Rủi ro làm chậm nỗ lực mở rộng của Chevron
Mỏ Tamar cách Ashkelon - thành phố ven biển của Israel - khoảng 25 km và nằm trong tầm bắn của tên lửa từ Gaza. Bộ Năng lượng Israel cho biết họ có thể dựa vào nhiên liệu thay thế.
Tập đoàn Mỹ cho biết, giàn khoan Leviathan - cơ sở khí đốt ngoài khơi khác mà Chevron vận hành, sẽ vẫn tiếp tục gửi khí đốt đến Israel và các nơi khác để xuất khẩu.
Chevron cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi tập trung vào việc cung cấp khí đốt tự nhiên an toàn và đáng tin cậy vì lợi ích của thị trường nội địa Israel và khách hàng trong khu vực của mình."
Các nhà phân tích chỉ ra, nếu xung đột kéo dài, việc mất mỏ Tamar sẽ làm chậm nỗ lực của Chevron nhằm mở rộng xuất khẩu từ Ai Cập sang châu Âu. Họ đã hy vọng sẽ tăng lượng hàng xuất khẩu trong những tháng tới.
Sự gián đoạn nguồn cung cấp khí đốt của Nga sang châu Âu đã tạo cơ hội cho Chevron và các công ty khác bao gồm ExxonMobil và ENI phát triển các mỏ khí đốt ở Đông Địa Trung Hải và các quốc gia như Algeria.
Chevron và Exxon đã cố gắng đàm phán các thỏa thuận để khoan tại các mỏ giàu khí đốt của Algeria, theo WSJ đưa tin trước đó. Chevron và đối tác của mình ENI cũng đã phát hiện một lượng lớn khí đốt ngoài khơi Ai Cập. Theo Khảo sát Kinh tế Trung Đông, Exxon đang tìm cách khoan giếng ngoài khơi Ai Cập lần đầu tiên vào năm tới.
Hôm 9/10, giá cả khí đốt ở châu Âu và dầu thô trên toàn cầu đều tăng trong bối cảnh lo ngại rằng tình trạng bất ổn ở Trung Đông có thể làm giảm nguồn cung.
Nhịp sống thị trường