MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đằng sau cơn sóng bán tháo nhấn chìm thị trường từ đầu năm: Nhà đầu tư vội vã 'phanh gấp, quay xe'

28-01-2022 - 12:11 PM | Tài chính quốc tế

Đằng sau cơn sóng bán tháo nhấn chìm thị trường từ đầu năm: Nhà đầu tư vội vã 'phanh gấp, quay xe'

Fed chuẩn bị đặt dấu chấm hết cho thời kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ. Điều này đang khiến nhà đầu tư đang thay đổi hướng đi đối với chiến lược trong 2 năm qua, khởi đầu cho đợt bán tháo mạnh vào tháng này.

Các chỉ số chứng khoán Mỹ đã giảm từ 6-15% trong tháng 1 tính đến ngày 27/1. Một số cổ phiếu được ưa thích trong thời kỳ đại dịch như Moderna, Peloton và Netflix đều rớt điểm mạnh. Thước đo nỗi sợ hãi của Phố Wall - Cboe Volatility Index, đã tăng gần gấp đôi trong năm nay. Trong khi đó, một số quỹ phòng hộ nổi tiếng cũng mất 10% giá trị.

Tâm lý nhà đầu tư thay đổi khi dự đoán Fed sẽ nâng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2018 và có thể sẽ thực hiện nhiều đợt nâng trong vài năm tới. Hôm thứ Tư, Fed cũng đưa ra dấu hiệu rõ ràng về việc có thể tăng lãi suất trong tháng 3.

Nhà đầu tư sau đó đã vội vã thay đổi chiến lược mà họ đã theo đuổi trong 2 năm qua, tìm kiếm các khoản đầu tư an toàn hơn như cổ phiếu có chia cổ tức hay quỹ ETF vàng. Những cá nhân mua mạnh các cổ phiếu "hot" và quyền chọn mua cũng đang thay đổi cách tiếp cận. Một số đang đầu tư vào các quỹ chỉ số theo dõi thị trường hay đặt cược vào quyền chọn bán.

Dù lãi suất cao hơn không có khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế, nhưng ít nhất là trong vài tháng tới, sự thay đổi trong thái độ của nhà đầu tư sẽ trở nên rõ ràng hơn và lan rộng theo những cách bất ngờ.

Rob Arnott - chủ tịch sáng lập của công ty quản lý tài sản Research Affiliates, cho biết: "Người dân có nhiều tiền hơn và muốn đổ tiền vào chứng khoán. Nhưng những đợt kích thích đã kết thúc và lãi suất có thể sẽ tăng mạnh. Một số nhà đầu tư lại đang tận dụng cơ hội để bắt đáy, ví dụ như Bill Ackman mua 3,1 triệu cổ phiếu Netflix."

Song, Arnott và một số chuyên gia khác lại khuyến nghị nhà đầu tư nên thận trọng: "Hãy bán khi giá tăng, đừng bắt đáy."

Dù những ngày gần đây thị trường đón nhận một số thông tin tích cực hơn nhưng nhiều nhà đầu tư lo ngại tháng 1 sẽ là khởi đầu cho giai đoạn biến động kéo dài. Những vấn đề bắt đầu xuất hiện vào năm ngoái, chủ yếu ở những khoản đầu tư mang tính đầu cơ. Quỹ ETF SPDR S&P Biotech - theo dõi cổ phiếu công nghệ sinh học, đến cuối tháng 12 giảm 36% từ mức cao vào tháng 2/2021. Rổ cổ phiếu công nghệ không sinh lời do Goldman Sachs theo dõi cũng mất gần 23% trong 2 tháng cuối năm 2021. Nhiều SPAC cũng "hụt hơi" sau đợt tăng giá mạnh.

Đằng sau cơn sóng bán tháo nhấn chìm thị trường từ đầu năm: Nhà đầu tư vội vã phanh gấp, quay xe - Ảnh 1.

Diễn biến của các ngành trong S&P 500 trong năm 2022 tính đến ngày 27/1.

Giá trị của những khoản đầu tư đó vẫn đang sụt giảm. Tuy nhiên, nhiều công ty lớn cũng khiến nhà đầu tư lo ngại trong bối cảnh kinh tế giảm tốc và lãi suất tăng. Hơn nữa, mâu thuẫn giữa Nga và Ukraine cũng ảnh hưởng đến tâm lý thị trường. Do đó, mối quan tâm của nhà đầu tư đã chuyển từ các tài sản đầu cơ sang nhóm an toàn hơn.

Trong năm nay, hãng sản xuất chip Nvidia và gã khổng lồ truyền thông Walt Disney dự kiến sẽ kiếm được hàng tỷ USD lợi nhuận. Song, cổ phiếu của 2 công ty giảm lần lượt 25% và 13% trong tháng 1 do lo ngại Nvidia đã phát triển mạnh trong những năm gần đây và khả năng tạo ra lợi nhuận lớn của Disney.

Những khoản lãi ấn tượng

Trong phần lớn năm 2021, nhà đầu tư đã chi hàng tỷ USD cho quyền chọn mua đối với các cổ phiếu giá trị cao như Tesla, Amazon, Apple, Nvidia và các cổ phiếu meme. Những giao dịch này cho phép họ có quyền mua cổ phiếu vào ngày sau đó, giúp nâng cao mức lãi trong 1 ngày của từng cổ phiếu riêng lẻ.

Charlie McElligott - giám đốc điều hành của Nomura Securities International, cho hay: "Giá càng lên, thị trường càng điên rồ hơn và sự quá khích tiếp tục diễn ra."

