Đằng sau con số tăng trưởng của ITL: làm tốt chuyện con người
Suốt gần 06 tháng giãn cách, hàng loạt doanh nghiệp gặp khó. Riêng ITL vẫn bứt phá trên đường đua, tăng đến 148 bậc trong Top 500 Doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2021.
Làm tốt chuyện con người, kinh doanh tăng trưởng sẽ là tất yếu
Đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất và khủng hoảng lao động là thách thức đặt ra cho doanh nghiệp trước tác động của dịch bệnh. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), xấp xỉ 90% doanh nghiệp đã giảm quy mô lao động do hoạt động sản xuất kinh doanh kém hiệu quả. Giữa thực tế ảm đạm, một số ít doanh nghiệp như Tập đoàn Giao nhận và Vận chuyển In Do Trần (ITL) vẫn trụ vững, thậm chí thăng hạng trong Top 500 Doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam 2021 theo công bố của Vietnam Report.
Cú bứt phá này được cho là nhờ lợi thế mảng dịch vụ đa dạng, năng lực tài chính vững mạnh, công nghệ quản lý dữ liệu cải tiến liên tục của ITL. Đơn cử, trước bối cảnh cước hàng hải đội giá phi mã do các hãng tàu nước ngoài chi phối, thiếu container, ITL đã tư vấn cho khách hàng đổi sang đường tàu hoả, hàng không. Khá nhiều giải pháp linh hoạt đã được đội ngũ kinh doanh đưa ra, cung cấp thêm các gói cước linh động nên vẫn có nhiều hợp đồng được ký mới, giải quyết được khó khăn phát sinh của khách hàng. Mặc dù nhiều kho hàng của ITL bị ảnh hưởng về sản lượng một số xe tải nằm bãi, nhưng việc nhanh chóng áp dụng các giải pháp xoay chuyển linh hoạt đã duy trì cho ITL chỉ số tăng trưởng dương hiếm hoi trên thị trường.
Theo ông Nguyễn Quốc Thúc - Phó Tổng Giám đốc ITL Phụ Trách Nguồn nhân lực, nguyên nhân lớn nhất đằng sau thành công này chính là đội ngũ nhân sự gắn kết. Ông cho biết, chiến lược dù rất hay, nhưng nếu không có đội quân tinh nhuệ thực hiện thì tất cả chỉ là bảng kế hoạch trên giấy. "Đúng là chúng tôi có nền tảng tốt về hệ sinh thái dịch vụ Logistics, tài chính, công nghệ, nhưng tôi tin rằng lợi thế cạnh tranh lớn nhất của ITL chính là con người."
Trên thực tế, mới đây tại giải thưởng Vietnam HR Excellence 2021, ITL được xướng danh ở hạng mục "Gắn kết nhân viên". Nếu năm 2018, từ Khảo sát độc lập của Anphabe, chỉ số hạnh phúc trong công việc của nhân viên ITL đạt 57.4%, thì chỉ số này ở tháng 8/2021 là 64%. Chỉ số muốn được giao thêm việc tăng từ 60.5% năm 2018 đến 73% năm 2021. Đặc biệt, có đến 80% cam kết nỗ lực hết mình cho sự phát triển và thành công của ITL. "Trong ấm" nên "ngoài êm", ITL đã "vượt bão" Covid-19 ngoạn mục, chinh phục được mục tiêu kinh doanh 9 tháng đầu năm 2021, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng kinh doanh trong quý 4/2021 và 2022.
Ông Nguyễn Quốc Thúc - Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Nguồn Nhân Lực của ITL nhận giải thưởng HR Excellence 2021.
DNA "No pain No gain"
Cũng theo ông Thúc, để có sự chung lưng đấu cật này, mỗi nhân sự tại ITL đều hấp thu mã gen đặc trưng của doanh nghiệp: "No pain No gain", lược dịch là "muốn thu hoạch, chấp nhận đầu tư". "Khi bắt tay vào một việc, chúng tôi đều chuẩn bị tinh thần "chịu khổ" trước, luôn sẵn sàng tâm lý đối diện tình huống xấu nhất và quyết tâm đã làm phải đến nơi đến chốn. Có lẽ ngày thường đã vậy, nên khi dịch bệnh ập đến, chúng tôi không lo sợ, không hoang mang. Mỗi nhân viên đều kiên cường chấp nhận "pain" vì để cùng "gain" quả ngọt." Mở rộng ra, nhờ tinh thần từ mã gen đặc trưng này cùng với tinh thần làm chủ, đội ngũ ITL được trang bị sẵn khả năng thích ứng, linh hoạt – là yếu tố quan trọng để vượt qua những thời khắc khó khăn do Covid-19.
Bên cạnh đó, chiến lược "Gắn kết 360 độ" cũng được ITL phát huy tối đa với nhiều hoạt động nhằm gắn kết các thế hệ nhân sự và tạo ra môi trường làm việc hạnh phúc: thiết kế & áp dụng gói phúc lợi tổng thể, chế độ lương thưởng hấp dẫn (EVP), xây dựng sức mạnh về thương hiệu tuyển dụng (EB), đào tạo huấn luyện và trải nghiệm công việc suốt vòng đời làm việc tại Tập đoàn (ELTV), ghi nhận các thành tích, đóng góp và tặng cổ phiếu cho nhân viên qua chương trình thưởng thành tích dài hạn (LTIP)…
Chiến lược "Gắn kết 360 độ" được ITL triển khai nhằm gắn kết các thế hệ nhân sự.
Công ty đã thực hiện nhiều hoạt động giúp mỗi người lao động cảm nhận sâu sắc ý nghĩa công việc họ đảm trách (Meaningful Job) và thắt chặt tương tác (Staff Engagement). Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh, lãnh đạo công ty đã triển khai nhiều biện pháp bảo vệ an toàn cho mọi nhân viên, tập trung tìm nguồn chích vaccine cho mọi người đồng thời điều chỉnh các gói phúc lợi và bổ sung nhiều chính sách nhân sự để làm điểm tựa cho nhân viên trụ vững.
Về vật chất, có thể kể đến như quỹ ITL Sharing hỗ trợ F0, F1; gói quà thực phẩm của CEO để gia đình nhân viên trang trải trong thời gian giãn cách…. Về tinh thần, bên cạnh tổ chức các cuộc thi năng khiếu online để gia tăng tương tác mùa dịch bệnh, ITL duy trì các buổi họp lớn (town hall) để Ban Giám đốc kết nối trực tuyến với nhân viên. Anh Nguyễn Xuân Tuyến (thành viên MT19 chương trình Quản trị viên tập sự ITL) rất thích hoạt động này. Anh cho biết: "Mỗi năm có 3-4 town hall. Trong mỗi buổi, chúng tôi được CEO chia sẻ mục tiêu kinh doanh, kế hoạch trong 3 tháng tới cần làm gì, những mảng nào đang gặp khó, khách hàng phản hồi ra sao, năng suất đang tăng giảm thế nào… Được nhìn thấy bức tranh lớn của toàn công ty, tôi được củng cố cảm giác "mình thuộc về công ty", công ty đang mong chờ gì ở nhân viên, tôi có thêm nhiều động lực và mong muốn làm tốt vai trò mắt xích của mình để đóng góp vào thành công chung của toàn bộ máy."
Có thể nói, để nằm trong 10% doanh nghiệp vận hành hiệu quả bất kể thách thức từ đại dịch như ITL, điều quan trọng là ITL đã sớm kiện toàn một đội ngũ đồng lòng, chuyên môn ngày càng vững vàng, có cùng DNA để cùng nhìn một hướng. Các hoạt động gắn kết nhân sự chính là điểm tựa để doanh nghiệp dễ dàng lấy lại thăng bằng, vững vàng tiến về phía trước.