Đằng sau đà tăng một mạch từ 4.000 lên 90.000 đồng/cp và lời “kêu cứu” của công ty cà phê
Cổ phiếu tăng một mạch 24 phiên trần với thanh khoản thấp, cùng lời giải trình và nghi vấn ‘Công ty bị thâu tóm’ của ban lãnh đạo CTCP Cà phê Thắng Lợi đang gây chú ý.
- 17-09-2022So sánh hệ số nợ của các doanh nghiệp bất động sản
- 17-09-2022Loạt doanh nghiệp liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết bị xử lý vi phạm về công bố thông tin
- 17-09-2022Nhờ iPhone 14 và World Cup, Thế giới di động sẽ bội thu?
Trong văn bản mới nhất gửi Sở GDCK Hà Nội (HNX), CTCP Cà phê Thắng Lợi (mã chứng khoán CFV) ghi: “Việc cổ phiếu Công ty liên tục tăng trần và khối lượng như vậy là rất bất thường, tất cả các phiên tăng trần chỉ có một lệnh đặt mua và bán giá trần trong phiên. Công ty nghi ngờ có một số cá nhân lợi dụng lỗ hổng của TTCK tác động đến giá cổ phiếu Công ty vì động cơ cá nhân”.
Thực tế, việc một công ty đã lên sàn giao dịch chứng khoán và lọt vào tầm ngắm của một nhóm đối tượng muốn thao túng giá không còn xa lạ trên thị trường. Tuy nhiên, từ sau sự cố sai phạm liên quan đến các cá nhân tại Tập đoàn FLC và nhóm Louis Holdings, cơ quan chức năng đã có những biện pháp quản lý siết chặt hơn về giao dịch và công bố thông tin.
Đơn cử, cổ phiếu có thanh khoản bất thường hoặc tăng trần liên tục 5 phiên sẽ phải có giải trình. Vì vậy, sự vụ tại CFV được đánh giá là hi hữu trong bối cảnh hiện nay.
Trước đó, báo cáo thường niên 2021 của CFV đã tiết lộ một câu chuyện tồn đọng nhiều năm liền, liên quan đến việc cổ phần hoá doanh nghiệp.
Vụ án của CFV và những người nhận khoán
Tại BCTN 2021, CFV cho biết tình hình Công ty tiếp tục diễn biến phức tạp khi đại đa số người nhận khoán vẫn chưa hợp tác với công ty trong việc thực hiện hợp đồng giao khoán, mặc dù công ty đã có một số chủ trương có lợi cho người nhận khoán.
Tòa án nhân dân huyện Krông Pắc cũng đã đưa ra xét xử các vụ án người nhận khoán kiện Công ty và đã bác bỏ các yêu cầu khởi kiện vì không có cơ sở, đồng thời xét xử 2 vụ đối với 10 trường hợp công ty kiện người nhận khoán và chấp thuận các nội dung khởi kiện của công ty là chấm dứt hợp đồng, thu hồi vườn cây và trả các khoản nợ.
“Nhóm đối tượng cầm đầu, lôi kéo người nhận khoán trong Công ty kiến nghị đòi hỏi chế độ, quyền lợi chỉ là cái cớ, mục đích chính là phá hoại cổ phần hóa doanh nghiệp, làm cho doanh nghiệp phá sản, giải thể, chuyển đất về địa phương và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao cho cá nhân quản lý. Và gần đây nhất vào các ngày từ 21 đến 23/3/2022 mục đích đòi đất của họ thực sự lộ rõ”, CFV ghi.
Trong BCTC kiểm toán 2021, kiểm toán cũng có ý kiến ngoại trừ liên quan đến chi phí cổ phần hoá chưa được quyết toán. Cụ thể, Công ty vẫn chưa được quyết toán chi phí cổ phần hoá và xác định giá trị phần vốn Nhà nước để bàn giao sang CTCP do các vấn đề xử lý các tồn tại tài chính còn vướng mắc.
CFV đã có công văn tháng 12/2020 gửi UBND tỉnh Đăk Lăk, Sở Tài chính Đăk Lăk và Ban chỉ đạo cổ phần hoá Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi, theo đó trình xem xét quyết toán chi phí cổ phần hoá 1.089 tỷ đồng, đồng thời kiến nghị xử lý giảm trừ một số khoản phải thu của các hộ nhận khoán, khoản âm quỹ khen thưởng phúc lợi và chi phí SXKD dở dang năm 2018 không thu được sản lượng theo hợp đồng khoán vào giá trị phải nộp về Nhà nước. Tại ngày 31/12/2021, giá trị của các khoản giảm trừ trên còn lại gần 14 tỷ đồng.
Kiểm toán cũng nhấn mạnh tại thời điểm lập BCTC kiểm toán 2021, CFV vẫn chưa được phê duyệt giá trị phần vốn Nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển sang CTCP. Do đó, số liệu BCTC năm 2021 của CFV có thể thay đổi khi có quyết định phê duyệt chính thức.
CFV đang nắm tổng diện tích đất đai lên đến 2.081,19 ha
Được biết, CFV tiền thân là Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi, được cổ phần hoá vào đầu năm 2019. Đơn vị hoạt động chính trong lĩnh vực trồng, khai thác và chế biến kinh doanh cà phê. Ngoài ngành nghề sản xuất kinh doanh cà phê Công ty còn kinh doanh các ngành nghề, lĩnh vực khác, như kinh doanh cho thuê nhà kho nhà xưởng, hoạt động tài chính… cũng mang lại hiệu quả.
Vốn điều lệ của CFV hiện ở mức 126,5 tỷ đồng, trong đó UBND tỉnh Đắk Lắk nắm giữ 36% và bà Phạm Thị Linh sở hữu 61,36% vốn. Chồng bà Linh hiện là Chủ tịch HĐQT CFV, ông Đỗ Hoàng Phúc.
Nguồn: BCTC kiểm toán 2021 của CFV.
Ông Phúc từng có thời gian dài công tác tại các cơ quan Nhà nước. Cụ thể, từ năm 1975 – 2008, ông Phúc giữ các chức vụ từ chiến sỹ, hạ sỹ đến đại tá, trưởng phòng nghiệp vụ tại Công an tỉnh Ninh Bình. Giai đoạn 2009 - 2011, ông chuyển công tác làm Phó chánh Văn phòng Tỉnh ủy Ninh Bình. Vị trí cuối cùng mà ông Phúc nắm giữ tại cơ quan Nhà nước là Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Ninh Bình (2011-2017).
Ngoài CFV, ông Phúc cùng vợ cũng sở hữu cổ phiếu của nhiều công ty nổi danh như 2,13 triệu cổ phiếu Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR); Công ty Bảo hiểm Quân đội (MIG)...
Tình hình kinh doanh của CFV không quá nổi trội, trước cổ phần hoá doanh thu quân bình Công ty đạt khoảng 150 triệu đồng/năm. Lợi nhuận ròng thu về tăng trưởng đều, từ 8 tỷ (năm 2015) lên 13 tỷ đồng (năm 2018).
Giá trị Công ty theo đó ở tài sản CFV đang sở hữu. Cụ thể, tại Đắk Lắk, CFV đang nắm tổng diện tích đất đai lên đến 2.081,19 ha, bao gồm 1.822,39 ha là đất trồng cây lâu năm; 258,81 ha đất sản xuất nông nghiệp; 18,63 ha là đất lâm nghiệp. Đây cũng là nguyên nhân cho sự vụ hiện tại ở CFV.
Cuối năm 2020, Cà phê Thắng Lợi từng gây xôn xao giới đầu tư khi đề xuất triển khai dự án điện mặt trời nổi Thắng Lợi tại xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar, quy mô 140 ha, tổng công suất 200 MW, vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng. Đồng thời, UBND tỉnh Đắk Lắk có văn bản đề nghị Bộ Công Thương bổ sung dự án nhà máy điện gió Thắng Lợi Đắk Lắk (xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc) của Cà phê Thắng Lợi vào Quy hoạch Điện VII điều chỉnh. Dự án có quy mô công suất 49,5 MW, tổng mức đầu tư 2.090 tỷ đồng.
Nhịp sống thị trường