Nhưng vào ngày 21/1, khi S&P 500 ghi nhận phiên tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2020, giao dịch quyền chọn bán đã tăng vọt và đạt mức kỷ lục. Theo McElligot, điều này cho thấy thị trường đã thực sự sợ hãi.

Stuart Kaiser - chiến lược gia tại UBS Group, cho biết một thước đo về hoạt động mua quyền chọn mua đối với nhà đầu tư nhỏ lẻ gần đây đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020. Quyền chọn đối với các cổ phiếu công nghệ cũng sụt giảm.

Đằng sau cơn sóng bán tháo nhấn chìm thị trường từ đầu năm: Nhà đầu tư vội vã phanh gấp, quay xe - Ảnh 2.

Nhu cầu mua quyền chọn mua của nhà đầu tư chạm mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020.

Các cổ phiếu từng là "con cưng" của nhà đầu tư như trong thời kỳ đại dịch như Apple, Amazon và Netflix là một trong những cái tên ảnh hưởng nhiều nhất đến hiệu suất của S&P 500. Cổ phiếu meme GameStop và AMC đều mất hơn 37% trong năm nay.

Do đó, nhiều nhà đầu tư thua lỗ nặng, bao gồm cả các quỹ phòng hộ nổi tiếng. Tiger Global Management và Whale Rock Capital Management phải đối mặt với khoản lỗ hơn 10%. Perceptive Advisors đầu tư vào các cổ phiếu công nghệ sinh học cũng giảm 20% trong 3 tuần đầu năm nay.

Tháng này, Asymmetry Capital Management - quỹ phòng hộ ở San Francisco, đã quyết định đóng cửa. Quỹ này mất gần 20% giá trị vào năm ngoái và tiếp tục thua lỗ trong tháng này.

Tia hy vọng nào cho nhà đầu tư?

Một số người coi tình trạng bán tháo gần đây là một diễn biến tốt cho thị trường. Với quan điểm này, sự bi quan của người tiêu dùng và tâm lý tiêu cực của các nhà đầu tư thực tế lại là dấu hiệu tích cực. Một phần là vì họ cho rằng nhà đầu tư có thể sẽ mạnh tay mua vào nếu thông tin về lạm phát và Ukraine có thể trấn an thị trường.

Tuy nhiên, một dấu hiệu cho thấy thị trường đang rất thận trọng, nhà đầu tư trong tuần qua đã đổ nhiều tiền vào các quỹ ETF vàng hơn bất kỳ quỹ ETF nào khác. Vàng thường được coi là hầm trú ẩn an toàn trong thời kỳ biến động. Phần lớn số tiền trên được đổ vào quỹ ETF SPDR Gold Shares, sau đó là các quỹ có vốn hóa lớn.

Các nhà đầu tư cổ phiếu năng lượng đã phần nào yên tâm hơn, các công ty như Exxon Mobil và Chevron đã ghi nhận mức tăng 2 con số, giúp bù đắp phần nào đà giảm của S&P 500. Yếu tố thúc đẩy là giá dầu tăng và nhà đầu tư tìm đến các công ty có lợi nhuận ổn định hơn. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cho biết nếu thị trường tiếp tục suy giảm, các công ty dựa vào việc bán cổ phiếu để duy trì hoạt động kinh doanh sẽ phải chịu áp lực.

Một số dấu hiệu khác cũng cho thấy sự biến động sẽ có biến chuyển tốt. Trong những năm gần đây, "cơn gió ngược" chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn. Do đó, các danh mục phòng ngừa rủi ro trong thời gian dài lại trở thành chiến lược không tốt cho lợi nhuận.

Một số nhà đầu tư mua quyền chọn mua trong những phiên gần đây dường như đang đóng vị thế để chốt lời nhanh, thay vì mua các vị thế bảo hiểm mới - những khoản bảo vệ tài sản khi thị trường tiếp tục đi xuống. 

Một số khác lại nỗ lực bắt đáy vào hôm thứ Hai, khi Nasdaq có lúc giảm tới 4,9% để mua cổ phiếu hoặc bán quyền chọn với hy vọng thu lời nếu giá hồi phục. Điều này càng khiến phiên giao dịch ngày hôm đó biến động mạnh, cuối cùng Nasaq chỉ tăng điểm nhẹ và Dow Jones bù đắp được khoản lỗ hơn 1.000 điểm.

Theo Giacomo Pieranton - trưởng bộ phận nghiên cứu của Vanda Research, nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn đang mua một lượng nhỏ cổ phiếu công nghệ, tài chính và năng lượng. Dữ liệu của Vanda cho thấy, dòng vốn của nhà đầu tư nhỏ lẻ đổ vào cổ phiếu và quỹ ETF niêm yết ở Mỹ đạt trung bình 1,4 tỷ USD/ngày trong tháng 1, tăng từ 1 tỷ USD/ngày vào tháng 12.

Nhìn chung, nhà đầu tư nhỏ lẻ không còn "săn lùng" cổ phiếu công nghệ như trước đây. Kể từ tháng 12, lượng mua các cổ phiếu như Apple, Advanced Micro Devcies và NIO đã sụt giảm. Trong khi đó, họ đẩy mạnh mua cổ phiếu Ford, Microsoft và một số quỹ chỉ số phổ biến như SPDR S&P 500.

Tham khảo WSJ

https://cafef.vn/dang-sau-con-song-ban-thao-nhan-chim-thi-truong-tu-dau-nam-nha-dau-tu-voi-va-phanh-gap-quay-xe-2022012811050073.chn

Vu Lam

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên