Đằng sau câu chuyện tăng giá điện là gì?
Giá điện phía Bộ, ngành nhận định là tăng đúng lộ trình. Còn giới chuyên gia, doanh nghiệp lại tỏ ra không bất ngờ.
- 21-03-2019Tại sao FED lại tuyên bố mềm mỏng hơn về lãi suất và Việt Nam sẽ bị tác động như thế nào?
- 20-03-2019Bộ Công thương công bố giá bán điện mới
Tại sao điện tăng giá?
Chia sẻ tại toạ đàm: "Điều chỉnh giá điện, nhìn từ nhiều phía", ông Nguyễn Anh Tuấn Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công thương, cho biết giá điện được thực hiện theo Quy định 24 của Chính phủ.
"Lần điều chỉnh này (tăng 8,36% từ 20/3) là đúng lộ trình", ông nói và khẳng định phía Bộ Công thương và các cơ quan chức năng đã tính toán tác động đa chiều trước khi ban hành.
Giá điện tăng, theo ông Đinh Quang Tri, Phó TGĐ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), là nhằm bù đắp phần chi phí sản xuất điện.
"Sản xuất than gặp khó khăn nên TKV và TCty Than Đông Bắc đều có kế hoạch điều chỉnh giá than từ cuối năm 2018 nhưng do giá điện EVN chưa điều chỉnh được nên chúng tôi đã kiến nghị lên Chính phủ đề nghị chậm tăng giá than. Tuy nhiên, tháng 1/2019, hai đơn vị này đã điều chỉnh tăng khoảng 5% so với 2018", ông Tri nói.
Ông cũng cho biết khi giá điện tăng 8,36% kể từ 20/3, hai đơn vị khai thác than tiếp tục tăng giá lên thêm 3% nữa. Điều này khiến chi phí sản xuất điện của EVN phải tăng thêm 5.000 tỷ đồng chi trả.
"Nhưng than trong nước cũng không đủ để cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện. Chúng tôi vẫn phải nhập khẩu thêm than ngoại, ước chừng 8 triệu tấn. Than ngoại có giá thành cao hơn. Do vậy, EVN sẽ phải chịu thêm một khoản phí tầm 2.000 tỷ, ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh", ông Tri nhấn mạnh.
Tăng giá điện để tiến dần đến cơ chế thị trường
"Ban đầu tôi cũng có suy nghĩ băn khoăn. Tâm lý của người dân, doanh nghiệp thì không ai muốn tăng giá", ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho biết. Dù vậy, ông thừa nhận "có lẽ đã đến lúc giá điện phải điều chỉnh".
Không nói thêm vì lý do điện tăng giá, ông Lực phân tích ở khía cạnh câu chuyện thị trường.
"Cần phải hiểu tăng giá điện là để tiến dần đến cơ chế thị trường. Giá khí, than – cấu phần quan trọng trong sản xuất điện trước đây vẫn còn yếu tố bảo trợ của Nhà nước, đến nay thì không", ông cho biết.
Mặt khác, trong 3 – 4 năm qua, nợ đọng của EVN, theo ông cũng cần phải được phân bổ để trả dần. "Đấy là mặt tích cực của câu chuyện giá điện lần này", ông nói.
Bên cạnh đó, ông Lực cũng cho rằng năm 2019 là thời điểm tương đối phù hợp cho việc điều chỉnh giá điện. Trên thế giới, giá cả các mặt hàng như xăng, dầu, than cơ bản không tăng, nhờ vậy, tạo mặt bằng không quá lớn về lạm phát với Việt Nam.
"Thông tin được đưa ra ngay trong quý I cũng giúp cho Chính phủ, Bộ ngành, doanh nghiệp có cơ sở để chủ động về chính sách, kế hoạch kinh doanh", ông Lực nhận xét.
Ngoài ra, vị chuyên gia này cho rằng giá điện cao cũng giúp cho doanh nghiệp tích cực tìm kiếm giải pháp về công nghệ nhằm giảm tiêu thụ năng lượng, giảm chi phí sản xuất.
Ông Lực cũng đề xuất các cơ quan chức năng bỏ đi cơ chế bù chéo như hiện nay. Hiện điện công nghiệp đang được Chính phủ bù giá. Theo đó, giá điện công nghiệp đang ở mức 6,8 cent/Kwh, trong khi điện sinh hoạt là 8,5 cent/Kwh, điện kinh doanh là 10,7 cent/Kwh.
"Khi tiến đến cơ chế thị trường rồi thì các các bên phải đồng bộ", ông nhấn mạnh.
Ông Bạch Thăng Long, Phó TGĐ TCty May 10 nói rằng không bất ngờ trước việc tăng giá điện. Các doanh nghệp đã có các phương án dự phòng từ trước, khi được biết thông tin đầu vào của ngành điện liên tục tăng.
Ngoài ra, ông Long cũng cho biết các doanh nghiệp từ lâu cũng đã quan tâm đến việc sản xuất sạch hơn, trong đó có việc giảm được chất thảo và phát thải nên luôn tìm cách để tối ưu hoá nhu cầu sử dụng năng lượng cho sản xuất.