MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đằng sau lời khen “chưa nước nào làm được như Việt Nam”

Không chỉ có tốc độ giảm nợ công khiến Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam bất ngờ, trong thời gian qua, kinh tế Việt Nam thực sự là ngôi sao sáng trên truyền thông quốc tế.

Từ tình thế "đứt dây chết"

Bước vào nhiệm kỳ 2016 - 2020, cả nền kinh tế oằn lưng với nợ nần khi tính đến cuối năm 2015, nợ công bằng 62,2% GDP; nợ Chính phủ 50,3% (vượt trần quy định là 50%), số nợ phải trả hàng năm vùn vụt tăng.

Khi đó, đứng trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nói thẳng về thực trạng này: " Ngân sách đang căng thẳng như đi trên dây, nếu mấy năm tới có thể đứt dây thì chúng ta chết". Cả guồng máy chính trị đã vào cuộc để cứu lấy nợ công.

Năm 2017, lần đầu tiên, Bộ Chính trị ra Nghị quyết về quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết này còn Quốc hội tiến hành sửa đổi dự Luật Quản lý nợ công.

Đến cuối năm 2017, sau 10 năm liên tục "xé rào", Chính phủ bắt đầu cầm cương được bội chi và kể từ đó chấm dứt thời kỳ "xé rào" của con số này, đưa nợ công quay đầu. Bội chi và nợ công ngày càng giảm sâu, tốc độ tăng nợ công đã giảm hơn một nửa. Nếu như giai đoạn 2011 - 2015 là hơn 18% thì giai đoạn 2016 - 2020 chỉ hơn 8%. Quan trọng hơn, nợ công đã được cơ cấu lại tốt hơn trước rất nhiều.

Kỳ hạn bình quân danh mục trả nợ (gồm vốn vay trái phiếu, vay trong nước) lên gần 7 năm, trong khi năm 2011 - 2012 là là 2,9 năm. Lãi suất bình quân giai đoạn 2011 - 2013 phát hành là 12 - 13%/năm nhưng 2 năm gần đây xuống còn khoảng 4,6%, kỳ hạn 13 năm.

Có thể nói, giảm nợ công chính là một trong những thành công lớn nhất của Việt Nam thời gian qua. Từ mức 63,7% GDP vào cuối năm 2016, quy mô nợ công giảm xuống còn 55% so với GDP vào cuối năm 2019. Tức trong 3 năm giảm tới gần 10%.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, nhận xét: Chưa có nước nào làm được như Việt Nam.

... đến những lời khen ngợi "tới tấp"mà quốc tế dành cho Việt Nam

Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nợ công có thể lên đến 57-58% GDP. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 2016-2020 là không quá 65% GDP. Quy mô nợ Chính phủ đã giảm mạnh từ 52,7% năm 2016 xuống 48% GDP đến cuối năm 2019, thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu không quá 54%.

Không chỉ có lời khen ngợi của Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, từ trong đại dịch Covid-19, Việt Nam đã trở thành ngôi sao sáng trên truyền thông quốc tế.

Vào tháng 5/2020, Tạp chí The Economist công bố bảng xếp hạng "sức khỏe" tài chính của 66 nền kinh tế mới nổi, trong đó Việt Nam đứng thứ 12, thuộc nhóm an toàn sau đại dịch Covid-19, được đánh giá là quốc gia mới nổi có nền tài chính khỏe mạnh dựa trên 4 nhân tố: nợ công, nợ quốc gia, chi phí vay và dự trữ ngoại hối. Việt Nam cũng không có chỉ số nào ở mức báo động.

Với những tiến bộ vượt bậc về mặt kinh tế, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF cũng đánh giá rất cao về Việt Nam. Theo tổ chức này, GDP Việt Nam năm 2020 ước tính sẽ đạt 340,6 tỷ USD, vượt Singapore với 337,5 tỷ USD; Malaysia với 336,3 tỷ USD. Điều này sẽ giúp Việt Nam trở thành quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 4 khu vực Đông Nam Á.

Theo dự báo của Ngân hàng Standard Chartered, nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 3% trong năm 2020 và vượt lên 7,8% vào năm 2021. Hoạt động tiêu dùng gia tăng nhờ yếu tố tâm lý thị trường được cải thiện và lĩnh vực sản xuất tăng tốc sẽ là động lực tăng trưởng chính trong quý 4 năm nay.

Ngân hàng Phát triển châu Á ADB mới đây đanh giá, khả năng phục hồi kinh tế Việt Nam vào năm 2021 theo hình chữ V và có khả năng sẽ rất mạnh.

Và Asia Times nói, Việt Nam là một ngoại lệ nhờ vào phản ứng nhanh chóng và quá trình dập dịch hiệu quả. Do đó, kinh tế Việt Nam được dự đoán sẽ sớm chứng kiến những dấu hiệu tích cực sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát - đây là điều gần như không thể đối với các nước đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19.

 Đằng sau lời khen “chưa nước nào làm được như Việt Nam” - Ảnh 1.

Điều gì làm nên kỳ tích?

Câu hỏi đặt ra là có sự khác biệt nào trong hoạt động tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016 - 2020?

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, Chính phủ Việt Nam đã xác định và cụ thể hóa các mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế. Trong các mục tiêu đó, rất nhiều mục tiêu được định lượng cụ thể. Nhờ đó, Chính phủ có thể giám sát được tiến độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ, bên cạnh việc đôn đốc tiến độ thực thi.

Các việc làm cụ thể của Chính phủ:

Thứ nhất, Chính phủ ra hẳn một Chương trình hành động của Chính phủ, giao 108 nhiệm vụ cụ thể cần thực thi cho các bộ, ngành, địa phương.

Thứ hai, nhiều văn bản pháp luật được ra đời nhằm hoàn thiện thể chế và tạo khung pháp lý cho quá trình cơ cấu lại toàn diện nền kinh tế gắn với đổi mới sâu rộng mô hình tăng trưởng, đặc biệt là tập trung xử lý các vấn đề lâu nay còn yếu kém.

Theo đó, có khoảng 234 văn bản các loại đã được soạn thảo và ban hành để triển khai các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 26 Luật và Bộ Luật góp phần tháo gỡ nhiều vướng mắc tồn tại từ giai đoạn trước.

Thứ ba, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Ban Chỉ đạo trên do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ làm Phó trưởng Ban thường trực. Các bộ, ngành, địa phương đã ban hành chương trình hành động, các văn bản hướng dẫn nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ được giao; thực hiện nghiêm túc việc đánh giá hàng năm và giữa kỳ về tình hình và kết quả triển khai.

Thứ tư, Chính phủ tổ chức thảo luận về kết quả triển khai thực hiện các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế trong hội nghị Chính phủ với địa phương nhằm nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm trong việc thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ. Nhìn chung các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện có trách nhiệm, quyết liệt và thực chất các chính sách về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.

Nhờ những hành động cụ thể trên, đã có sự chuyển biến cả về tư duy, quyết tâm và hành động cụ thể trong công tác xây dựng kế hoạch và chỉ đạo thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế.

Tính đến ngày 31/7/2020, tất cả các nhiệm vụ đã được triển khai, trong đó 37,96% nhiệm vụ đã có kết quả rõ ràng, 59,26% nhiệm vụ đã có kết quả bước đầu, và chỉ có khoảng 3,70% số nhiệm vụ đã triển khai nhưng vẫn còn chậm so với kế hoạch.

Theo Đỗ Lan (Tổng hợp)

Theo Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên