MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sau mức tăng 245% của cổ phiếu "máy photocopy" trên HOSE: Toàn bộ nhóm cổ đông nước ngoài thoái vốn, bán tài sản

30-06-2023 - 09:09 AM | Doanh nghiệp

Sau mức tăng 245% của cổ phiếu "máy photocopy" trên HOSE: Toàn bộ nhóm cổ đông nước ngoài thoái vốn, bán tài sản

Ngày 30/6 tới, ST8 dự kiến tổ chức đại hội cổ đông bất thường để trình thông qua một số nội dung như thay đổi ngành nghề kinh doanh chính, địa chỉ trụ sở chính, cơ cấu tổ chức quản lý, trình miễn nhiệm và bầu bổ sung thành viên HĐQT mới.

CTCP Đầu tư phát triển ST8 (tên cũ: CTCP Siêu Thanh, mã chứng khoán: ST8) là một doanh nghiệp gây chú ý trên sàn chứng khoán trong nửa năm với mức tăng trưởng 3 con số của giá cổ phiếu.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 29/06, cổ phiếu ST8 có giá 26.400 đồng/cp, tăng 245% so với giá hồi đầu năm. Thậm chí cổ phiếu này còn đạt được mức giá cao lịch sử là 29.450 đồng/cp khi kết thúc phiên giao dịch ngày 23/6. Thanh khoản cũng được cải thiện từ mức vài nghìn đơn vị lên vài chục đến vài trăm nghìn đơn vị mỗi phiên.

Đằng sau mức tăng 245% của một cổ phiếu "máy photocopy": Toàn bộ cổ đông sáng lập rút chân, bán tài sản, để lại "vỏ" trên sàn chứng khoán - Ảnh 1.

Toàn bộ cổ đông sáng lập thoái vốn

Điều nhận thấy rõ ràng tại ST8 là biến động ở các vị trí lãnh đạo cấp cao. Toàn bộ cổ đông sáng lập, tức gia đình của cựu Chủ tịch Yung Cam Meng đã thoái vốn, để lại doanh nghiệp cho chủ mới.

Theo báo cáo quản trị của doanh nghiệp năm 2022 và trong các năm trước đó, gia đình ông Yung Cam Meng sở hữu một số lượng lớn cổ phần của ST8. Cụ thể, ông Yung Cam Meng lúc đó nắm 23,77% vốn điều lệ của ST8. Vợ ông là bà Phạm Thị Mai Duyên là cổ đông lớn nhất khi nắm 40% vốn tại đây. Còn ông David Cam Hao Ong, Phó Chủ tịch HĐQT ST8 và là em trai ông Yung Cam Meng đang sở hữu 24,97% vốn.

Tuy nhiên từ cuối tháng 1 - tháng 6 năm nay, các cổ đông này đã bán hết số cổ phiếu đang nắm giữ. Sau hơn 2 thập kỷ gia đình ông Yung Cam Meng đã không còn hiện diện tại doanh nghiệp này.

Thay vào đó, ông Nguyễn Văn Bình, bà Hoàng Thị Thanh Hoa, ông Nguyễn Tiến Mạnh, ông Nguyễn Tôn Việt và ông Nguyễn Văn Đại trở thành thành viên HĐQT cho nhiệm kỳ 2023-2028.

Tuy nhiên, chỉ sau hai tháng, cả 5 Thành viên HĐQT đã đồng loạt nộp đơn từ nhiệm hồi đầu tháng 6. Ngày 30/6 tới, ST8 dự kiến tổ chức đại hội cổ đông bất thường để trình thông qua một số nội dung như thay đổi ngành nghề kinh doanh chính, địa chỉ trụ sở chính, cơ cấu tổ chức quản lý, trình miễn nhiệm và bầu bổ sung thành viên HĐQT mới.

Những ứng viên thay thế bao gồm ông Thân Minh Thuận, ông Nguyen Van Hoang, ông Hata Kojiro, ông Đoàn Thế Toàn và ông Nguyễn Đức Tùng.

Đằng sau mức tăng 245% của một cổ phiếu "máy photocopy": Toàn bộ cổ đông sáng lập rút chân, bán tài sản, để lại "vỏ" trên sàn chứng khoán - Ảnh 2.

Những ứng viên HĐQT mới của ST8.

Phía Ban điều hành mới của ST8 cho biết, việc nhóm cổ đông sáng lập thoái vốn khỏi ST8 vì nhiều lý do cá nhân, trong đó nguyên nhân chính là dự đoán ngành nghề kinh doanh thiết bị văn phòng hiện tại và sắp tới có nhiều biến động lớn do các rào cản nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam. Nhóm cổ đông mới vào tiếp quản Công ty, mục tiêu thay đổi định hướng và mô hình quản trị công ty.

Thanh lý tài sản, chia cổ tức "khủng"

CTCP Đầu tư Phát triển ST8 tiền thân là công ty TNHH TM & DV Siêu Thanh được thành lập vào năm 1994 tại TP HCM với vốn điều lệ ban đầu chỉ 300 triệu đồng với những cổ đông sáng lập bao gồm các thành viên trong gia đình ông Yung Cam Meng. Ban đầu ngành nghề kinh doanh chính của công ty phân phối các thiết bị văn phòng như máy in, máy photocopy, máy fax, máy chiếu...

Đến năm 1996, Siêu Thanh trở thành nhà phân phối chính thức của hãng Ricoh - thương hiệu thiết bị văn phòng hàng đầu của Nhật Bản. Doanh nghiệp được niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) từ tháng 12/2007 với mã ST8.

Trong năm 2022, trước khi có sự "rút chân" của những cổ đông sáng lập, ST8 đã thoái vốn khỏi nhiều mảng kinh doanh của công ty.

Cụ thể, vào giữa tháng 7/2022 công ty đã ra thông báo chuyển nhượng toàn bộ 3,78 triệu cổ phần tại Honda Kim Thanh, tương đương hơn 55% vốn cho ông Nguyễn Văn Cựu với giá 36,7 tỷ đồng. Honda Kim Thanh sẽ không còn là công ty con của Siêu Thanh từ tháng 7/2022.

ST8 lấn sân sang mảng kinh doanh xe ô tô trong giai đoạn 2006-2007 với việc thành lập công ty Honda Kim Thanh để phân phối các loại xe 4 bánh thương hiệu Honda.

Bên cạnh Honda, năm 2007, công ty bán thêm dòng xe Chevrolet thông qua công ty con là Cường Thanh Auto rồi chuyển qua bán xe VinFast khi hãng xe này ra đời. Nhưng đến tháng 12/2020, nhận thấy việc kinh doanh xe VinFast không phát triển trong tương lai nên ST8 đã quyết định giải thế đơn vị này.

Không chỉ thoái vốn khỏi mảng buôn bán ô tô của mình, ST8 còn thoái vốn khỏi hai công ty con khác trong năm 2022. Cụ thể, cuối tháng 6 năm ngoái, doanh nghiệp thông báo đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại CTCP Thiết bị Văn phòng Siêu Thanh với giá hơn 112,2 tỷ đồng.

Bên cạnh đó ST8 cũng đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần CTCP Nam Thanh Sài Gòn với giá 7 tỷ đồng vào tháng 6/2022. Đây là công ty buôn bán máy móc, thiết bị và phụ tùng máy khác.

ST8 cũng chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Vũng Tàu và lô 161F Dạ Nam tại quận 8 TP HCM.

Cụ thể, ST8 đã chuyển giao quyền sử dụng khu đất rộng 134m2 có địa chỉ tại tại 47 Trần Hưng Đạo, thành phố Vũng Tàu cho Công ty Thiết bị văn phòng Siêu Thanh với giá 12,8 tỷ đồng. Ngoài ra, đơn vị này chuyển nhượng quyền sử dụng mảnh đất 161F Dạ Nam rộng 4.892,1 m2 cho ông Võ Tấn Tịnh với giá 299,9 tỷ đồng, đã bao gồm thuế.

Nhờ thoái vốn hàng loạt khỏi các công ty con và bán đất, năm 2022 cũng là năm ST8 ghi nhận khoản lãi kỷ lục sau nhiều năm ghi nhận kết quả kinh doanh trồi sụt với doanh thu thuần 340 tỷ đồng. Sau khi khấu trừ chi phí, doanh nghiêp lãi ròng kỷ lục 204 tỷ đồng, gấp 12,2 lần cùng kỳ.

Ngay khi ghi nhận khoản lãi kỷ lục, tháng 8 năm ngoái doanh nghiệp này đã tạm ứng cổ tức 2022 bằng tiền mặt theo tỷ lệ 85%, tức mỗi cổ phiếu nhận thêm 8.500 đồng. Với 25,7 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Siêu Thanh chi ra 218,4 tỷ đồng để trả số cổ tức trên, tương ứng gần như toàn bộ phần lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (228 tỷ đồng).

Theo đó, bà Phạm Thị Mai Duyên sẽ nhận số tiền lớn nhất là 87,5 tỷ đồng, chủ tịch Yung Cam Meng nhận về gần 52 tỷ đồng.

Đằng sau mức tăng 245% của một cổ phiếu "máy photocopy": Toàn bộ cổ đông sáng lập rút chân, bán tài sản, để lại "vỏ" trên sàn chứng khoán - Ảnh 3.

Đơn vi: Tỷ đồng

Sau khi bán nhiều tài sản trong năm 2022, kết quả kinh doanh của đơn vị này đã giảm mạnh trong quý I năm nay. Cụ thể, doanh thu của ST8 đã giảm gần 95% còn 15,2 tỷ đồng. Khoản lợi nhuận sau thuế cũng giảm từ 6,1 tỷ đồng về còn hơn 957 triệu đồng.

Cơ cấu tài sản cũng thay đổi mạnh trong quý vừa qua. Cụ thể, tại ngày 31/3, tổng tài sản của ST8 đạt 292,2 tỷ đồng, giảm 6,4% so với đầu năm. Trong đó, lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của đơn vị này giảm 96% còn 9,4 tỷ đồng. Trong khi đó, các khoản phải thu ngắn hạn gấp 6 lần đầu năm lên 264 tỷ đồng. Theo thuyết minh, đây là các khoản tạm ứng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, tìm kiếm danh mục đầu tư và đặt cọc tiền mua đất. Tài sản dài hạn tăng từ 0 lên 101 tỷ đồng.

Trọng Hiếu

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên