MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đằng sau kỳ tích 400 tỉ USD xuất nhập khẩu

Nếu không có khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ giao thương thế giới?

So với con số hơn 30 tỉ USD kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam đạt được trong năm 2001 thì kết quả 400 tỉ USD trong 11 tháng đầu năm 2017 thực sự là "kỳ tích" - như Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận xét. Nhưng đằng sau những số liệu được bóc tách lại là câu chuyện giữa thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) với những giá trị thật mà Việt Nam thu về được.

Xuất khẩu từ khối FDI ngày càng lớn

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương - TS Nguyễn Đình Cung - trong một diễn đàn về hội nhập mới đây đã thẳng thắn nói một nền kinh tế như Việt Nam không thể chối bỏ FDI, thậm chí còn phải kỳ vọng rất nhiều vào khu vực này. Một trong những thành quả và cũng là hệ lụy mà khối doanh nghiệp (DN) FDI đang in dấu rất rõ lên nền kinh tế Việt Nam chính là kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới 400 tỉ USD khi chưa kết thúc năm 2017.

Khu vực FDI đóng góp tới 145 tỉ USD cho xuất khẩu và 120,6 tỉ USD cho nhập khẩu, chiếm hơn 66% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Nếu chỉ tính riêng xuất khẩu, tỉ lệ đóng góp của khu vực FDI đạt trên 71%.

Số liệu thống kê cũng thể hiện rõ nhóm công nghiệp chế biến có mức tăng trưởng xuất khẩu nhanh. Trong đó, nhóm hàng dệt may và điện thoại, linh kiện "áp đảo" các mặt hàng còn lại. Đáng lưu ý, nhóm hàng này phần lớn nằm trong tay các ông lớn FDI.


Phần lớn kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam phụ thuộc vào khối doanh nghiệp FDI Ảnh: Hoàng Triều

Phần lớn kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam phụ thuộc vào khối doanh nghiệp FDI Ảnh: Hoàng Triều

Báo cáo của nhóm tác giả Trịnh Thị Thanh Thúy và Vũ Thúy Vinh - Viện nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công thương - nêu rõ cơ cấu xuất khẩu theo thành phần kinh tế của Việt Nam có sự "chuyển biến rõ rệt", tuy nhiên, theo hướng đáng phải suy nghĩ. Nếu năm 2007, khu vực kinh tế trong nước đóng góp 42,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thì đến 2016 chỉ còn 28,5%. Tương ứng, tỉ trọng của khu vực FDI trong tổng kim ngạch xuất khẩu tăng từ 57,2% năm 2007 lên 71,5% năm 2016.

"Các chính sách thu hút FDI trong lĩnh vực sản xuất đem lại kết quả tốt nhưng cũng thể hiện việc xuất khẩu của Việt Nam đang ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào khối DN này. Sự phụ thuộc này không chỉ khiến xuất khẩu - động lực chính của tăng trưởng - trở nên nhạy cảm và bấp bênh hơn trước những biến động của kinh tế thế giới mà giá trị gia tăng của sản xuất và xuất khẩu Việt Nam thu được rất thấp" - báo cáo chỉ rõ.

TS Ngô Tuấn Anh, Khoa Kinh tế học Đại học Kinh tế Quốc dân, cũng dẫn chứng năm 2016, riêng Samsung Việt Nam chiếm khoảng 22% kim ngạch xuất khẩu cả nước. "Điều này thể hiện sự yếu kém của các DN nội địa" - TS Tuấn Anh thẳng thắn.

Hai nền kinh tế cùng tồn tại

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cũng nhìn nhận DN Việt Nam còn yếu kém, sức cạnh tranh thấp, ít gắn kết với DN, hệ quả là tồn tại 2 nền kinh tế trong một quốc gia.

Cụ thể, theo TS Tuấn Anh, tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn vừa qua chưa bền vững, giá trị gia tăng của hàng hóa còn thấp do chủ yếu dựa vào khai thác các yếu tố về điều kiện tự nhiên và nguồn lao động rẻ; hàng công nghiệp chế biến chủ yếu là gia công, lắp ráp dựa trên việc nhập khẩu nguyên liệu, phụ tùng, linh kiện, chi tiết máy, bán thành phẩm. "Chính sách đẩy mạnh xuất khẩu mới chỉ chú trọng đến bề rộng, chưa chú trọng đến nâng cao khả năng cạnh tranh và thương hiệu sản phẩm, những ngành mang lại giá trị gia tăng lớn; còn hạn chế trong việc đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu và chuyển dịch lên chuỗi giá trị toàn cầu, chưa thực sự quan tâm đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng" - ông Tuấn Anh nhìn nhận.

Cũng nêu dẫn chứng phản ánh trình độ sản xuất của Việt Nam đang ở mức thấp như: giai đoạn 2010-2015, Việt Nam có 323 lô hàng thủy hải sản bị cảnh báo không bảo đảm an toàn thực phẩm; nhiều lô hàng rau húng, thanh long, ớt bị cảnh báo về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và an toàn thực phẩm, TS Đặng Kim Khôi, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, nhận định: "Nhiều sản phẩm của Việt Nam chưa đáp ứng được các quy định về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn kỹ thuật của nước nhập khẩu. Việc không tuân thủ các hàng rào này khiến nông sản Việt Nam bị mất uy tín, thậm chí có thể mất quyền xuất khẩu trong tương lai".

Trong khi đó, nhóm tác giả Trịnh Thị Thanh Thúy và Vũ Thúy Vinh chỉ ra trong xuất nhập khẩu, đa phần DN Việt không có chiến lược kinh doanh bài bản theo hướng khai thác lợi thế so sánh trong thương mại quốc tế, hoạt động kinh doanh thường diễn ra theo các hợp đồng ngắn hạn, cạnh tranh lẫn nhau, thiếu tính liên kết và không có thương hiệu.

Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ góp ý cần cố gắng cải thiện trình độ để tăng tỉ lệ nội địa hóa trong mỗi sản phẩm, qua đó giúp nền kinh tế được hưởng lợi thực sự từ hoạt động giao thương. Trong đó, lưu ý nâng cao tỉ trọng xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp bởi đây mới chính là lĩnh vực có giá trị với nền kinh tế và cải thiện thu nhập của nông dân, tuy rằng tỉ trọng đóng góp còn rất thấp.

Ý KIẾN

TS Đặng Kim Khôi - Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn:

Thu hẹp khoảng cách giữa chính sách và cam kết

Do xuất khẩu khu vực nông nghiệp còn yếu nên cần sự quan tâm lớn. Chẳng hạn, trong bảo đảm quyền lợi hưởng ưu đãi, một số ngành hàng hiện nay của Việt Nam có nguy cơ khó đáp ứng các quy định về xuất xứ. Ví dụ, trong ngành hàng điều, bắt buộc mặt hàng điều nhân phải chế biến từ nguồn điều nguyên liệu sản xuất trong nước; trong khi đó, Việt Nam đang nhập khẩu tới 63% điều nguyên liệu từ khu vực Bờ Biển Ngà, Ghana, Nigeria để sản xuất chế biến. Với ngành gỗ, ta đang nhập gỗ nguyên liệu chủ yếu từ Lào, Campuchia là các nước ngoại khối và thường không có chứng chỉ nguồn gốc hợp pháp… Những việc này cần được giải quyết bằng các chính sách liên quan đến xây dựng vùng nguyên liệu; định hướng sản xuất; hỗ trợ các ngành hàng yếu thế; chuyển đổi ngành nghề và hỗ trợ tìm phân khúc có lợi thế.

Ngoài ra, một số chính sách của Việt Nam vẫn còn khoảng cách với cam kết quốc tế. Do đó, cần rà soát kỹ, nhanh chóng điều chỉnh. Bên cạnh đó, cần có chính sách đột phá để vừa tạo dựng môi trường thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp vừa tạo điều kiện thích hợp nhằm thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp.

TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương:

Nâng cao "chất" thị trường

Câu chuyện khu vực FDI chiếm phần lớn thành tích xuất khẩu của Việt Nam đã quá rõ. Việt Nam hội nhập trên tất cả cấp độ nên bên cạnh cái được là thúc đẩy cạnh tranh, tiếp cận được nhiều thị trường thì những khác biệt trong cam kết quốc tế có thể gây chệch hướng thương mại và đầu tư. Bài toán đặt ra là phải hài hòa được những điều này, phải gắn kết chặt chẽ thu hút FDI với quá trình hội nhập sâu rộng của Việt Nam.

Cái được nhất cũng là tác động lớn nhất của hội nhập, đặc biệt là thực thi các hiệp định thương mại chất lượng cao là cải cách thể chế. Do đó, xúc tiến đầu tư, thương mại cần nhắm vào các nhà đầu tư có tiềm năng và khả năng tạo hiệu ứng lan tỏa tốt nhất. Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực tạo dựng một thể chế kinh tế thị trường hiện đại, phù hợp với những chuẩn mực, thông lệ tốt nhất có thể; trong đó "chất" thị trường phải mạnh hơn. Tất cả điều này sẽ là bệ đỡ giúp thu hút FDI, cải thiện chất lượng hàng hóa xuất nhập khẩu cũng như thúc đẩy DN Việt Nam lớn lên.

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh:

Tạo bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp

Thành tích 400 tỉ USD xuất nhập khẩu này sẽ có tác động lớn đến chỉ tiêu GDP. Nhưng đó là thành tích "vô nghĩa". Bởi từ năm 2005 đến nay, lúc nào DN FDI cũng xuất siêu và Việt Nam được gì? Họ xuất siêu thì lợi nhuận đi vào túi của họ. Và tới lúc giảm hoặc hết ưu đãi, liệu ta có phải ngậm ngùi nhìn họ rút đi?

Cách thu hút vốn FDI hiện nay khiến lợi ích đất nước bị thu hẹp, do ưu đãi lớn cho họ về thuế, đất đai… Ví dụ như chính sách miễn giảm thuế nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu, do DN FDI chủ yếu sản xuất hàng xuất khẩu, nên phần nhập khẩu đầu vào họ cũng được miễn, giảm. Còn DN trong nước hầu như không được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu đầu vào bởi lý do các DN chỉ sản xuất hàng phục vụ thị trường nội địa.

Từ đó, phải tạo ra cơ chế bình đẳng giữa các loại hình DN để nâng cao sức cạnh tranh của DN nội địa. Nếu không, sẽ còn tiếp diễn tình trạng xuất siêu của khu vực FDI lên tới 72% tổng xuất khẩu, họ được hưởng lợi lớn, còn chúng ta cho họ mượn địa điểm để sản xuất với chi phí rẻ, lời lãi lớn, mà ta không giữ lại cho mình được gì.

Theo Phương Nhung

Người Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên