MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đằng sau quyết định dời đô của Indonesia

09-08-2019 - 20:48 PM | Tài chính quốc tế

Indonesia sẽ chuyển thủ đô từ Jakarta đến Borneo, hòn đảo có diện tích tới 743.300 km2.Kế hoạch này có thể kéo dài 10 năm.

"Thủ đô của chúng ta sẽ chuyển sang đảo Borneo. Vị trí có thể là Trung Kalimantan, Đông Kalimantan hoặc Nam Kalimantan", Tổng thống Indonesia Joko Widodo viết trên Twitter cá nhân ngày 8/8.

"Mọi khía cạnh đang được nghiên cứu kỹ càng để quyết định đưa ra phù hợp với tầm nhìn của chúng ta trong tương lai - một tầm nhìn vĩ đại cho quốc gia trong 10, 50, 100 năm nữa".

Borneo, diện tích 743.300 km2, là đảo lớn thứ ba thế giới và lớn nhất ở châu Á. Ba quốc gia có lãnh thổ trên Borneo gồm Brunei, Malaysia và Indonesia, trong đó Indonesia chiếm 73% diện tích. Thủ đô Jakarta hiện trên đảo Java, nơi có diện tích khoảng 128.000 km2 nhưng tập trung tới 60% dân số Indonesia.

Đằng sau quyết định dời đô của Indonesia - Ảnh 1.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo xác nhận sẽ chuyển thủ đô khỏi thành phố Jakarta. Ảnh: Nikkei.

“Tổng thống chọn dời thủ đô khỏi đảo Java, một quyết định quan trọng”, Bộ trưởng Kế hoạch Indonesia Bambang Brodjonegoro phát biểu sau cuộc họp nội các hôm 29/4.Kế hoạch chuyển thủ đô khỏi Jakarta được chính phủ Indonesia đề cập từ tháng 4.

Theo ông Brodjonegoro, thủ đô mới sẽ là nơi sinh sống của khoảng 900.000 – 1.500.000 người, chủ yếu là công chức và gia đình, diện tích khoảng 300 – 400 km2. Hầu hết văn phòng, cơ quan của chính phủ sẽ được di dời. Ngân hàng trung ương Indonesia cùng các cơ quan tài chính, đầu tư dự kiến vấn ở lại Jakarta.

“Thiết lập thủ đô mới không có nghĩa là tạo ra Jakarta thứ hai. Thủ đô mới chỉ dành cho chính phủ trung ương”, ông Brodjonegoro nói.

Kế hoạch này sẽ tốn khoảng 323.000 – 466.000 tỷ rupiah (22,66 – 32,7 tỷ USD). Quá trình quy hoạch, thiết kế và xây dựng có thể kéo dài 10 năm.

Tại sao lại dời thủ đô?

Ý định dời thủ đô đã được đề cập vài lần kể từ khi Indonesia giành độc lập từ Hà Lan năm 1945, theo BBC. Năm 2016, kết quả một khảo sát cho thấy Jakarta là nơi có giao thông tệ nhất thế giới. Các bộ trưởng phải được đoàn xe cảnh sát hộ tống mới có thể đến họp đúng giờ.

Indonesia cũng triển khai một chương trình lớn để phi tập trung hóa chính phủ trong hai thập kỷ qua nhằm tăng quyền lực chính trị và nguồn lực tài chính cho các khu vực xung quanh.

Jakarta có khoảng hơn 10 triệu dân trong khi lượng người sinh sống tại các thị trấn quanh thủ đô cao hơn khoảng 3 lần, khiến tình trạng tắc nghẽn giao thông thêm nghiêm trọng, ước tính gây thiệt hại 7 tỷ USD mỗi năm cho nền kinh tế.

Thành phố này còn nằm trong nhóm những khu vực có tốc độ lún nhanh nhất thế giới do tình trạng khai thác nước ngầm bừa bãi, dễ bị lụt. Chỉ khoảng 4% lượng nước thải ở Jakarta được xử lý, gây ra tình trạng ô nhiễm sông ngòi, làm bẩn nguồn nước ngầm.

Những khu dân cư nghèo ven biển phía bắc Jakarta thường xuyên bị lụt và còn lún nhanh hơn nữa, lên tới 25 cm mỗi năm. Hiện tại, 40% diện tích thành phố đã nằm dưới mực nước biển. Một số nghiên cứu ước tính một nửa Jakarta sẽ chìm trong nước vào năm 2030.

Đến thời điểm đó, Jakarta sẽ trở thành thành phố đông dân nhất thế giới với dân số từ 30 – 35,6 triệu người. Điều này đáng lo ngại bởi Jakarta tạo ra 1/5 GDP của Indonesia trong khi hạ tầng không theo kịp.

Đằng sau quyết định dời đô của Indonesia - Ảnh 2.

Phân bố dân số Indonesia tại các đảo. Ảnh: Bloomberg.


Ứng viên tiềm năng

Với 680 km2 đất công sẵn sàng sử dụng, Bukit Soeharto ở Đông Kalimantan đang là ứng viên hàng đầu trong danh sách của Tổng thống Widodo, với vị trí dễ tiếp cận hai sân bay quốc tế trên đảo, gần như không chịu ảnh hưởng từ thảm họa tự nhiên như động đất, lũ lụt, theo thống đốc địa phương Isran Noor.

Diện tích đất nêu trên nằm ở phía đông và tây công viên quốc gia Bukit Soeharto, nơi có một trung tâm bảo tồn đười ươi. Chỉ 30% diện tích công viên được dùng để xây thành phố mới. Chính quyền địa phương cam kết bảo tồn các khu rừng tự nhiên. Noor cho biết nhà chức trách có thể chặt phá một số cây nhưng sẽ tối thiểu hóa thiệt hại.

"Tôi đã trao đổi với tổng thống và ông ấy nói '90% sẽ là Đông Kalimantan'. Vùng này nằm chính giữa Indonesia và có đầy đủ cơ sở hạ tầng xung quanh", ông Noor nói với Bloomberg. "Đông Kalimantan là ứng viên tiềm năng bởi chúng tôi đáp ứng gần như mọi tiêu chí".

Một lựa chọn tiềm năng nữa là Palangkaraya, cách Jakarta vài trăm km về phía đông bắc. Về mặt địa lý, Palangkaraya nằm gần trung tâm đảo Borneo và từng được Sukarno, nhà lập quốc Indonesia, đề xuất làm thủ đô.

Tổng thống Widodo dự kiến công bố lựa chọn của ông vào cuối tháng 8.

Bộ trưởng Brodjonegoro cho biết Indonesia dự kiến bắt đầu xây dựng thành phố mới từ năm 2021 và bắt đầu di chuyển một số văn phòng từ năm 2024. Dự án sẽ được tài trợ bởi chính phủ và thông qua hợp tác công - tư nhân.

Theo Như Tâm

NDH

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên