Đằng sau khoản vay 95 triệu USD cho thủy điện Đăkrinh của PV Power
Với công suất 125MW, Đăkrinh được đánh giá là nhà máy sản xuất rất tốt với lợi nhuận năm 2021 đạt gần 200 tỷ đồng.
2 năm qua, đại dịch Covid xảy ra trên toàn cầu và bùng phát mạnh tại Việt Nam, làm gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực phía Nam khiến cho sản lượng tiêu thụ điện ở đây sụt giảm 25-30%. Đó là một khó khăn mà PV Power (POW) phải đối mặt.
Bên cạnh đó, PV Power cũng chịu ảnh hưởng bởi sự "xâm nhập" của năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, ông Nguyễn Duy Giang – Phó TGĐ PV Power nhận định, năng lượng tái tạo không thể thay thế năng lượng truyền thống mà đóng vai trò bổ sung khi cần thiết và tạo hiệu ứng về môi trường đầu tư xanh do nguồn điện này chỉ có thể phát được trong những khoảng thời gian nhất định. Đặc biệt, nguồn điện từ năng lượng mặt trời chỉ phát 5 tiếng/ngày. Nói cách khác, năng lượng tái tạo là loại năng lượng chạy phủ đỉnh, các loại năng lượng truyền thống như điện than, điện khí, thủy điện vẫn là nguồn điện phụ tải nền (base loat). PV Power cũng đa dạng hóa danh mục bằng việc trực tiếp đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Một khó khăn khác mà PV Power phải đối mặt là sự tăng giá của nguồn khí đầu vào khi hoạt động khai thác khí ngày càng khó khăn và chi phí ngày càng cao.
"Đó là điều tất yếu và mang tính toàn cầu" - Ông Nguyễn Duy Giang nhận định. Tuy nhiên, ông Giang cho biết, Tập đoàn PVN đã chỉ đạo PV Gas và các đơn vị đầu nguồn cân đối chi phí để đưa ra giá thành sản phẩm hợp lý, đảm bảo lợi ích cho các đơn vị thành viên sử dụng nguồn khí LNG là nhiên liệu đầu vào. Bên cạnh đó, PV Power đã tìm nguồn LNG giá rẻ từ nước ngoài như một giải pháp quản trị rủi ro.
Thực tế, đây mới chỉ là một trong những khó khăn mà PV Power - trong vai trò là người tiên phong trong lĩnh vực điện khí ở Việt Nam đã giải quyết và tạo ra những dấu ấn trên thị trường điện.
Câu chuyện đằng sau khoản vay 95 triệu USD cho thủy điện Đăkrinh của PV Power
Tháng 10/2021, dự án LNG Quảng Ninh có công suất 1.500 MW do tổ hợp PV Power - Colavi - Tokyo Gas - Marubeni đầu tư chính thức khởi động. Tháng 11, dự án LNG Nhơn Trạch 3, 4 với tổng vốn 1,4 tỷ USD do PV Power đầu tư đã được động thổ. Đây là 2 dự án điện LNG đầu tiên của Việt Nam.
Trong vai trò là doanh nghiệp đầu tiên đầu tư nhà máy điện LNG, PV Power phải tính toán và giải quyết nhiều vấn đề. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Duy Giang, câu hỏi đầu tiên là với giá LNG biến động, làm thế nào để việc sản xuất điện có hiệu quả? Với đề xuất của PV Power, Chính phủ đã chấp thuận cho Nhà máy Nhơn Trạch 3, 4 áp dụng cơ chế giá khí chuyển ngang sang giá điện, tức là việc tăng/giảm của giá khí đầu vào được chuyển vào giá bán điện.
Tuy nhiên, PV Power vẫn phải đàm phán với EVN về khối lượng điện được áp dụng cơ chế. Đây chính là thách thức lớn nhất bên cạnh các vấn đề khác như khung giá điện khí, sản lượng bán điện được phân bổ hay rủi ro vận chuyển và kho bãi…
Cái khó thứ 2 của PV Power là các dự án vay quốc tế không còn được bảo lãnh bởi Chính phủ. Giải pháp là vay không có bảo lãnh hoặc do Ngân hàng trong nước bảo lãnh. Tuy nhiên, thuận lợi là với thế hệ công nghệ mới, Nhơn trạch 3, 4 sẽ cạnh tranh tốt với các nhà máy hiện hữu vì hiệu suất cao hơn.
"Trước hết, chúng tôi vinh dự là đơn vị đầu tiên làm điện khí, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới cũng như của Tập đoàn dầu khí. Và chúng tôi cũng sẵn sàng đối mặt với những khó khăn, thách thức. Tôi thích những việc khó" - Ông Nguyễn Duy Giang nhấn mạnh.
Cũng vào những ngày cuối năm 2021, PV Power đã hoàn thành ký Hợp đồng vay AIIB, Natixis khoản vay không có bảo lãnh Chính phủ trị giá 95 triệu USD cho dự án Thuỷ điện Đakđrinh. Đây không chỉ là khoản vay quan trọng đối với Đakđrinh mà còn là khoản vay đầu tiên của Ngân hàng Phát triển hạ tầng châu Á (AIIB) với Việt Nam.
Dự án Đăkrinh trước đây được đẩu tư với phương án vay nước ngoài 178 triệu USD, dùng toàn bộ tài sản thế chấp cho Bộ tài chính để Bộ tài chính phát hành thư bảo lãnh. Tuy nhiên Đăkrinh là vùng địa bàn tập trung nhiều dân tộc thiểu số. Thực hiện chính sách của Đảng và nhà nước về nông thôn mới, áp dụng chính sách mới trong tái đền bù định cư cho dân, giá trị thực hiện dự án tăng gần 1.000 tỷ so với Phương án ban đầu.
Với công suất 125MW, Đăkrinh được đánh giá là nhà máy sản xuất rất tốt với lợi nhuận năm 2021 đạt gần 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, với bối cảnh như trên, nhà máy rơi vào tình trạng mất cân đối dòng tiền.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Duy Giang, gần 2 năm trước, đội ngũ PV Power đã đi tiếp xúc các tổ chức tài chính để tìm ngân hàng cho phép vay tái cấu trúc lại khoản vay nói trên. Một trong những tiêu chuẩn cực kỳ khó của AIIB là môi trường và xã hội. Theo đó, PV Power đã cam kết và niêm yết bảng thông báo không còn tồn tại vấn đề về đề bù giải phóng mặt bằng tại các khu vực dân cư sống. Phía đối tác cũng hỗ trợ PV Power nhiệt tình vì nếu thất bại, sẽ rất khó cho các hợp đồng vay khác của Việt Nam sau này.
"Chỉ cần xuất hiện 1 ý kiến phản ứng là dự án bị từ chối vay. Chúng tôi phải trả lời hàng nghìn câu hỏi trong hàng nghìn cuộc họp online, chuẩn bị 8.000 trang tài liệu với 100 con người tham gia dự án, hơn 10 tổ chức tư vấn và 3 hãng luật. Cuối cùng, Ngân hàng AIIB và Natixis đã chấp thuận đồng tài trợ cho vay không bảo lãnh của Chính phủ. Khoản vay này đã cân bằng trả nợ cho Đăkrinh và giảm bớt nợ công cho nhà nước hơn 1.000 tỷ khi chúng tôi trả trước cho khoản Bộ tài chính bảo lãnh" – Phó TGĐ của PV Power chia sẻ.
Các sự kiện này cũng tạo đà cho Đăkrinh phát triển và chuẩn bị cho kế hoạch lên sàn chứng khoán.
Trước khi Đăkrinh chính thức ký khoản vay này, PV Power cũng mất gần 1 năm để làm rating xếp hạng doanh nghiệp và được Fitch xếp hạng BB+ ngang hạng Quốc gia. Đây là đơn vị sản xuất đầu tiên của PVN cũng như của ngành điện thực hiện xếp hạng tín dụng, tạo điều kiện phục vụ cho vay vốn dài hạn và phát hành trái phiếu.